Từ trước đến nay, con người đã thử rất nhiều công nghệ giúp nhận diện và bảo mật trên smartphone như mật khẩu, hình vẽ, vân tay, nhận diện khuôn mặt… Tuy nhiên, không phương pháp bảo nào có độ bảo mật và hoạt động hoàn hảo trong thực tế. Do đó, các nhà khoa học đã tìm ra một công nghệ nhận diện hoàn toàn mới: nhận diện bằng hơi thở.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu tại Đại học Kyushu và Đại học Tokyo đã công bố một phương pháp mở khóa smartphone mới. Họ khẳng định người dùng chỉ cần thở để mở khóa điện thoại của mình. Đồng thời, độ chính xác của công nghệ này đạt mức 97% chỉ trong bài kiểm tra đầu tiên.
Người dùng chỉ cần thở là đã có thể mở khóa điện thoại. Ảnh: Gizchina. |
Nói về lợi ích của phương pháp nhận diện bằng hơi thở so với vân tay truyền thống, Chaiyanut Jirayupat, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết công nghệ này được phát triển dựa trên điểm đặc trưng của mỗi cá nhân nhưng lại không hề thể hiện quá rõ ràng.
“Các đặc điểm vật lý như vân tay, khuôn mặt có thể bị sao chép hoặc thay đổi nếu gặp chấn thương”, ông cho biết. Vì thế, mùi hương của con người trở thành đặc điểm nhận dạng sinh trắc học mới. Các thiết bị chỉ cần xác định “loại khí” đặc trưng được tạo ra bởi da người.
Theo Gizchina, phương pháp này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có tên là “mũi điện tử” (Electronic nose) cùng với hệ thống cảm biến bằng khứu giác. Nhờ đó, công nghệ có thể phân tích các mùi hương trong không khí và xác định chính xác thành phần có trong mùi hương.
Áp dụng với cơ thể người, trên thực tế, hơi thở của chúng ta được cấu thành từ rất nhiều hợp chất. Mỗi khi dùng bữa, hơi thở của con người lại thay đổi theo thức ăn nạp vào. Do đó, mỗi người đều có một chất hóa học đặc trưng trong hơi thở. Chất hóa học này thậm chí còn có thể ứng dụng để xác định một số căn bệnh như tiểu đường.
Nghiên cứu của Đại học Kyushu và Đại học Tokyo đã tìm ra ít nhất 28 hợp chất có trong hơi thở của con người bằng cách sử dụng cảm biến khứu giác khác nhau. Các nhà khoa học còn tận dụng công nghệ máy học để phân tích thành phần hóa học có trong hơi thở, sau đó nhận diện danh tính của từng người.
Điều bất ngờ là tỷ lệ kết quả chính xác đạt đến 97,8%. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ để chứng minh rằng nhận diện bằng hơi thở sẽ thay thế cho các công nghệ khác. Cụ thể, nhận diện khuôn mặt đạt độ chính xác lên đến 99,97%, trong khi vân tay lại đạt 98,6%.
Bên cạnh đó, phương pháp này cũng có hạn chế. “Da người thường không tạo ra đủ khí ga để các thiết bị nhận diện”, nhà nghiên cứu Chaiyanut Jirayupat cho biết.
Cảm biến khứu giác giúp thiết bị nhận diện hơi thở người dùng. Ảnh: Zenger. |
Theo Gizchina, mở khóa điện thoại bằng hơi thở không phải là phương pháp quá kỳ lạ. Trước đó, có nhiều công nghệ nhận diện sinh trắc học sử dụng các đặc trưng khác của con người.
Đơn cử như Amazon đã dùng máy quét lòng bàn tay để xác nhận thanh toán trên Amazon One. Mastercard cũng phát triển phương pháp nhận diện mới dựa trên dáng đi của mỗi người. Ngoài ra, mống mắt, ADN, vân tai, tĩnh mạch ngón tay… cũng được đưa vào các công nghệ xác thực danh tính.
Tuy nhiên, tất cả phương pháp này đều chưa thực sự hiệu quả vì những đặc tính này có thể thay đổi. Chúng đều là những đặc điểm vật lý, có thể biến dạng nếu gặp chấn thương. Ngay cả, nhận diện vân tay, phương pháp được đánh giá là bảo mật nhất, cũng không hoàn hảo, Gizchina nhận định.