Vài ngày gần đây, người dùng trong các hội nhóm thiết kế, mẹo dùng máy tính tại Việt Nam, chia sẻ thủ thuật để mua được bộ phần mềm thiết kế của Adobe với giá rẻ bất thường. Cụ thể, trọn gói hơn 20 công cụ của công ty Mỹ, có thể được thanh toán với mức phí khoảng 100.000 đồng, hạn dùng trong một năm.
Trong khi đó, Adobe bán toàn bộ dịch vụ này với giá 600 USD/năm, tương đương 14 triệu đồng tại Việt Nam. Như vậy, chi phí người dùng cần bỏ ra chỉ bằng 1/140 mức thông thường. Nếu so với gói cho giáo viên, học sinh, sinh viên, thủ thuật này cũng giúp mua được phần mềm với giá chỉ bằng 1/60
Bộ hơn 20 ứng dụng và 100 GB lưu trữ đám mây có thể được mua với giá 100.000 đồng. Ảnh: Đ.K. |
Cách thức thực hiện thủ thuật này là người dùng chuyển vùng sang Lebanon, để được mua gói dịch vụ với giá ưu đãi. Mức Adobe hiện tính tại quốc gia Trung Đông là 356.400 LL (100.000 đồng) cho trọn gói ứng dụng trong một năm. Giá bộ công cụ rẻ như vậy là bởi mức được đặt tại Lebanon thuộc nhóm rẻ nhất thế giới.
Mặt khác, đồng tiền của quốc gia này hiện mất giá nghiêm trọng. Thông thường, các công ty sẽ thay đổi giá bán khi tỷ giá biến động. Tuy nhiên, có thể Adobe đã không kiểm soát vấn đề này tại Lebanon, tạo ra lỗ hổng dẫn đến bị khai thác. Để có giá tốt, người dùng tại Việt Nam cũng chọn gói dịch vụ dành cho Giáo dục, rẻ hơn bản thông thường.
Tuy nhiên đến chiều ngày 24/6, thủ thuật này không còn thực hiện được nữa. Có thể Adobe đã nhận thấy bất thường, ngăn chặn khai thác lỗ hổng tỷ giá. Trước đó, tỷ lệ thanh toán thành công cũng không cao. Nhiều người phải đổi qua các tài khoản, thẻ ghi nợ khác để được chấp nhận.
Tuy nhiên, việc lợi dụng chính sách giá, mua hàng sai khu vực như trên có thể bị xử lý nếu Adobe phát hiện. Cách giả mạo thông tin giáo viên, trường học tại Lebanon sẽ bị lộ nếu công ty yêu cầu giấy tờ chứng minh. Thông thường, tài khoản email đuôi .edu của đúng trường sẽ được bỏ qua bước này. Nếu bị phát hiện cung cấp thông tin sai, dịch vụ có thể bị đơn phương chấm dứt mà không được hoàn tiền.
Bộ công cụ thiết kế của Adobe rất phổ biến tại Việt Nam với các phần mềm như Photoshop, Illustrator, Premiere Pro, Lightroom… Người dùng Việt mới chỉ được mua ứng dụng trực tiếp từ công ty trong vài năm gần đây. Trước đó, việc thanh toán phải được thực hiện bằng các thẻ khuyến mãi hoặc chuyển vùng sang quốc gia khác.
Giá bán cao, thanh toán phức tạp, nhiều người làm công việc thiết kế dùng cách bẻ khóa để sử dụng bộ công cụ nói trên. Tuy nhiên, đây là việc làm sai, vi phạm tác quyền của công ty sản xuất phần mềm.
Đồng thời, các công cụ trôi nổi trên Internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứa mã độc, malware gây hại cho thiết bị. Phần mềm bẻ khóa cũng kém ổn định, không khai thác được hết phần cứng máy tính và chậm cập nhật tính năng.