Phát hiện sớm các nguy cơ tấn công mã hóa dữ liệu, thay đổi giao diện

Bùi Huyền
Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc phân công nhân sự theo dõi thường xuyên, liên tục để đảm bảo phát hiện sớm các nguy cơ tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mã hóa dữ liệu, thay đổi giao diện.

Ngày 29/12, Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành, địa phương; cơ quan báo chí Trung ương; tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; các tập đoàn, tổng công ty, công ty cung cấp dịch vụ Internet, viễn thông cùng các tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Bộ TT&TT cho biết, thời gian sắp tới sẽ diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước như Tết Dương lịch 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và đặc biệt là hướng tới dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025).

Đảng và Nhà nước cũng đang khẩn trương, gấp rút thực hiện nhiều chủ trương lớn để đưa đất nước mạnh mẽ tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Vì thế, đây chính là thời điểm các thế lực thù địch lợi dụng nhằm tấn công các hệ thống thông tin, hệ thống thông tin quan trọng và đưa ra luận điệu xuyên tạc, chống phá chính sách của Đảng và Nhà nước trên không gian mạng.

Trước những nguy cơ kể trên, Bộ TT&TT đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc chú trọng triển khai hoạt động bảo đảm an toàn thông tin mạng, trong đó cần tập trung giám sát an toàn thông tin mạng, rà soát, xử lý mã độc, bảo đảm an toàn thông tin mạng 24/7.

Phân công nhân sự theo dõi thường xuyên, liên tục để đảm bảo phát hiện sớm các nguy cơ tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mã hóa dữ liệu, thay đổi giao diện. Mục tiêu là nhằm kịp thời xử lý, khắc phục nhanh sự cố tấn công mạng.

 

W-giam-sat-ma-doc-1.jpg Các cơ quan, doanh nghiệp trên toàn quốc được đề nghị tập trung giám sát an toàn thông tin mạng, rà soát, xử lý mã độc và bố trí nhân sự theo dõi nhằm phát hiện sớm các nguy cơ tấn công mạng. Ảnh minh họa: T.H

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng cần chủ động thực hiện kiểm tra, đánh giá, phát hiện và khắc phục lỗ hổng bảo mật; Săn lùng mối nguy hại và bóc gỡ phần mềm độc hại cho toàn bộ máy chủ, máy trạm trong hệ thống thông tin.

Rà soát, cập nhật đầy đủ các bản vá lỗ hổng bảo mật cho hệ thống thông tin, thực hiện theo dõi, xử lý các văn bản cảnh báo an toàn thông tin mạng hàng tuần, hàng tháng do Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin công bố.

Một trong những biện pháp các đơn vị cũng cần quan tâm triển khai là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức kỹ năng cơ bản về an toàn thông tin mạng; nhận biết, cảnh giác trước thông tin xấu độc, tin giả, thông tin xuyên tạc, chống phá, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Đồng thời, chú trọng công tác phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan và người dân trên địa bàn.

Đối với những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet và các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số, Bộ TT&TT yêu cầu tập trung triển khai các biện pháp kỹ thuật ở mức cao nhất.

Mục đích là nhằm phát hiện, chặn lọc, ngăn chặn hoạt động tấn công mạng, phát tán thông tin xấu độc, thông tin vi phạm pháp luật trên hệ thống thông tin, hạ tầng mạng lưới thuộc phạm vi quản lý.

Song song đó, các tổ chức, doanh nghiệp phải tăng cường theo dõi, cập nhật, xử lý các phản ánh, khiếu nại của người dùng về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, đặc biệt là tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi lừa đảo qua hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác do Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) chia sẻ; xử lý quyết liệt, triệt để các trường hợp phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo mà người dùng phản ánh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet cùng những tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nền tảng chuyển đổi số còn được chỉ đạo phải thực hiện nghiêm và kịp thời biện pháp xử lý theo yêu cầu của Bộ TT&TT và cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Theo số liệu của Cục An toàn thông tin, tổng số hệ thống thông tin trong cơ quan, tổ chức nhà nước là 8.339 hệ thống; trong đó, đã có 7.817 hệ thống thông tin được phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin, đạt 93,7%.

Cùng với đó, đến nay, 100% bộ, ngành, địa phương đã được hỗ trợ rà soát, triển khai các biện pháp an toàn, an ninh mạng thông qua các nền tảng số do Bộ TT&TT phát triển, cung cấp miễn phí.

3 đầu mối hỗ trợ giám sát, xử lý, ứng cứu sự cố an toàn thông tin

- Phòng An toàn hệ thống thông tin: Số điện thoại trực đường dây nóng hỗ trợ tổng thể các giải pháp an toàn thông tin 0888.133.359, thư điện tử ‘athttt@mic.gov.vn’.

- Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - VNCERT/CC, số điện thoại 024.3640.4421 hoặc điện thoại trực đường dây nóng ứng cứu sự cố 0869.100.317, thư điện tử ‘ir@vncert.vn’.

- Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia - NCSC, số điện thoại 024.3209.1616 hoặc điện thoại trực đường dây nóng hỗ trợ giám sát, cảnh báo sớm 0389.942.878, thư điện tử: ‘ais@mic.gov.vn’.