Người dân cần làm gì để tránh sập bẫy lừa đảo trực tuyến?

Bùi Huyền
Dù đã được cảnh báo rất nhiều, các hình thức lừa đảo thậm chí không hề mới, nhưng vẫn có những nạn nhân mới sập bẫy lừa đảo trực tuyến.

Theo Bộ TT&TT, các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, đồng thời luôn luôn có những hình thái mới, tinh vi hơn.

lua dao truc tuyen1.png
Các hình thức lừa đảo trực tuyến luôn có sự thay đổi, đan xen mới và cũ, ngày càng tinh vi hơn.

Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) trong tháng 9/2023 cho thấy, có 3 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến nhất, bao gồm: Giả mạo website, lừa đảo chiếm đoạt bằng đường link/file nén và lừa đảo thẻ tín dụng, chiếm đoạt tài sản thông qua mã QR.

Khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết được cách nhận diện các hình thức lừa đảo, họ sẽ cảnh giác hơn, giúp cho câu chuyện lừa đảo trực tuyến sẽ giảm trong thời gian tới Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT

Đáng chú ý, có nhiều hình thức lừa đảo không mới, nhưng vẫn có những nạn nhân sập bẫy chiêu trò của tội phạm mạng.

Theo các chuyên gia, để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, người dân cần phải luôn đề cao cảnh giác, nhận biết các hình thức lừa đảo, trang bị thêm tri thức để tự bảo vệ mình tốt hơn trên không gian mạng.

“Khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết được cách nhận diện các hình thức lừa đảo, họ sẽ cảnh giác hơn, giúp cho câu chuyện lừa đảo trực tuyến sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT nhấn mạnh tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ TT&TT.

Người dân cũng cần đặc biệt lưu ý: Cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân, kiểm soát những thông tin khi đưa lên mạng; Khi bất ngờ nhận được một đường link về khuyến mãi hấp dẫn qua email, hãy kiểm tra kỹ trước khi click mở, so sánh địa chỉ trang web đang được chuyển hướng với các trang web chính thống, chỉ truy cập và cung cấp thông tin cho những website có chứng chỉ bảo mật https; Đặt câu hỏi xem sự việc đang diễn ra có hợp lý không trước khi chuyển tiền cho các đối tượng chưa bao giờ gặp mặt; Giữ thói quen luôn kiểm tra mọi thông tin, yêu cầu, nhất là liên quan đến tiền bạc, cho dù là từ người thân hay bạn bè.

W-lua-dao-truc-tuyen3-1.png
Theo các chuyên gia, để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, người dân cần phải luôn đề cao cảnh giác, nhận biết các hình thức lừa đảo.

Ngoài ra, cần tự cập nhật thông tin về các chiêu trò lừa đảo mới của tội phạm mạng để tránh trở thành nạn nhân tiếp theo của lừa đảo trực tuyến.

Cục An toàn thông tin đã cung cấp Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, trong đó, chỉ ra 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.

Với những tri thức được cung cấp, người dân có thể tự nhận biết và nâng cao cảnh giác, có sức chống chịu tốt hơn trước các hình thức lừa đảo.

8 khuyến cáo của Bộ Công an giúp người dân phòng tránh lừa đảo trực tuyến

1. Cần cảnh giác khi nhận được các cuộc gọi điện thoại cố định mà người gọi tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo yêu cầu cung cấp qua điện thoại thông tin phục vụ điều tra.

2. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội.

3. Không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, tài khoản ngân hang của cá nhân, cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa biết rõ nhân thân và lai lịch của người đó.

4. Không nhấp vào đường link hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử, tin nhắn được gửi từ địa chỉ không xác định.

5. Trường hợp nhận được tin nhắn vay, mượn tiền, chuyển tiền hoặc nhờ chuyển từ tài khoản của người thân (tin nhắn qua ứng dụng OTT), thì cần xác nhận lại thông tin.

6. Kiểm tra kỹ thông tin của website khi thực hiện các giao dịch trực tuyến, website chính thức của các tổ chức, doanh nghiệp sẽ được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và được đánh dấu an toàn bằng hình ổ khóa bên cạnh tên miền website (giao thức "https").

7. Tuyệt đối không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân, không nhận mở tài khoản, chuyển khoản ngân hàng, hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.

8. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho Cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.