Tham gia Diễn đàn có trên 130 đại biểu đại diện cho các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức phát triển, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các hiệp hội liên quan, các nhãn hàng, ban quản lý các khu công nghiệp, doanh nghiệp vận hành KCN, các doanh nghiệp dệt may, da giày, nhà cung úng dịch vụ…
Ngành Dệt may, Da giày đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam với việc góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế và lao động nông nghiệp, nông thôn sang công nghiệp; giải quyết việc làm, tận dụng lợi thế lao động với vai trò là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và sử dụng nhiều lao động; bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho người dân; tạo nguồn thu ngoại tệ xuất khẩu, tạo tích lũy ban đầu khi dệt may và da giày là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng cao và là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, giữ vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp cho chuỗi giá trị toàn cầu, gia tăng sức mạnh mềm gắn với mỗi thương hiệu sản phẩm. Quy mô xuất khẩu của ngành Da giày và Dệt may Việt Nam lần lượt đứng thứ 2 và thứ 3 thế giới (2022).
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp nếu không có phương án quản lý hiệu quả có thể làm tăng mức độ tác động đến môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nước, khí thải, chất thải và phát thải khí nhà kính, ảnh hưởng đến phát triển bền vững các khu công nghiệp ở Việt Nam. Ngành dệt may và da giày là ngành gây ô nhiễm môi trường lớn thứ hai trên thế giới về những vẫn đề nêu trên.
Tại Diễn đàn, ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng nhóm Quan hệ đối tác, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá tình hình phát triển các KCN trên thế giới và Việt Nam, đồng thời chỉ ra những khó khăn, thách thức của các khu công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các khu công nghiệp về dệt may và da giày trong mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng KCN Bảo Minh và ông Tô Ngọc Cường, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Dệt may Phố Nối, KCN Dệt may Phố Nối B đã chia sẻ những khó khăn, thách thức đối với ngành Dệt may nói chung và KCN Bảo Minh, Phố Nối B nói riêng và đề xuất một số giải pháp nhằm hỗ trợ các KCN tháo gỡ khó khăn nhằm đáp ứng các quy định của pháp luật, hướng tới phát triển bền vững.
Đại diện cho Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam, Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội chia sẻ với Diễn đàn về đề xuất từ Hiệp hội liên quan đến định hướng phát triển bền vững của ngành, mong muốn
Phát biểu thảo luận tại Diễn đàn, các đại biểu từ các nhãn hàng, BQL các KCN, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp… chia sẻ và đề xuất các giải pháp cho các khó khăn thách thức cho các KCN và nhà máy.
Tham gia trực tuyến từ nước Đức, ông Klaas Nuttbohm - Giám đốc triển khai chương trình, ZDHC đã trình bày về Nâng cao năng lực về Hệ thống quản lý hóa chất (ZDHC) trong các khu công nghiệp Việt Nam (IPEV), các quy định về hóa chất của Việt Nam và EUDD, sự tham gia của nhãn hàng và yêu cầu đối với nhà cung cấp và lợi ích cho KCN.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã được giới thiệu về Tổng quan về Chương trình Khu công nghiệp dệt may bền vững (INSTEP) và Nền tảng Công khai thông tin môi trường minh bạch cho doanh nghiệp (TEDP) do dại diện IDH Viêt Nam: bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Quản lý cấp cao, Chương trình Dệt may và Sản xuất và ông Đỗ Đình Chiến, Cán bộ chương trình cấp cao trình bày.
Kết thúc Diễn đàn, các đại biểu tham dự đã thảo luận bàn tròn để trao đổi về các giải pháp và hoạt động khả thi để tháo gỡ khó khăn, thách thức và phát huy cơ hội để phát triển bền vững các KCN Dệt may và Da giày Việt Nam.