Bản chất gây tử vong của căn bệnh này nhiều năm qua vẫn là cơn đau đầu với khoa học. Song, với nghiên cứu mới đây, được công bố trên tạp chí Gastro Hep Advances, các nhà khoa học đã phân tích giữa mẫu mô khỏe mạnh và mô mắc ung thư tuyến tụy. Họ phát hiện ung thư tuyến tụy sẽ kích hoạt một quá trình được gọi là methyl hóa ADN, khiến các phân tử trong gene có lợi HNF4A bị tắt, khiến khối u phát triển nhanh chóng.
Gene HNF4A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người vì nó giúp nhiều cơ quan trong hoạt động bình thường. Trong khi đó, nghiên cứu mới cho thấy ung thư tuyến tụy có thể bí mật vô hiệu hóa eene này.
Tiến sĩ Chris Macdonald, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại Pancreatic Cancer UK (Anh), đơn vị tài trợ nghiên cứu trên, cho biết phần lớn các trường hợp ung thư tuyến tụy được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, với 80% số ca không được phát hiện cho đến khi bệnh đã di căn và không còn khả năng phẫu thuật.
Thực tế trên cũng giải thích cho tỷ lệ sống sót thấp của người mắc bệnh, khi hơn một nửa số người mắc bệnh tử vong trong vòng ba tháng sau khi được chẩn đoán, tiến sĩ Macdonald nói.
"Nghiên cứu này cung cấp cho chúng ta thông tin mới về cách ung thư tuyến tụy có thể ức chế một số phân tử nhất định để giúp nó lây lan mạnh mẽ khắp cơ thể, từ đây có thể nghiên cứu phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn trong tương lai", ông nhận định.
TH