Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay đã có khoảng hơn 200 trường hợp nghi ngờ hoặc được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ ở các nước châu Âu và Bắc Mỹ.
Trước tình hình ngày càng căng thẳng của dịch bệnh, công ty sản xuất và phân phối thiết bị Y tế Thụy Sĩ cho biết, họ đang nghiên cứu và sản xuất 3 bộ kit test có tên là “LightMix Modular Virus” để phát hiện virus bệnh đậu mùa khỉ.
Đối với lần thử nghiệm thứ hai, kết quả đem lại chỉ phát hiện virus đậu mùa khỉ, đặc biệt là các chủng Tây Phi và Trung Phi.
Trong khi đó, ở lần thử nghiệm thứ ba, các nhà khoa học đã phát hiện ra cả hai loại là orthopoxvirus và virus đậu mùa khỉ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ở người, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tương tự nhưng nhẹ hơn các triệu chứng của bệnh đậu mùa.
Khác với bệnh đậu mùa thông thường, bệnh đậu mùa khỉ sẽ gây sưng hạch bạch huyết.
Cụ thể, các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ cần chú ý bao gồm: sốt, đau đầu, đau nhức cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và kiệt sức.
Thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm bệnh đến khi phát triệu chứng) là 7-14 ngày. Các triệu chứng có thể kéo dài từ 5 - 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Trong vòng 1 - 3 ngày (đôi khi lâu hơn) sau khi bị sốt, bệnh nhân sẽ có biểu hiện phát ban, thường bắt đầu ở mặt và sau đó lan ra các bộ phận khác của cơ thể.
Biện pháp phòng ngừa bệnh
- Tránh tiếp xúc với động vật có thể chứa virus (bao gồm cả động vật bị bệnh hoặc đã chết ở những khu vực xảy ra bệnh đậu mùa ở khỉ).
- Tránh tiếp xúc với bất kỳ đồ vật nào, chẳng hạn như khăn trải giường, đã tiếp xúc với động vật hoặc người bị bệnh.
- Cách ly bệnh nhân nhiễm bệnh với những người khác để tránh nguy cơ lây nhiễm.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với động vật hoặc người bị nhiễm bệnh.
- Sử dụng đồ bảo hộ khi chăm sóc bệnh nhân.
Vân Anh
Theo SHTT