Phát triển xanh và bền vững là phát triển dựa trên KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số

Thái An
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển xanh và bền vững là phát triển dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng hướng vào phục vụ phát triển xanh và bền vững.

Trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ tư năm 2025 tại Việt Nam sáng ngày 17/4 đã diễn ra Phiên thảo luận cấp Bộ trưởng do Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì, với chủ đề: "Công nghệ đột phá chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh”.

Các công nghệ số thế hệ mới tạo động lực cho chuyển đổi xanh

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Phát triển xanh là một bước tiến lớn của văn minh nhân loại”.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phát triển xanh và bền vững là phát triển dựa trên KHCN, ĐMST và CĐS.

Theo Bộ trưởng, lịch sử phát triển của con người từ trước đến nay cơ bản là dựa trên tiêu thụ và làm cạn kiệt tài nguyên với tốc độ ngày một cao hơn. Và trong khi tiêu thụ rất nhiều tài nguyên, chất thải tạo ra đã làm ô nhiễm môi trường. Sự phát triển như vậy là thiếu bền vững, thiếu đạo đức, thiếu trách nhiệm với con cháu mình.

Phát triển xanh và bền vững là một thách thức lớn của nhân loại. Việt Nam cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 chuyển hướng từ mô hình tăng trưởng truyền thống sang tăng trưởng xanh và kinh tế số.

“Đây là những cam kết mạnh mẽ, tạo một áp lực lớn cho chính mình, để kích hoạt trí tuệ Việt Nam, để tìm kiếm đổi mới sáng tạo (ĐMST) toàn cầu để giải bài toán phát triển xanh của Việt Nam và nhân loại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chuyển đổi xanh là một chặng đường dài. Theo đó, Bộ trưởng cho rằng cần xây dựng một hệ sinh thái xanh hoàn chỉnh và cân bằng, bao gồm thể chế xanh, hạ tầng xanh, nhân lực xanh, công nghệ xanh, dữ liệu xanh và văn hóa xanh. Trong hệ sinh thái này, công nghệ xanh có vai trò quyết định.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Phát triển xanh và bền vững là phát triển dựa trên khoa học công nghệ (KHCN), ĐMST và chuyển đổi số (CĐS). Phát triển KHCN, ĐMST và CĐS cũng hướng vào phục vụ phát triển xanh và bền vững. Việt Nam đã đưa bộ 3 này về chung một bộ quản lý nhà nước. Coi KHCN, ĐMST và CĐS là lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu”.

Về ưu tiên ứng dụng và phát triển các công nghệ mới, với Việt Nam, Bộ trưởng cho biết các công nghệ đột phá có thể tạo ra sự thay đổi căn bản, sự phát triển xanh của nhân loại là hydrogen, pin thế hệ mới, công nghệ carbon thấp, công nghệ tuần hoàn. Các công nghệ số thế hệ mới tạo động lực cho chuyển đổi xanh là AI, IoT, dữ liệu lớn (big data), chip bán dẫn. Đó đều là các công nghệ được Chính phủ Việt Nam lựa chọn là các công nghệ chiến lược để ưu tiên phát triển.

Việt Nam coi AI là công nghệ cốt lõi nhất

Cũng như cả thế giới, Bộ trưởng cho biết Việt Nam coi AI là công nghệ cốt lõi nhất của cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư. CĐS của Việt Nam đang được chuyển thành chuyển đổi AI. Nhưng cách tiếp cận AI của Việt Nam là AI không thay thế con người mà chỉ tăng thêm quyền năng cho con người.

toan-canh.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận.

AI giải phóng con người khỏi một số việc mà con người không giỏi (thí dụ như phải nhớ nhiều, phải xử lý nhiều dữ liệu) để con người làm tốt hơn những việc còn lại, những việc mà con người giỏi hơn (thí dụ làm những việc không có dữ liệu). AI là trợ lý giúp việc của con người, làm cho con người thông minh hơn, hạnh phúc hơn. Và đặc biệt, AI làm cho mọi hoạt động thông minh hơn, tối ưu hơn và vì thế tiết kiệm tài nguyên hơn.

AI rất thông minh, nhưng nếu chính con người không thông minh hơn trong cách phát triển thì các nguy cơ vẫn còn đó. Bởi vậy, AI phải giúp con người thông minh hơn, đây nên là yêu cầu số 1 với AI, và cũng nên là yêu cầu số 1 để con người có thể phát triển một cách văn minh hơn, tức là phát triển xanh hơn, bền vững hơn.

Xanh và số là một cặp song sinh

Về chuyển đổi xanh và CĐS, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Xanh và số là một cặp song sinh.

img_7609.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì phiên thảo luận.

Muốn xanh thì phải số. Lên môi trường số, con người sẽ tiêu xài vật chất ít đi. Các hoạt động trên môi trường số cũng sẽ hiệu quả hơn, vì phi khoảng cách, phi trung gian và phi tiếp xúc. Việt Nam thúc đẩy CĐS một cách toàn dân và toàn diện trên mọi lĩnh vực.

Muốn số thì phải xanh. CĐS thì phải xanh. Các trung tâm dữ liệu (TTDL) sẽ là hộ tiêu dùng điện lớn nhất trong tương lai. Vậy, CĐS phải dùng điện xanh, phải sử dụng điện năng hiệu quả. Các TTDL mới của Việt Nam phải có hiệu suất sử dụng PUE dưới 1,3.

Về tiêu chuẩn xanh. Muốn chuyển đổi xanh thì phải có các tiêu chuẩn xanh. Tiêu chuẩn là dẫn dắt quốc gia, một quốc gia muốn hướng tới đâu thì dùng tiêu chuẩn để hướng tới đó. Chuyển đổi xanh là vấn đề toàn cầu, chúng ta cần hợp tác về xây dựng bộ tiêu chuẩn xanh toàn cầu.

Về sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có, từ tài nguyên thiên nhiên, năng lượng, tri thức đến dữ liệu và vốn. Nhân loại hiện chưa sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có. Tái chế mới đạt khoảng 7,2%, lãng phí lương thực trên 30%, hiệu suất sử dụng điện năng mới đạt 30 - 40%, mới có 5% dữ liệu được phân tích và sử dụng có hiệu quả, mới có 2% tổng tài sản tài chính toàn cầu được đầu tư vào lĩnh vực phát triển xanh và bền vững.

Lời giải, theo Bộ trưởng có thể là, dùng IoT để số hóa toàn bộ thế giới thực và AI để giám sát hiệu quả hoạt động của toàn bộ thế giới thực, từ đó, đánh giá và ra quyết định điều chỉnh thì con người sẽ sử dụng các tài nguyên hiệu quả hơn rất nhiều.

cac-dai-bieu.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Thứ trưởng Hoàng Minh với các đại biểu tham dự phiên thảo luận.

Phát triển xanh và bền vững phải trở thành lối sống của từng người dân.

Cũng theo Bộ trưởng, phát triển xanh và bền vững phải trở thành lối sống của từng người dân.

Bộ trưởng nhận định: Tiêu xài của nhân loại là tổng tiêu xài của gần 9 tỷ người. Lãng phí hay hiệu quả là do từng người dùng, và hàng ngày. Việc tuyên truyền hiệu quả nhất là phát triển một trợ lý ảo 24/7 có thể trả lời mọi vướng mắc và hướng dẫn người dân sống xanh và tiêu dùng xanh.

Theo đó, Bộ trưởng kêu gọi hành động toàn cầu, thúc đẩy hợp tác đa phương, sáng tạo những mô hình hợp tác mới, chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi xanh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất thành lập trang web để các quốc gia thuộc P4G, các tập đoàn, công ty có thể tiếp cận một cách thuận lợi và nhanh nhất thông tin về các công nghệ, kinh nghiệm trong chuyển đổi xanh. Thành lập “Mô hình đổi mới sáng tạo mở” trong các nước thành viên P4G để hình thành cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp, công nghệ và các tập đoàn, tổ chức có nhu cầu chuyển đổi xanh.

Các công nghệ đột phá như AI giúp tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và thông minh hơn

Tại phiên thảo luận, đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), bà Fatou Haidara, Phó Tổng giám đốc cho biết quá trình chuyển đổi xanh là điều bắt buộc để xây dựng các xã hội có khả năng phục hồi và thịnh vượng. Các công nghệ mang tính đột phá, chẳng hạn như AI, có thể giúp chúng ta nắm bắt tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và thông minh hơn.

ba-fatou.jpg
Bà Fatou Haidara: Các công nghệ mang tính đột phá, chẳng hạn như AI, có thể giúp chúng ta nắm bắt tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và thông minh hơn.

Một trong những sáng kiến toàn cầu nổi bật nhất do UNIDO khởi xướng là Liên minh toàn cầu về AI cho ngành công nghiệp và sản xuất, hay AIM Global. Đây là sáng kiến ​​chiến lược nhằm mở rộng phạm vi quan hệ đối tác quốc tế về AI, tối đa hóa tác động chung của chính phủ, khu vực tư nhân, học viện và các tổ chức dân sự để đảm bảo tiếp cận công bằng với các lợi ích của AI vì mục tiêu phát triển bền vững. UNIDO cho rằng liên minh sẽ trở thành một nền tảng sôi động cho trao đổi chính sách, chia sẻ kiến ​​thức và chuyển giao công nghệ.

Các giải pháp do AI thúc đẩy có thể cắt giảm 5 - 10% lượng khí thải toàn cầu

Cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của công nghệ AI, ông Absalom Ngome, Giám đốc Tài chính và Bộ phận Dịch vụ Doanh nghiệp - Viện Tăng trưởng Xanh toàn cầu (GGGI) cho biết AI là một công cụ thay đổi cuộc chơi đối với hành động ứng phó với biến đổi khí hậu - tối ưu hóa quy trình, dự đoán xu hướng và cho phép ra quyết định dựa trên dữ liệu.

Một nghiên cứu từ Boston Consulting Group (BCG) cho thấy các giải pháp do AI thúc đẩy có thể cắt giảm 5 - 10% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030.

"Việt Nam có thể khai thác tiềm năng này để giảm phát thải và tối ưu hóa tài nguyên".

img_7602.jpg
Ông Absalom Ngome: AI là một công cụ thay đổi cuộc chơi đối với hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong lĩnh vực năng lượng, ông Absalom Ngome cho biết AI tăng cường tích hợp năng lượng mặt trời và gió vào lưới điện quốc gia, hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Trong công nghiệp, AI giám sát việc sử dụng năng lượng của nhà máy, xác định tình trạng kém hiệu quả và giảm chất thải.

Trong giao thông vận tải, các giải pháp di động thông minh tối ưu hóa lưu lượng giao thông, cắt giảm tình trạng tắc nghẽn và mức tiêu thụ nhiên liệu.

Trong nông nghiệp, AI cải thiện việc tưới tiêu, sử dụng phân bón và kiểm soát dịch hại, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Đối với các nhà hoạch định chính sách, các hệ thống MRV hỗ trợ AI tăng cường theo dõi và báo cáo lượng khí thải, đảm bảo các chính sách về khí hậu được thông báo.

Bằng cách tận dụng AI, các quốc gia như Việt Nam có thể đẩy nhanh con đường hướng tới tương lai xanh hơn, bền vững hơn.

Ông Sang Hyup Kim cũng cho biết quan hệ đối tác công tư (PPP) là chìa khóa để khai thác tiềm năng chuyển đổi xanh của AI. Để thu hút đầu tư và mở rộng quy mô các giải pháp AI, chính phủ phải thiết lập khuôn khổ pháp lý rõ ràng và môi trường đầu tư ổn định.

“Chính sách AI không nên đứng riêng lẻ mà phải được xây dựng phối hợp với sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, các chiến lược công nghiệp và năng lượng”.

Các quốc gia như Việt Nam được khuyến nghị tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để kết nối các bên liên quan trong nước với chuyên môn, công nghệ và tài chính toàn cầu. Việt Nam cũng nên khuyến khích các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào các giải pháp xanh do AI thúc đẩy, đặc biệt là năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và sản xuất thông minh, đồng thời đảm bảo chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các công ty trong nước.

Cũng theo ông Sang Hyup Kim, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng AI cho mục tiêu phát triển bền vững, nhờ nền kinh tế số đang phát triển, nguồn nhân lực CNTT mạnh và lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đặt nền tảng vững chắc cho sự phát triển AI, Việt Nam phải tập trung vào: Cơ sở hạ tầng năng lượng xanh, phát triển nhân tài, hợp tác liên ngành, quản trị AI và bảo mật dữ liệu.

Ba đóng góp liên quan đến công nghệ tiên tiến

Cũng tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Môi trường Nhật Bản Katsume Yasushi chia sẻ 3 đóng góp của Nhật Bản liên quan đến các công nghệ tiên tiến, là chủ đề của phiên họp này.

thu-truong-katsume.jpg
Thứ trưởng Katsume Yasushi chia sẻ 3 đóng góp của Nhật Bản liên quan đến các công nghệ tiên tiến đóng góp phát triển xanh.

Đóng góp đầu tiên là công nghệ cải thiện môi trường sống và vấn đề vệ sinh. Thứ trưởng Katsume Yasushi giới thiệu về công nghệ chuyển đổi chất thải thành năng lượng, trong tiếng Nhật gọi là Johkasou. Các cơ sở xử lý rác thải thành năng lượng đóng vai trò quan trọng trong quản lý rác thải tại Nhật Bản vì chúng có thể xử lý hiệu quả khối lượng lớn rác thải và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.

Công nghệ này không chỉ cải thiện vấn đề vệ sinh mà còn giảm phát thải khí nhà kính bằng cách tạo ra điện từ rác thải không cần thiết được sử dụng làm nhiên liệu và hạn chế phát thải khí mê-tan từ các bãi chôn lấp.

Johkasou là công nghệ giá cả phải chăng, nhỏ gọn và hiệu quả để xử lý nước thải sinh hoạt, ngay cả ở những khu vực không có cơ sở hạ tầng xử lý nước thải. Công nghệ Johkasou cải thiện môi trường nước tại địa phương và giữ cho nước sạch, đây là nền tảng cho sinh kế, nghề cá và du lịch.

Nhật Bản đã thiết lập cơ chế tín dụng chung, hay JCM, với 29 quốc gia đối tác theo Điều 6 của Thỏa thuận Paris, nhằm thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững thông qua việc phổ biến các công nghệ này.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Katsume Yasushi cho biết Nhật Bản đã lắp đặt một cơ sở xử lý rác thải thành năng lượng lớn với công nghệ của Nhật Bản tại tỉnh Bắc Ninh theo chương trình JCM. “Chúng tôi cũng đã lắp đặt Johkasou tại Vịnh Hạ Long bằng nguồn viện trợ không hoàn lại của Nhật Bản và với sự hợp tác của JICA, góp phần cải thiện môi trường nước tại địa phương, duy trì cảnh quan đẹp và phát triển ngành du lịch địa phương”.

Đóng góp thứ hai là công nghệ hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn. Nhật Bản có các công nghệ tiên tiến như tái chế tấm pin mặt trời và tái chế theo chiều ngang từ chai sang chai. Theo quan điểm quốc tế, các công nghệ tái chế kim loại có giá trị từ rác thải điện tử rất quan trọng.

Việc xử lý rác thải điện tử không đúng cách có thể gây ô nhiễm môi trường và các vấn đề về sức khỏe. Để ngăn ngừa điều này, điều quan trọng là phải thiết lập một hệ thống cho toàn xã hội cũng như công nghệ tái chế. Tại Nhật Bản, người dân và chính quyền địa phương hợp tác trong việc phân loại và thu gom các nguồn tài nguyên có thể tái chế để sử dụng chúng.

Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản đã hợp tác với các nước ASEAN để khởi động “Quan hệ đối tác lưu thông tài nguyên ASEAN - Nhật Bản về rác thải điện tử và khoáng sản quan trọng”, hay ARCPEC. Theo quan hệ đối tác này, Nhật Bản đang thúc đẩy việc thiết lập khuôn khổ quản lý đối với rác thải điện tử và thúc đẩy các hoạt động xây dựng năng lực.

Kết hợp sự hỗ trợ của các tổ chức như vậy với các công nghệ tái chế kim loại tiên tiến của Nhật Bản sẽ đảm bảo một hệ thống tuần hoàn các kim loại có giá trị trên quy mô toàn cầu. Nhật Bản sẽ giảm phát thải khí nhà kính, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường và hơn nữa, thúc đẩy các ngành công nghiệp ở mỗi quốc gia thông qua việc hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn.

Đóng góp thứ ba là công nghệ giám sát môi trường để giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm cuộc khủng hoảng môi trường ba bên là biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm. Công nghệ AI, đã có những tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây, đang được sử dụng hiệu quả để giám sát môi trường.

Ví dụ, một công ty tư nhân ở Nhật Bản vận hành một ứng dụng điện thoại thông minh cho phép người dân chụp ảnh động vật, thực vật và các sinh vật sống khác và tải chúng lên. AI xác định các loài từ hình ảnh và chia sẻ loài nào đang sống và ở đâu. Điều này cho phép giám sát hiệu quả các điều kiện môi trường sống của các loài đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đa dạng sinh học.

Trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, “Vệ tinh quan sát khí nhà kính” của Nhật Bản, còn gọi là GOSAT, quan sát nồng độ carbon dioxide và methane trên quy mô toàn cầu và sử dụng các thuật toán gốc và công nghệ AI để tính toán dữ liệu phát thải từ các khu vực cụ thể. Công nghệ này cho phép xác minh hiệu quả lượng khí thải nhà kính và lượng khí thải loại bỏ theo Thỏa thuận chung Paris, và Mông Cổ và Ấn Độ hiện đang sử dụng công nghệ này.

Cuối cùng, Thứ trưởng Katsume Yasushi nhấn mạnh Nhật Bản đang thúc đẩy phát triển và triển khai nhiều công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế, thì sự hợp tác giữa các bên liên quan, bao gồm cả khu vực công và tư, là điều cần thiết để phổ biến hơn nữa các công nghệ này. Với sự hợp tác của mạng lưới quốc tế mạnh mẽ của P4G, Nhật Bản sẽ đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu và phát triển bền vững thông qua việc phổ biến các công nghệ này.

Trong khi đó, bà Lê Thanh Hương, Tổng giám đốc điều hành Vegastar Technology đề xuất một giải pháp để vượt qua các rào cản kỹ thuật trong việc áp dụng công nghệ cho quá trình chuyển đổi xanh.

Vegastar Technology đã phát triển nền tảng nguồn mở có tên GEOHUB - AI (Geohub.ai) không gian địa lý cho tất cả mọi người. Nền tảng này khác với GOOGLE Earth Engine hướng đến người dùng không có kỹ năng.

geohub.png

GEOHUB là chu trình khép kín từ việc thu thập hình ảnh quan sát Trái đất (miễn phí và thương mại) từ năm 1980 và các dữ liệu khác (khí hậu, cảm biến), quản lý dữ liệu thông minh, xử lý dữ liệu tự động/bán tự động, tích hợp, phân tích và cung cấp Báo cáo thông minh về 5 chủ đề do P4G đưa ra./.