Trí tuệ nhân tạo AI giúp 'làm minh bạch' các bằng sáng chế về lượng tử

Thái An
Mới đây, nghiên cứu về cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc xác định và xử lý lượng thông tin khổng lồ của bằng sáng chế thay vì sử dụng cách phân tích văn bản thông thường đã được đăng tải trên Tạp chí Quốc tế về Quản lý Sở hữu Trí tuệ.

Nghiên cứu này được thực hiện bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu về bằng sáng chế, tập trung vào những nghiên cứu và công nghệ trong lĩnh vực khoa học lượng tử. Nghiên cứu cho thấy tiềm năng đáng chờ đợi liên quan đến đổi mới toàn cầu và hồ sơ các tổ chức quốc gia gắn liền với cạnh tranh về khía cạnh khoa học này giữa Trung Quốc và Mỹ.

Zeki Can Seskir thuộc Viện Công nghệ Karlsruhe, Đức và Kelvin W. Willoughby đến từ Trường Cao học Quản lý HHL Leipzig, Đức đã xây dựng một định nghĩa hoạt động của công nghệ lượng tử (CNLT) và sau đó sử dụng AI để tạo cơ sở dữ liệu về các bằng sáng chế toàn cầu.

Cách tiếp cận kết hợp giữa những phân tích của con người và AI xử lý công việc này cho phép họ trích xuất thông tin thích hợp trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), từ đó mang lại những thuận lợi cho các nhà hoạch định chính sách và nhà quản lý trong việc tìm hiểu sự đổi mới quốc tế của SHTT. Phương thức tiếp cận này cũng có thể hữu ích ở nhiều lĩnh vực khác.

th (8)

Lĩnh vực CNLT đang phát triển mạnh và được đầu tư hàng tỷ Euro và đô la Mỹ nhằm mục đích đưa những khám phá và đổi mới ứng dụng nhiều vào thực tế.

CNLT đề cập đến một loạt các công nghệ mới nổi dựa trên các nguyên tắc của cơ học lượng tử giúp các ứng dụng phát triển đột phá. Cơ học lượng tử là một nhánh khoa học vật lý xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XX khi sự hiểu biết và thí nghiệm của con người với các nguyên tử, bộ phận cấu thành cũng như năng lượng bắt đầu phát triển.

Thời điểm đó, hai nhà vật lý tài năng nhất là Niels Bohr và Albert Einstein là những người dẫn đầu trong cuộc nghiên cứu và sớm hoàn thiện lý thuyết lượng tử, dù đa phần trong số này các nhà khoa học về sau phải mất nhiều năm mới hiểu được.

CNLT sử dụng các tính chất nghịch thường của các hạt hạ nguyên tử, chẳng hạn như tính bất định và lưỡng tính sóng - hạt, để tạo nên bước đột phá do những hệ thống cổ điển dựa trên mô hình trước đó của hạ nguyên tử chưa thể làm được. Ứng dụng của các CNLT bao gồm điện toán lượng tử, truyền thông lượng tử, mật mã lượng tử, cảm biến lượng tử và đo lường lượng tử,...

CNLT có thể sớm thay đổi cách thức thực hiện tài chính, chăm sóc sức khỏe, năng lượng, giao thông vận tải và an ninh cũng như mang lại những tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật.