Tại hội nghị được tổ chức vào tối 7/4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra loạt chỉ đạo triển khai một loạt các giải pháp kinh tế quan trọng, đặc biệt là việc hỗ trợ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng chiến lược, nhằm tạo đà tăng trưởng kinh tế cho năm 2025. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng ưu đãi lên tới 500.000 tỷ đồng, tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng: khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển hạ tầng chiến lược.
Theo Thủ tướng, đây là một nỗ lực mạnh mẽ của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phát triển của những ngành then chốt, góp phần chuyển đổi và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc dân trong bối cảnh thị trường quốc tế đang có những biến động phức tạp.

Vị lãnh đạo cũng khẳng định, việc triển khai gói tín dụng ưu đãi này là một phần trong chiến lược phát triển bền vững và thực hiện các Nghị quyết quan trọng của Đảng và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Mục tiêu là tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, từ đó phát triển những công nghệ tiên tiến, ứng dụng các giải pháp đổi mới sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh.
Cùng với gói tín dụng, Thủ tướng cũng yêu cầu giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Theo đó, năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.
Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ, ngành tập trung vào việc triển khai các đột phá chiến lược trong ba lĩnh vực quan trọng: thể chế, hạ tầng và nhân lực. Chính phủ sẽ tiếp tục cải cách thể chế theo hướng thông thoáng, giảm thiểu thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Mặt khác, việc đầu tư vào hạ tầng chiến lược và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là yếu tố quyết định để Việt Nam có thể cạnh tranh và vươn lên trong giai đoạn hội nhập quốc tế.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ trong các lĩnh vực như sản xuất, quản trị doanh nghiệp sẽ tạo ra những bước đột phá mới cho nền kinh tế. Việc xây dựng chính quyền điện tử và đẩy mạnh số hóa trong các ngành công nghiệp sẽ giúp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với những thách thức, Chính phủ cũng đã đưa ra một số giải pháp tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Thủ tướng cho biết, trong năm 2025 và 2026, Chính phủ sẽ tiếp tục đề xuất các biện pháp giảm thuế VAT để hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân. Những chính sách này sẽ giúp giảm bớt gánh nặng thuế cho người dân và doanh nghiệp, tạo điều kiện để họ có thể tập trung vào phát triển sản xuất và kinh doanh.
Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các cơ quan đại diện ở nước ngoài để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, cải thiện chuỗi cung ứng. Đặc biệt, việc xây dựng thương hiệu mạnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất sẽ là những yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong năm 2025 là đạt mức tăng trưởng kinh tế 8%, tạo đà cho nền kinh tế phát triển mạnh mẽ trong những năm tiếp theo. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng cũng không phải là điều không thể đạt được nếu Chính phủ và các doanh nghiệp cùng nỗ lực.
Dự kiến tại kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội khoảng 35 luật, nghị quyết, trong đó có các dự án luật về doanh nghiệp, đầu tư, đối tác công tư, đấu thầu, ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng vốn nhà nước, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo…
Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, chúng ta phải vươn lên mạnh mẽ, không được phép yếu đi; càng khó khăn, càng phải đoàn kết, càng phải chung sức, đồng lòng.
Tình hình có thể có khó khăn, thách thức cho kinh tế Việt Nam, song đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
TH