Phát biểu mở đầu Diễn đàn Quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số vừa diễn ra, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, số công ty cũng như doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vẫn tăng trưởng gần 10% năm 2021 dù dịch bệnh.
"Năm nay cũng có nhiều hơn sản phẩm số Việt Nam tiêu biểu, đã hướng vào giải các bài toán trong nước, cũng như có nhiều hơn số sản phẩm ra nước ngoài, thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên... Các nền tảng số quốc gia sẽ được nêu tên và giao cho từng doanh nghiệp. Nhận phát triển chúng là nhận sứ mệnh quốc gia. Bởi các nền tảng này chính là hạ tầng của nền kinh tế số, và nó giữ lại cho chúng ta tài nguyên dữ liệu của người Việt Nam", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nền tảng số sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia số, thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn này của các doanh nghiệp công nghệ trong nước là đóng vai trò trung tâm của quá trình chuyển đổi số Việt Nam.
Thứ hạng Việt Nam về công nghệ số đã tăng lên trên trường quốc tế
Tại diễn đàn, Đại diện doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), ông Hoàng Minh Quân, CEO Cloudify Việt Nam cũng cho biết kinh tế số Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rõ rệt, ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực nhờ sự đầu tư, chương trình khuyến khích của Nhà nước. Trong báo cáo kinh tế số châu Á 2021 của Google, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có sự phát triển nhanh nhất khu vực. Cụ thể, đến năm 2030, nền kinh tế số sẽ mở rộng hơn hiện tại gấp 11 lần.
Sự tăng trưởng này sẽ diễn ra đồng đều ở tất cả các ngành như thương mại điện tử, logistic thông minh, du lịch... Đặc biệt, từ 2020-2021, thương mại điện tử đã tăng trưởng 30%.
Trong đó, ông khẳng định khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế số. Hiện, các doanh nghiệp này nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng gặp khó khăn về chi phí, thiếu cơ sở hạ tầng và nhân lực công nghệ thông tin. Do đó, Cloutify đưa ra mô hình phần mềm như một dịch vụ (SAAS). Theo đó, thay vì mua cả một nền tảng số, doanh nghiệp có thể sử dụng phần mềm này và chi trả theo từng tháng, dùng tới đâu trả tới đó như thanh toán chi phí viễn thông. Như vậy, họ có thể tiếp cận với các nền tảng công nghệ cao với chi phí hợp lý hơn.
Hà Anh