Phát biểu tại hội nghị, ông Đồng Mai Lâm, Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia đã chỉ ra năm xu hướng toàn cầu đang tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực.
Xu hướng tái cân bằng toàn cầu: Sự bất định của tình hình chính trị toàn cầu, chiến tranh thương mại diễn ra phức tạp dẫn đến sự chuyển dịch từ toàn cầu hóa sang xu hướng bảo hộ, kinh tế độc lập đề cao nội địa hóa và xây dựng chuỗi cung ứng kép đang định hình lại cách doanh nghiệp vận hành.
Xu hướng dịch chuyển thịnh vượng: Dân số bùng nổ tại Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông cùng quá trình đô thị hóa sẽ tạo ra nhu cầu năng lượng khổng lồ. Đến năm 2050, dự báo có hơn 1,3 tỷ người sẽ sinh sống tại những khu vực này. Kéo theo đó là nhu cầu về nhà ở, văn phòng làm việc, các tiện ích khác về giao thông, dịch vụ, năng lượng… tăng cao.

Xu hướng biến đổi khí hậu: Sự dịch chuyển thịnh vượng mang đến nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng mang lại nhiều nguy cơ. Trong đó, thách thức từ phát thải carbon khiến mọi công trình, nhà máy và hoạt động tiêu thụ năng lượng cần phải hướng tới tiêu chí xanh và bền vững, có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.
Xu hướng bùng nổ số hóa và AI: Ngày nay, trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phổ biến, những cuộc thảo luận về trí tuệ nhân tạo đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Nếu World Wide Web cần 7 năm để đạt 100 triệu người dùng, thì AI chỉ mất... 2 tháng. Động lực cho tốc độ này chính là sự bùng nổ của dữ liệu và IoT.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cảnh báo rằng làn sóng chuyển đổi cũng kéo theo nhu cầu năng lượng cho trung tâm dữ liệu ngày càng tăng, dự kiến cao hơn 1,6 lần trong 5 năm tới, đòi hỏi công nghệ làm mát và quản lý điện năng hiệu quả hơn bao giờ hết.
Xu hướng chuyển dịch năng lượng: Với 80% lượng phát thải carbon đến từ sử dụng năng lượng và dân số toàn cầu tăng thêm 2 tỷ người vào năm 2050, nhu cầu về nguồn năng lượng sạch, bền vững là bài toán cấp bách. Tổng giám đốc Schneider Electric Việt Nam và Campuchia khẳng định: “Các công nghệ hiện tại có thể giúp loại bỏ 70% phát thải carbon trong chuỗi mắt xích năng lượng.”
Tương lai phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng công nghệ ra sao. Nếu được ứng dụng một cách có chiến lược và bền vững, công nghệ có thể trở thành “vũ khí” chủ lực giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, thích nghi với bối cảnh mới và dẫn đầu trong hành trình phát triển bền vững toàn cầu.
TH