Nhạc remix và nhạc chế: Khi sáng tạo va chạm với luật bản quyền

Thái An
Trong thời đại mọi cá nhân đều có thể trở thành “nhà sáng tạo nội dung” thì các bản nhạc remix, nhạc chế, nhạc cover cũng liên tục sinh sôi như nấm sau mưa . Tuy nhiên, những tác phẩm triệu view này lại đặt ra câu hỏi lớn: "Ranh giới giữa sáng tạo và vi phạm bản quyền nằm ở đâu?".

Nhạc remix – Khi giới trẻ sáng tạo từ cái cũ

Hiện nay, với sự phổ cập công nghệ rộng rãi, nhạc remix đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của một bộ phận người dùng mạng trên khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Từ những bản hit đình đám được cover lại theo phong cách acoustic, rap, ballad... cho đến những đoạn video bản nhạc chế hài hước đang thổi luồng sinh khí mới vào các sản phẩm văn hóa cũ. Các nền tảng như TikTok, YouTube, Facebook chính là "sân chơi" cho làn sóng remix này phát triển mạnh mẽ.

Dạo nhanh các nền tảng như YouTube, TikTok, Facebook, không khó để bắt gặp những video “chế” lời bài hát, “remix” lại một bản nhạc đình đám, hay các bản cover với phong cách độc đáo.

Một trường hợp tiêu biểu là bản remix “See tình” của Cukak. Từ một ca khúc khá bình thường, sau khi qua bàn tay biến hóa Cukak, tác phẩm của Hoàng Thùy Linh của bỗng gây sốt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ...nhờ được giới trẻ trên TikTok quốc tế sử dụng trong hàng triệu video.

1

Ca khúc See Tình của ca sĩ Hoàng Thùy Linh trở thành hiện tượng toàn cầu sau khi được Cukak remix lại

“Remix cho phép người trẻ sáng tạo, thể hiện quan điểm, cảm xúc cá nhân từ chất liệu có sẵn lại không cần đầu tư nhiều công cụ chuyên nghiệp, chỉ cần một chút kỹ năng và cảm hứng là đã có thể tạo ra nội dung dễ gây chú ý, hài hước, bắt trend, viral trên mạng xã hội. Những nội dung này thường nhận được sự tương tác cao, người xem thích thú, bình luận, chia sẻ từ đó tạo nên cộng đồng sáng tạo xoay quanh một nội dung gốc.”, Linh Chang, nhà sáng tạo nội dung trẻ chia sẻ.

Không chỉ là giải trí, các tác phẩm remix, nhạc chế còn phản ánh cá tính, thái độ sống, góc nhìn xã hội của thế hệ trẻ. Họ dùng chất liệu có sẵn để bày tỏ quan điểm, để phản biện, để kết nối cộng đồng.

Ranh giới mong manh giữa sáng tạo và vi phạm bản quyền

Phía sau sự nổi tiếng của các bản cover triệu view, video chế lan truyền là một thực tế không thể phủ nhận: nhiều nội dung đang vi phạm bản quyền một cách vô tình – hoặc cố ý.

Không ít bản cover sử dụng beat nhạc gốc mà không xin phép. Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tác phẩm nghệ thuật là tài sản có quyền nhân thân và quyền tài sản. Việc sử dụng, biến tấu, phân phối lại mà không có sự đồng ý của chủ sở hữu là hành vi xâm phạm quyền tác giả – dù là chỉ vài giây của bản nhạc.

Đã có rất nhiều trường hợp bị xử lý do vi phạm bản quyền, điển hình là năm 2020, những video ca sĩ K-ICM đánh DJ và chơi đàn trên nền nhạc The Spectre của Alan Walker trong một sự kiện ở thành phố Hồ Chí Minh đã biến mất. Thậm chí, link xem trực tiếp chương trình cũng không còn. Nhiều khán giả nhận được thông báo video biến mất là do bị đánh bản quyền.

2

Ca sĩ K-ICM đánh DJ và chơi đàn trên nền nhạc The Spectre của Alan Walker

Năm 2024, một giáo viên mầm non cũng bị xóa tài khoản Youtube do dùng 3 ca khúc của Nguyễn Văn Chung để biên đạo tiết mục múa cho học sinh ở trường gồm: "Hôm nay tuổi mới", "Mẹ mang xuân về", "Cảm ơn chú bộ đội". Tại quốc tế, hàng loạt video trên YouTube bị “đánh gậy bản quyền” bởi các hãng như Universal, Warner, Disney…

“Không phải cứ ‘chế’ là sẽ thoát khỏi trách nhiệm pháp lý. Nếu dùng nhạc gốc, hình ảnh gốc mà không xin phép, đặc biệt là có yếu tố thương mại (kiếm tiền từ quảng cáo), thì hoàn toàn có thể bị khởi kiện”, Luật sư Nguyễn Hữu Nhân (Đoàn Luật sư TP.HCM) cảnh báo.

Sáng tạo cần song hành cùng sự hiểu biết

Nhạc remix, nhạc chế, nhạc cover là mảnh đất màu mỡ cho sáng tạo - nhưng nếu không hiểu luật, không tôn trọng quyền tác giả, người sáng tạo trẻ sẽ vô tình vi phạm bản quyền.

Nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ: “Mình chỉ làm vui thôi, không bán sản phẩm, không kiếm tiền, thì chắc không sao!”. Tuy nhiên, theo luật, việc vi phạm quyền nhân thân hoặc quyền tài sản đều có thể bị xử lý, không phân biệt mục đích.

Vấn đề không nằm ở việc giới trẻ remix, cover, chế nội dung – mà nằm ở nhận thức và thái độ khi sử dụng sản phẩm có bản quyền. Tự do sáng tạo nhưng vẫn phải tôn trọng quyền tác giả. Một video chế hài hước sẽ không còn vui nếu nó làm tổn thương người khác. Một bản remix hấp dẫn sẽ mất giá trị nếu nó bị “đánh gậy” bản quyền vì lấy nhạc không xin phép.

Để phát triển văn hóa sáng tạo một cách lành mạnh, các nhà phát triển nội dung cần hiểu biết pháp luật, nắm rõ các quy định về quyền tác giả, quyền liên quan, chủ động xin phép và ghi nguồn tác phẩm gốc. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tận dụng nhiều tài nguyên mở như kho nhạc, hình ảnh miễn phí bản quyền được cấp phép sử dụng thay cho những sản phẩm có bản quyền.

Thanh Hằng