TP HCM đề xuất cơ chế vượt trội cho trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế

Thái An
Một số tổ chức khoa học công nghệ công lập được TP HCM đề xuất phát triển thành trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, được hưởng một số chính sách vượt trội.

Thông tin được bà Nguyễn Thị Thu Sương, quyền Trưởng phòng quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM nói tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo đề án hình thành phát triển trung tâm nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế, sáng 11/8. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh TP HCM vận dụng chính sách thực hiện Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho ngành khoa học công nghệ.

Theo dự thảo Đề án, đến 2025, TP HCM có 2 trung tâm và đến 2030 có 5 trung tâm nghiên cứu tiệm cận, đạt chuẩn quốc tế. Các trung tâm này được phát triển trên cơ sở tổ chức khoa học công nghệ công lập do UBND TP HCM quản lý và các tổ chức khác trên địa bàn thành phố.

Nghiên cứu khoa học tại Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Hà An

Nghiên cứu khoa học tại Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM. Ảnh: Hà An

Theo bà Sương, trung tâm đạt chuẩn quốc tế được hưởng nhiều chính sách ưu đãi áp dụng cơ chế đặc thù của thành phố về chế độ thù lao, phúc lợi cho các chức danh lãnh đạo, người làm nghiên cứu; ưu tiên đầu tư công về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thiết bị...

Các trung tâm chuẩn quốc tế được đặt phòng thí nghiệm, trang thiết bị tại trường đại học TP HCM và được hỗ trợ nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, năng suất, hợp tác quốc tế... Lĩnh vực hoạt động được ưu tiên là các trung tâm chuyên nghiên cứu về điện tử - công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, vật liệu mới, xây dựng chính sách phục vụ phát triển thành phố.

Về cơ chế hoạt động các trung tâm, theo bà Sương đề án sẽ có những điểm thông thoáng hơn. Cụ thể, cơ quan soạn thảo đề xuất các đơn vị này được giao quyền và không phải bồi hoàn lại cho nhà nước trong các đề tài, dự án nghiên cứu sử dụng ngân sách. Phương pháp định giá tài sản từ hoạt động nghiên cứu được đề xuất từ kinh phí đầu tư cho chương trình, dự án khoa học công nghệ. "Điều này giúp các trung tâm tăng hiệu quả chuyển giao, thương mại hóa", bà Sương nói.

Để giảm bớt thủ tục, Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất, khi phê duyệt một chương trình, dự án nghiên cứu, cơ quan quản lý không đi sâu vào chi tiết về mục tiêu từng sản phẩm cụ thể mà khái quát trên công việc chính cần làm, dự kiến sản phẩm, dự toán theo hình thức khái toán. Hội đồng đánh giá thuyết minh, kế hoạch một dự án trong cả giai đoạn 5 năm, chứ không phải từng nhiệm vụ. Tổ chức nhận nhiệm vụ được chủ động kế hoạch thầu, không phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước như trước đây.

Cơ chế thông thoáng hơn nhưng các trung tâm phải 3 tháng một lần báo cáo tiến độ theo từng dự án. Trường hợp tiến độ nghiên cứu không đạt yêu cầu sẽ bị xem xét, chấm dứt thực hiện trong bất cứ giai đoạn nào. Khi kết thúc năm tài chính, tổ chức chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu phải thuê đơn vị tư vấn kiểm toán độc lập.

"Cơ chế mới cho mô hình trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế giúp thành phố đạt mục tiêu một trong những địa phương có vị thế cao về nguồn lực khoa học công nghệ", bà Sương nói.

Góp ý cho dự thảo, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, giảng viên Đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM cho rằng, để tăng hiệu quả thương mại hóa, hoạt động nghiên cứu cần sự tham gia sâu của doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài. Trong nghiên cứu khoa học yếu tố liên ngành là quan trọng. Cần sự phối hợp của các đơn vị nghiên cứu và sự mạnh dạn hợp tác giữa các nhà khoa học.

Đồng quan điểm, TS Ngô Võ Kế Thành, giám đốc Trung tâm nghiên cứu triển khai, Khu công nghệ cao TP HCM, bổ sung thêm yêu cầu khả năng thương mại hóa công nghệ nghiên cứu. Ông đề xuất, với những trung tâm nghiên cứu hướng ứng dụng, cần tăng tiêu chí số lượng sản phẩm ra thị trường.

Ông Thành cùng đề xuất mức đãi ngộ cao cho cán bộ quản lý trung tâm để tạo động lực cho họ huy động nguồn lực, tạo ra những sản phẩm nghiên cứu chất lượng, tạo hiệu quả kinh tế cao.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa đề án, báo cáo UBND thông qua trước khi trình HĐND thành phố.

Dự thảo quy định tiêu chí lựa chọn công nhận các trung tâm nghiên cứu chuẩn quốc tế:

- Trong 5 năm công bố trung bình 10 bài báo trong cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus, ISI. Các bài báo này phải có sự gia tăng chất lượng.

- Phải có ít nhất 5 bằng độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích, 10 bằng độc quyền giống cây trồng (với trung tâm cùng lĩnh vực), 5 bằng độc quyền (với đơn vị thiết kế, tích hợp mạch bán dẫn).

- Trung tâm phải đạt được một trong các tiêu chí như có ít nhất 10 hoạt động chuyển giao công nghệ (gồm tư vấn, tập huấn, đào tạo, chuyển giao, ...); ít nhất 10 hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ít nhất 1 sản phẩm khoa học và công nghệ được công nhận; ít nhất 3 hợp đồng hợp tác nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo với các tổ chức nghiên cứu phát triển, doanh nghiệp, ưu tiên đối với các đối tác quốc tế.