Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ mô hình vườn ươm trong trường đại học

Thái An
Vườn ươm trong trường đại học là nơi xây dựng nền tảng và cũng là bệ phóng cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, vườn ươm cũng là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy trường đại học phát triển "nhiệm vụ thứ ba" theo định hướng trở thành "trường đại học khởi nghiệp".

Để làm rõ hơn những thành tựu và khó khăn trong quá trình hoạt động, vận hành mô hình vườn ươm trong trường đại học cũng như định hướng phát triển trong tương lai, PV Tạp chí Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo đã có buổi trò chuyện cùng PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM.

screenshot-2022-10-18-130520-1334

PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ.

PV: Mô hình vườn ươm tại các trường đại học đã có ở nhiều nước trên thế giới. Tại một số trường đại học ở Việt Nam và cụ thể là Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM cũng đã có vườn ươm, xin ông cho biết ý nghĩa của việc thành lập vườn ươm trong trường đại học?

PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi: Việc thành lập vườn ươm trong trường đại học thể hiện nhiều ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của bản thân trường đại học, đối với sinh viên và cả cộng đồng – xã hội.

Thứ nhất, hiện nay các trường đại học năng động và có năng lực trên thế giới đều đã trở thành "trường đại học khởi nghiệp". Ở đó ngoài hai nhiệm vụ truyền thống là đào tạo và nghiên cứu khoa học, trường đại học khởi nghiệp còn phát triển mạnh nhiệm vụ thứ ba "đổi mới sáng tạo", tức gắn kết các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học với các loại hình thương mại hóa tài sản trí tuệ từ kết quả nghiên cứu thông qua chuyển giao công nghệ, tạo dựng các loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh (startups, spin-offs).

Nhờ đó trường đại học sẽ ngày càng phát triển các năng lực về tài chính, quản trị, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất… và trở nên uy tín, thương hiệu trong đào tạo và nghiên cứu khoa học ứng dụng. Việc thành lập vườn ươm là bước đầu để các trường đại học chuyển mình, phát triển theo định hướng này.

Thứ hai, bắt đầu từ việc hình thành vườn ươm và triển khai một số hoạt động liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường đại học cũng có thể thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ truyền thống về đào tạo và nghiên cứu khoa học, vì khi đó tính gắn kết với thị trường từ các hoạt động này sẽ cao hơn.

Là sản phẩm của trường đại học, sinh viên cũng sẽ hưởng lợi khi được đào tạo và thực hành tư duy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dưới các hình thức, hoạt động khác nhau trong quá trình học tập. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà các khái niệm về công việc, nơi làm việc, các xu thế về khoa học công nghệ, kinh tế thị trường… đều thay đổi rất nhanh chóng và rất khó dự báo đối với thị trường nguồn lao động toàn cầu.

Thứ ba, thông qua các hoạt động của vườn ươm, trường đại học sẽ góp phần thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó cùng tham gia xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội thông qua cải thiện các chỉ số vĩ mô liên quan đến năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0, đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và tương lai.

PV: Để kích thích và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM đã có những hoạt động gì trong thời gian qua?

PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi: Từ năm 2008 đến nay, Trường Đại học Bách khoa - ĐHQG TP.HCM đang triển khai các hoạt động nhằm xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nền văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bên trong nhà trường.

Đối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Nhà trường đang xây dựng hoàn thiện cơ sở vật chất - hạ tầng kỹ thuật (bao gồm không gian làm việc chung) và thành lập các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp (Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ, Innovation FabLab cùng các Phòng chức năng).

Nhà trường cũng đã gắn kết chặt với các tổ chức triển khai chính sách công như: Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN ở các địa phương, ĐHQG TP.HCM, các trường đại học đối tác nước ngoài… để cùng phối hợp triển khai dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng kết nối hợp tác với đa dạng thành phần tập đoàn doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp (bao gồm các loại hình quỹ đầu tư), tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bao gồm giảng viên, cựu sinh viên, sinh viên của trường và các nhóm khởi nghiệp tiềm năng trong cộng đồng.

Đối với nền văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Nhà trường đã và đang triển khai đồng bộ các hoạt động nhằm tạo dựng và phát triển nền văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong phạm vi nhà trường: Từ xây dựng Kế hoạch chiến lược giai đoạn 2021 - 2025 đến cập nhật các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST), bao gồm quy chế quản lý các hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST), quy định chế độ làm việc của giảng viên, nghiên cứu viên, kỹ sư phục vụ thực hành (bổ sung quy định tạo động lực cho giảng viên khi tham gia các hoạt động hỗ trợ KNĐMST), quy chế hỗ trợ và vinh danh sinh viên, nhóm sinh viên, giảng viên đạt thành tích học thuật, KHCN và ĐMST…

Bên cạnh đó, cập nhật chương trình đào tạo, giảng dạy các môn học theo định hướng KNĐMST cho các hệ đại học, cao học đến tổ chức các hoạt động mang tính ứng dụng, truyền thông như cuộc thi (tiêu biểu là cuộc thi Bách khoa Innovation thường niên), hội thảo, tọa đàm, câu lạc bộ KNĐMST, góc tin truyền thông, ươm tạo doanh nghiệp…

Screenshot 2023-01-16 132910

Cuộc thi "Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bách khoa Innovation" đã thu hút nhiều sự tham gia của sinh viên.

PV: Theo ông, để duy trì vườn ươm tại trường đại học thì đâu là yếu tố quan trọng nhất?

PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi: Để duy trì vườn ươm trong trường đại học, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay thì 3 nguồn lực chính là nhân lực, vật lực, tài lực… đều quan trọng. Tuy vậy, nguồn nhân lực mới là yếu tố quan trọng nhất vì có thể góp phần cải thiện các nguồn lực còn lại.

Nguồn nhân lực tự thân lại có 3 cấp: Lãnh đạo, quản lý - vận hành và trực tiếp thực hiện. Trong trường đại học: Nguồn nhân lực lãnh đạo là ban giám hiệu, nguồn nhân lực quản lý - vận hành bao gồm bộ máy các đơn vị hỗ trợ (vườn ươm và các đơn vị liên quan khác), còn nguồn nhân lực trực tiếp thực hiện là đội ngũ sinh viên, giảng viên, doanh nghiệp ươm tạo… Tuy cả 3 cấp nhân lực này đều quan trọng nhưng trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực lãnh đạo mang tính quyết định.

PV: Ở giai đoạn đầu, khi chưa có lợi nhuận thì kinh phí hoạt động của vườn ươm được hỗ trợ, cân đối như thế nào?

PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi: Từ khi được thành lập chính thức năm 2012, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) đã là tổ chức KH&CN tự chủ tài chính.

Kể từ khi thành lập đến nay, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường Đại học Bách khoa đều không ngừng chủ động tìm kiếm và triển khai thực hiện các nguồn đề tài, dự án trong và ngoài nước về KNĐMST để vừa đóng góp vào sự phát triển của Hệ sinh thái KNĐMST của Quốc gia và cả Trường Đại học Bách khoa, mặt khác lại đảm bảo nguồn tài chính để hoạt động và phát triển.

Các đề tài, dự án trong và ngoài nước về KNĐMST tiêu biểu mà Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ đã triển khai thành công bao gồm: Hợp phần dự án "Hỗ trợ xây dựng chính sách đổi mới và phát triển các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp" giữa hai chính phủ Việt Nam – Bỉ giai đoạn 2016-2018, nhiệm vụ "kết nối doanh nghiệp KNĐMST với tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp/doanh nhân, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp ở trong và ngoài nước" thuộc Đề án 844 giai đoạn 2019-2020, các nhiệm vụ KH&CN về kết nối đầu tư thuộc chương trình SpeedUp của Sở KH&CN TP.HCM từ năm 2019 đến nay…

Như vậy, về mặt tài chính, kinh phí vận hành vườn ươm đến từ việc đơn vị triển khai các nguồn dự án trong và ngoài nước, không dựa vào kinh phí Nhà nước.

PV: Xin ông cho biết những khó khăn trong quá trình xây dựng, vận hành vườn ươm, những thách thức và định hướng trong thời gian đến?

PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi: Sau thời gian hơn 10 năm chính thức hoạt động, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ đã cùng với Trường Đại học Bách khoa đạt được các thành tựu nhất định trong việc xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nền văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bên trong nhà trường.

Đầu tiên, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Trường Đại học Bách khoa theo kết quả tự đánh giá đã vượt qua giai đoạn định hình và đang ở giai đoạn tăng trưởng.

Kế tiếp, nền văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Trường Đại học Bách khoa đã hình thành trong một bộ phận sinh viên, giảng viên và đang phát triển mạnh trong phạm vi nhà trường. Đây chính là nền tảng để nhiều sinh viên, giảng viên đoạt được các giải thưởng từ những cuộc thi quốc tế danh giá về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tiêu biểu có thể kể đến các cuộc thi: Google Challenge, Swiss Innovation Challenge, Tech Planter, International Innovators Award… bên cạnh các cuộc thi cấp quốc gia và tỉnh thành.

Thế nhưng cũng giống như các trường đại học khác, vườn ươm của Trường Đại học Bách khoa đối mặt với khó khăn, thách thức về các loại hình nguồn nhân lực, vật lực và tài lực. Tuy vậy, các khó khăn, thách thức này mặt khác lại là động lực để đơn vị tìm kiếm những phương án giải quyết.

Thời gian tới, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ sẽ phát triển thêm mảng chuyển giao tri thức từ kết quả nghiên cứu của đội ngũ nhà khoa học Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM, qua đó hình thành một trung tâm có đầy đủ các chức năng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, bao gồm ươm tạo startups, spin-offs và chuyển giao công nghệ. Đây cũng là một định hướng khả thi khi Trường Đại học Bách khoa – ĐHQG TP.HCM là một trong năm tổ chức KH&CN được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện đề án thí điểm chính sách tạo động lực thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ ngân sách Nhà nước vào sản xuất, kinh doanh từ năm 2023.

PV: Hiện nay, song song với các vườn ươm của trường đại học còn có các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của tư nhân, hoạt động của của vườn ươm và các tổ chức này có những điểm khác biệt gì? Nhà trường có nghĩ đến việc liên kết với các tổ chức này không?

PGS.TS. Phạm Đình Anh Khôi: Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp tư nhân bao gồm các tổ chức ươm tạo và tăng tốc khởi nghiệp. Nếu chỉ xem xét các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp thì dù của trường đại học hay tư nhân thì đều có quy trình, cách thức hoạt động tương đối giống nhau nhưng điểm khác biệt lớn nhất là về tôn chỉ, mục tiêu hoạt động.

Theo đó, các vườn ươm ở trường đại học hoạt động theo tầm nhìn, sứ mạng, định hướng chiến lược trong thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường; còn vườm ươm tư nhân về bản chất là doanh nghiệp tư nhân nên hoạt động chủ yếu theo định hướng lợi nhuận. Nói một cách khác, (vườn ươm) trường đại học chủ yếu là nơi ươm mầm các tài năng khởi nghiệp với các dự án khởi nghiệp tiềm năng, trong khi vườm ươm tư nhân tập trung thúc đẩy đưa nhanh các dự án khởi nghiệp này ra thị trường.

Có thể thấy việc hình thành và phát triển của vườn ươm tư nhân là xu thế tất yếu trong xã hội. Bởi vì, vườn ươm tư nhân cũng là mảnh ghép cần thiết trong hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp và cũng góp phần trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Hiện nay, trong cộng đồng khởi nghiệp khu vực TP.HCM và các khu vực khác cũng đang có những diễn đàn, mạng lưới mà ở đó không phân biệt vườn ươm của Nhà nước, trong trường đại học hay của tư nhân. Tất cả đều hướng đến việc cùng kết nối hợp tác để phát triển và là các địa chỉ hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chính vì vậy, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Công nghệ - Trường Đại học Bách khoa cũng đã đại diện nhà trường tham gia vào các mạng lưới, diễn đàn hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có các vườn ươm tư nhân. Đơn vị là một trong năm tổ chức thành viên sáng lập ra Mạng lưới cơ sở ươm tạo TP.HCM từ năm 2016 và cũng là tổ chức thành viên của Mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp Quốc gia năm 2022.