Olympic Phát minh và sáng chế khoa học: Việt Nam có thành tích ấn tượng

Thái An
Tại cuộc thi Olympic Phát minh và sáng chế khoa học quốc tế (WICO), đoàn học sinh Việt Nam gồm 3 đội với 8 học sinh Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) tham dự đều xuất sắc giành được huy chương vàng.

Olympic Phát minh và Sáng chế khoa học quốc tế (World Invention and Creativity Olympiad – WICO) là cuộc thi dành cho các nhóm học sinh phổ thông với những phát minh và sáng chế thực tiễn. Cuộc thi được tổ chức thường niên bởi Hiệp hội Sáng chế Đại học Hàn Quốc (KUIA), Quốc hội Hàn Quốc công nhận và tài trợ.

Cuộc thi nhằm khơi gợi năng khiếu và niềm yêu thích khoa học kỹ thuật, cũng như thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh giữa học sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Cuộc thi đã mang đến cơ hội phát triển bản thân và nâng bước các em trên con đường học tập trong tương lai. Tại sân chơi WICO, các nhóm học sinh phải trình bày đề tài nghiên cứu, đảm bảo tiêu chí: mới mẻ, sáng tạo và có tính ứng dụng cao. Đồng thời, học sinh sẽ trả lời những câu hỏi liên quan đến đề tài dự thi do các thành viên Ban giám khảo Quốc tế đưa ra.

wico

Năm nay, cuộc thi WICO lần thứ 12 được tổ chức trực tiếp tại SETEC- Seoul, Hàn Quốc từ ngày 27- 29/7 với 27 nước tham dự. Đoàn Việt Nam có 3 đội tham gia dự thi do thầy Phạm Xuân Tiến - nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội làm trưởng đoàn và mang về thành tích ấn tượng, đều giành huy chương vàng.

Dự án thứ nhất là "Nghiên cứu mô hình xử lý nước nhiễm kim loại nặng bằng vật liệu lọc kết hợp vi sinh vật khu hệ rễ" do các học sinh Nguyễn Lê Tâm Trang, lớp 9A4, Đặng Đức Lương và Nguyễn Tuấn Minh, lớp 8A2 cùng các em học sinh khác trong nhóm thực hiện được đánh giá cao và giành giải Grand Prix Award.

Dự án được thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên Trường THCS Giảng Võ và TS Nguyễn Cẩm Nhung (Trường Đại học Giao thông vận tải).

Với dự án này, các em đã thiết kế được hệ thống xử lý nước nhiễm kim loại nặng bằng việc kết hợp ba phương pháp vật lí, hóa học và sinh học. Đây là thiết kế có hiệu quả cao, giá thành thấp và tương đối đơn giản, dễ áp dụng cho nhiều nơi có nguồn nước bị ô nhiễm kim loại nặng.

Dự án tiếp theo giành được huy chương vàng là "Nghiên cứu tách chiết các chất có hoạt tính sinh học từ lá bơ để làm thực phẩm bổ sung cho bệnh nhân viêm loét dạ dày do Helicobacter pylori gây ra". Thực hiện dự án gồm: Nguyễn Lê Hoàng, Trần Gia Khiêm, Vũ Hồng Phúc, lớp 8A4 và các bạn khác trong nhóm thực hiện với sự hướng dẫn của giáo viên và thầy Nguyễn Việt Linh (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và TS, bác sĩ Đặng Ánh Dương (Bệnh viện Nhi Trung ương).

Từ nguồn nguyên liệu lá bơ, bằng các phương pháp như GCMS, NMR, HPLC, các em đã tách chiết được các hoạt chất như anthocyanin, flavoid và monocyclic phenolic acids. Các hoạt chất này được chứng minh là có khả năng ức chế Helicobacter pylori.

Kết hợp với công ty sản xuất, nhóm dự án bước đầu làm được trà túi lọc và viên nang từ lá bơ để hỗ trợ cho các bệnh nhân bị viêm loét dạ dày do H.pylori gây ra.

Cuối cùng là dự án "Nghiên cứu tạo chế phẩm xử lý nhựa rác thải gia đình" của em Lê Tuấn Minh, lớp 8A4 và Nguyễn Bảo Vi, lớp 9A5 cùng các bạn trong nhóm. Nhờ sự hướng dẫn của thầy cô cùng chuyên gia ở Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, dự án đã phân lập các chủng vi sinh vật từ ruột sâu sáp ăn nhựa để tạo chế phẩm xử lý vi nhựa.

Dự án có ý nghĩa lớn trong việc góp phần xử lý rác thải nhựa, một vấn nạn toàn cầu và đã nhận được giải Đặc biệt do Đại học Chulalongkorn của Thái Lan trao tặng.

Trong khi đó, tại Cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới, hai đề tài của học sinh tỉnh Hòa Bình đã được Ban giám khảo đánh giá cao về tính sáng tạo, khả năng ứng dụng trong thực tiễn và giành 2 huy chương Vàng.

hoa binh

Hai đội của tỉnh Hòa Bình tham dự cuộc thi với 10 thành viên gồm: Đội Trường Trung học Phổ thông Công Nghiệp, với dự án "Nhà nổi thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu" của nhóm 5 học sinh do cô Bùi Thị Như Quỳnh hướng dẫn. Đội Trường Trung học Cơ sở Lý Tự Trọng, thành phố Hòa Bình, với dự án "Sử dụng Trí tuệ Nhân tạo để phân loại rác thải tự động" của nhóm 5 học sinh do thầy giáo Dương Tiến Thọ hướng dẫn.

Hai dự án trên của 2 đội được ban giám khảo đánh giá rất cao về tính sáng tạo, có khả năng ứng dụng trong thực tiễn. Các em học sinh đã tự tin thực hiện phần thuyết trình, minh họa, trả lời câu hỏi của ban giám khảo về sản phẩm dự thi.

Đồng thời chứng tỏ được bản lĩnh, trí tuệ, niềm đam mê nghiên cứu khoa học của mình và nhận được đánh giá rất cao của ban tổ chức cùng các đội bạn.