Những năm gần đây, công nghệ đã tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực sáng tạo nội dung, phân tích dữ liệu, tự động hóa, và cá nhân hóa, giúp tối ưu năng suất làm việc và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đặc biệt, video ngắn đã chứng minh được hiệu quả vượt trội trong các chương trình marketing và truyền thông hiện đại, đặc biệt trên các nền tảng số.
Những phiên livestream triệu đô với sự tham gia của KOL, KOC, và người nổi tiếng đã giúp nhiều doanh nghiệp bứt phá ngoạn mục, định hình một dòng chảy mạnh mẽ trong marketing và bán hàng. Đồng thời, sự thành công vang dội của các sự kiện giải trí đã đưa nhiều thương hiệu vươn lên đỉnh cao.
NHIỀU VIDEO DẠNG SPAM, THIẾU GIÁ TRỊ TRÊN CÁC NỀN TẢNG BÁN HÀNG NHƯ SHOPEE HAY TIKTOK
Ngày 11/1, Câu lạc bộ Tiếp thị và Truyền thông Việt Nam - Vietnam Marketing & Communication Club (VMCC) đã chính thức khởi động sự kiện Táo Marcom 2024 với chủ đề "Hiểu để Thương”. Sự kiện có sự tham dự của các nhà lãnh đạo, chuyên gia Marketing & Truyền thông (marcom), cùng kết nối, trao đổi, chia sẻ những đúc kết về toàn cảnh marcom Việt năm 2024 và những xu hướng mới nhất của ngành trong tương lai, qua đó giúp doanh nghiệp Việt thấu hiểu sâu hơn và cập nhật hơn về những yếu tố quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu.
Trao đổi bên lề sự kiện, ông Vũ Trung Hiệp, Phó Chủ tịch VMCC và là đồng sáng lập, giám đốc điều hành của Linkstar Event & Comm JSC, Trưởng ban tổ chức VMCC Táo MarCom 2024, cho rằng 2024 là một năm đầy biến động, cả trên phạm vi thế giới lẫn tại Việt Nam. Những thay đổi nhanh chóng trong bối cảnh kinh tế - xã hội cũng kéo theo những chuyển biến tương ứng trong lĩnh vực marketing và truyền thông. Đây là một năm với cả mặt sáng và tối, những nốt thăng và nốt trầm đan xen.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã tác động mạnh mẽ lên tư duy và phương thức làm marketing của người Việt. AI giúp doanh nghiệp hiểu khách hàng sâu sắc hơn, từ đó tạo ra những giá trị thiết thực, cải thiện hiệu quả trong việc tiếp cận và phục vụ khách hàng.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử cũng bùng nổ, đặc biệt với các xu hướng như megalive, shoppertainment và social commerce. Những nền tảng số này không chỉ mở rộng kênh marketing mà còn trở thành công cụ bán hàng hiệu quả, giúp doanh nghiệp Việt Nam thích nghi với nền kinh tế số và vươn ra khỏi biên giới truyền thống.
Năm vừa qua cũng chứng kiến sự thành công của nhiều chương trình giải trí lớn mang đậm dấu ấn văn hóa, chạm đến tâm tư tình cảm của người Việt và kết nối các thế hệ khán giả khác nhau. Các thương hiệu nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội từ những xu hướng này đều gặt hái được nhiều thành công.
Ngoài ra, không ít doanh nghiệp chọn đi theo hướng truyền thống với sự kiên định và bền bỉ, tập trung vào các chương trình mang tính trách nhiệm xã hội, hoặc chỉ sử dụng những kênh truyền thống như marketing thương mại và phân phối. Họ thành công nhờ sự thấu hiểu khách hàng và việc xây dựng giá trị gần gũi, chân thành.
Nói về tác động của công nghệ, đặc biệt là AI, đối với marcom, ông Hiệp khẳng định công nghệ luôn mang lại những giá trị tích cực, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Tuy nhiên, nếu thiếu tri thức và khả năng làm chủ công nghệ, hậu quả sẽ là chỉ dừng lại ở việc khai thác bề nổi.
“Theo quan sát của tôi, hiện tại chúng ta mới chỉ đang ở giai đoạn ứng dụng các khía cạnh bề nổi của AI”, ông Hiệp nói.
Thứ nhất, một số doanh nghiệp lạm dụng công nghệ và AI, nhồi nhét thông tin, thúc đẩy tiêu dùng quá mức, khiến khách hàng bị quá tải và hoang mang trước lượng thông tin khổng lồ.
Thứ hai, nội dung kém chất lượng. Sự phát triển ồ ạt của các nền tảng số và kinh doanh online dẫn đến việc thiếu kiểm soát các nội dung giả, thông tin sai lệch, và sản phẩm kém chất lượng.
Thứ ba là chạy theo xu hướng bề nổi. Một bộ phận marketer trẻ trong ngành marcom hiện nay quá tập trung vào việc chạy theo các xu hướng nhất thời, thay vì đầu tư vào chiều sâu ý tưởng, thông điệp và mục tiêu cốt lõi của doanh nghiệp.
Tương tự, ông Phan Bá Tuấn, nhà sáng lập kiêm CEO COMME ASIA, một công ty chuyên về các giải pháp cho thương mại điện tử, cho biết dù AI đang được nhắc đến ở mọi nơi, một số người và doanh nghiệp biết cách ứng dụng AI vào công việc của mình, nhưng cũng có rất nhiều đơn vị và cá nhân đang sử dụng AI một cách vô tình và thiếu hiệu quả. Họ tập trung vào số lượng hơn là chất lượng và không thực sự mang lại giá trị cho khách hàng. Ngoài ra, có quá nhiều công cụ AI dẫn đến sự lạm dụng, làm giảm chất lượng và giá trị.
“Ví dụ, trên các nền tảng bán hàng như Shopee hay TikTok, chúng ta có thể thấy rất nhiều video dạng spam, thiếu giá trị thực sự và không mang lại ứng dụng hữu ích cho người dùng”, ông Phan Bá Tuấn nói.
Việc sử dụng các công cụ AI như ChatGPT để tạo ra kịch bản hiệu quả phụ thuộc rất nhiều vào cách chúng ta cung cấp thông tin đầu vào. Nếu chỉ đưa ra một yêu cầu chung chung, ví dụ như "viết kịch bản để bán sản phẩm này", thì AI sẽ tạo ra một kịch bản rất cơ bản và thiếu đặc trưng riêng biệt của sản phẩm hoặc thương hiệu.
Do đó, theo ông Tuấn, để có một kịch bản hiệu quả, cần cung cấp cho AI những thông tin cụ thể, chi tiết về sản phẩm, đối tượng khách hàng mục tiêu, thông điệp thương hiệu, và các yếu tố đặc trưng khác muốn thể hiện trong kịch bản. Khi đó, AI có thể tạo ra nội dung sát với mục tiêu và phong cách mà doanh nghiệp mong muốn.
KHÔNG LƯU TRỮ VÀ KHAI THÁC DỮ LIỆU HIỆU QUẢ, TIỀM NĂNG CỦA AI SẼ KHÔNG PHÁT HUY ĐẦY ĐỦ
Theo ông Tuấn, khó khăn lớn nhất đối với người bán hàng trên TikTok là sản xuất nội dung, vì nội dung phải luôn mới mẻ, có tính sáng tạo. Điều này có nghĩa là nhà bán hàng bắt buộc phải tạo ra nội dung khác biệt. Việc sản xuất nội dung không quá khó khăn hay đòi hỏi kỹ thuật cao, mà quan trọng là nội dung phải có sự sáng tạo. Sự sáng tạo ở đây không phải là tạo ra thứ gì quá phức tạp, mà là sự khác biệt trong cách truyền tải thông điệp, chứ không phải là sự lặp lại nhàm chán.
“Để phát triển thương hiệu trên TikTok Shop vào năm 2025, nhà bán hàng nên đầu tư vào việc sản xuất nội dung chất lượng thay vì chỉ làm nội dung đại trà. Mặc dù hiện tại, cả hai cách đều có thể giúp doanh nghiệp tăng trưởng và bán được hàng, nhưng để duy trì và phát triển bền vững thì cần phải có chiến lược dài hạn”, ông Phan Bá Tuấn nói.
Việc áp dụng các chiến lược rõ ràng, phối hợp các công cụ và nền tảng khác nhau, sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tăng trưởng mà còn đảm bảo sự bền vững trong dài hạn.
Ngoài ra, ông Tuấn cho rằng để phát triển thương hiệu và thúc đẩy bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, điều đầu tiên là phải “dám làm”.
“Có rất nhiều người vẫn đứng ngoài và lo lắng về việc liệu có nên bắt đầu hay không, liệu phương án này có hiệu quả hay không. Tuy nhiên, quan trọng là chúng ta dám thử, dám làm. Sau khi bắt đầu, nếu thấy có vấn đề thì sẽ biết cách điều chỉnh và sửa chữa. Qua đó, chúng ta có thể học hỏi từ các sự kiện, từ các chuyên gia, và tiếp tục ứng dụng những kiến thức mới để cải thiện. Cái quan trọng là hành động và không ngừng học hỏi, thử nghiệm”, ông Tuấn nói.
Theo ông Đỗ Hữu Hưng, AI đóng vai trò cốt lõi trong hai khía cạnh quan trọng là thấu hiểu khách hàng và tự động hóa sáng tạo nội dung. Đầu tiên, AI hỗ trợ phân tích dữ liệu để hiểu rõ hành vi và sở thích của khách hàng. Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam là nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có tư duy "data-first".
“Nếu không biết cách lưu trữ và khai thác dữ liệu một cách hiệu quả, tiềm năng của AI sẽ không được phát huy đầy đủ”, ông Hưng nói.
ỨNG DỤNG AI SẼ TIẾP TỤC LÀ CHỦ ĐỀ CHÍNH CỦA MARCOM 2025
Cho rằng Việt Nam đang trong kỷ nguyên vươn mình nhưng ông Vũ Trung Hiệp, Phó Chủ tịch VMCC, cũng nhấn mạnh vô vàn thách thức từ thế giới đầy biến động (VUCA). Do đó, những người làm marketing, truyền thông và các doanh nghiệp phải giữ được sự bình tâm để lựa chọn phương thức phù hợp, thay vì chỉ chạy theo công nghệ hay xu hướng.
“Điều quan trọng không phải là tốc độ mà là chất lượng. Phương thức phù hợp - tức là cách tiếp cận cân bằng giữa công nghệ, văn hóa, và giá trị nhân văn - mới là chìa khóa để đạt được thành công bền vững trong tương lai”, ông Vũ Trung Hiệp nói.
Ông Hiệp cho rằng cốt lõi vẫn nằm ở việc học hỏi, xây dựng một nền tảng kiến thức bài bản về marketing, truyền thông và thương hiệu. Dù công nghệ hay xu hướng có thay đổi liên tục, những nguyên lý cơ bản vẫn luôn giữ vai trò quan trọng.
“Hiểu người dùng, nắm bắt tâm lý, văn hóa, bối cảnh và mối quan hệ giữa các phương thức là điều cốt lõi. Chính sự thấu hiểu này sẽ giúp sáng tạo một cách bền vững, và quan trọng hơn, không bao giờ cạn kiệt nguồn cảm hứng cho những ý tưởng mới”, ông Hiệp nói.
“Tôi tin rằng 2025 sẽ tiếp tục là một năm bùng nổ của Marcom Việt Nam, đặc biệt là nhờ vào việc khai thác các nền tảng công nghệ. Câu chuyện sử dụng AI sẽ tiếp tục là một trong những dòng chảy chủ đạo của Marcom Việt 2025”.