Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi gặp mặt, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ cho biết, hiện có 280 nghìn người gốc Việt đang sinh sống, học tập, làm việc tại Hàn Quốc. Cộng đồng người Việt Nam rất quan tâm và luôn mong muốn đóng góp cho sự phát triển đất nước. Sinh viên Việt Nam đang học tại nhiều trường danh giá của Hàn Quốc. Bà con cộng đồng đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, hòa nhập cuộc sống xã hội sở tại, tích cực góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc.
Đại sứ quán đều tích cực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, đặc biệt đóng góp tích cực vào thúc đẩy quan hệ hai nước Việt Nam-Hàn Quốc phát triển mạnh mẽ; trở thành ngôi nhà chung cho bà con cộng đồng, các hội đoàn, cộng đồng doanh nghiệp hai bên. Đại sứ quán cũng làm tốt công tác bảo hộ công dân, quan tâm giải quyết các công việc liên quan bà con cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.
Cũng tại buổi họp mặt, ông Đào Tuấn Hùng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết "Hàn Quốc là nước có nền khoa học phát triển nên cần tạo kênh thông tin để kết nối, hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ từ Hàn Quốc về Việt Nam". Ông Hùng đề xuất Việt Nam xây dựng bộ phận hợp tác nghiên cứu và ưu tiên đề tài nghiên cứu từ nhu cầu của doanh nghiệp. Ông cũng mong muốn có quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học và khởi nghiệp, hoạt động như quỹ đầu tư mạo hiểm, do chính phủ tài trợ và một phần xã hội hóa.
Ông Nguyễn Quang Phước, Chủ tịch mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết mạng lưới có 89 thành viên là nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại các trường đại học, tập đoàn Hàn Quốc, mong muốn được hỗ trợ khoa học công nghệ cho nước nhà. "Chúng tôi muốn hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo, cố vấn doanh nghiệp Việt Nam khởi nghiệp tại Hàn Quốc", ông nói.
Đại diện mạng lưới, TS Nguyễn Thành Tiến cho rằng Việt Nam cần học hỏi Hàn Quốc về thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường xây dựng chính sách thúc đẩy nghiên cứu giữa nhà khoa học trong nước và nhóm trí thức, nhà nghiên cứu người Việt ở nước ngoài.
GS Phạm Đình Lâm cũng đồng tình thiết lập cơ chế nhà khoa học Việt ở khắp nơi trên thế giới cùng tham gia nghiên cứu để giải quyết các vấn đề ở trong nước. "Tôi đề xuất xây dựng cổng nghiên cứu sáng tạo quốc gia. Khi các vấn đề của đoàn hội đưa lên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sẽ cùng lựa chọn để tìm cách giải quyết, với sự động viên, khuyến khích của chính phủ", GS Lâm đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết ông rất mong mỏi tri thức, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài góp sức xây dựng đất nước.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cũng cho biết thêm về lĩnh vực đổi mới sáng tạo, lĩnh vực ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn ở Việt Nam còn thấp; Chính phủ đang yêu cầu Bộ rà soát các vướng mắc, khó khăn trong các quy định quản lý nhà nước về khoa học công nghệ. Do đó, Bộ đang xúc tiến xây dựng dự thảo Luật Khoa học và công nghệ, theo đó sửa theo hướng chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; tích cực thương mại hóa, chuyển giao công nghệ trong nghiên cứu khoa học. Việc hỗ trợ các nhà khoa học trong nước, Nhà nước có một số quỹ hỗ trợ.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã đề nghị Bộ Tài chính bố trí kinh phí cho các quỹ này nhiều hơn, tiệm cận mô hình thế giới. Liên quan việc hỗ trợ nghiên cứu, Việt Nam có chính sách xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, có kinh phí hỗ trợ nhiều hơn, có thể hợp tác với các nhóm nghiên cứu khác. Bộ đang triển khai một Đề án để đào tạo nhóm nghiên cứu, việc này có kinh phí để các nhà khoa học đi ra nước ngoài để tìm một nơi làm việc, nghiên cứu. Điều này cũng thể hiện quyết tâm của Chính phủ nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học trong nước. Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt mong được các hiệp hội, tổ chức, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài kết nối với các nhóm nghiên cứu khoa học trong nước.
Minh Hà