Vì sao Apple không nhắc đến trí tuệ nhân tạo trong suốt sự kiện ra mắt iPhone 16?

Bùi Huyền
So với một vài đối thủ lớn trong ngành, Apple đang có cách tiếp cận thận trọng hơn đối với bộ tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) trong dòng điện thoại mới ra mắt…

Cho dù bạn là fan cuồng của Apple đã đặt mua iPhone 16 Pro Max giá 1.200 USD hay là một người bình thường bị mắc kẹt trong quá nhiều cuộc trò chuyện xoay quanh chủ đề công nghệ smartphone, thì đến thời điểm nào đó, tất cả người dùng sẽ sớm chứng kiến các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) được tích hợp sẵn trong hầu hết điện thoại di động.

Theo CNN Business, không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết ứng dụng thực tế của AI trong các dòng điện thoại thông minh cho đến nay đều kém ấn tượng và không đáng tin cậy. Trong trường hợp không xuất hiện bất kỳ cải tiến lớn nào, Apple đặt cược bộ công cụ AI mới ra đời của hãng sẽ truyền cảm hứng cho người dùng nâng cấp thiết bị và mở ra "siêu chu kỳ" bán hàng cho năm tới.

MÀN RA MẮT KHÔNG TẠO ĐƯỢC ẤN TƯỢNG

Tuy nhiên, xét đến những điểm nổi bật của Apple Intelligence mà công ty từng hé lộ vào tháng 6 và chính thức ra mắt vào ngày 9/9 vừa qua (theo giờ địa phương), các nhà đầu tư và khách hàng đều có chung suy nghĩ rằng “kỳ vọng cao, thất vọng nhiều”. Dường như ngay cả Apple cũng chuẩn bị sẵn tâm lý phòng vệ: Hãng không hề đề cập đến cụm từ “trí tuệ nhân tạo” trong xuyên suốt sự kiện It’s Glowtime, sự kiện ra mắt dòng điện thoại iPhone 16 và hàng loạt sản phẩm mới khác.

Đa số công cụ mới được đánh giá ở mức tạm ổn, tạo được thiện cảm đối với người dùng. Bộ tính năng AI chính xác là những gì giới điệu mộ mong đợi từ Apple — trực quan, thân thiện, không quá khó sử dụng.

Với iPhone 16, điện thoại được trang bị trợ lý Siri thông minh hơn, âm thanh nghe giống người thật hơn. Người dùng còn có thể tạo ra biểu tượng cảm xúc (emoji) được cá nhân hoá bằng cách nhập bất kỳ câu lệnh nào, kể cả một số emoji khó nhằn như "thây ma có khuôn mặt trái tim đang ăn pizza". Thậm chí, khách hàng có thể hướng camera vào một chú chó bất kỳ trong công viên, điện thoại sẽ ngay lập tức phản hồi thông tin liên quan tới giống chó trong hình thông qua trí tuệ nhân tạo.

"Bất chấp nhiều điều chưa được tiết lộ về thời điểm ra mắt các tính năng khác và việc triển khai trên toàn cầu, tôi tin rằng người tiêu dùng sẽ hào hứng với những tính năng AI mới", ông Gene Munster, đối tác quản lý tại Deepwater Asset Management, chia sẻ trước khi dòng điện thoại iPhone 16 chính thức ra mắt tại trụ sở chính của Apple. Ông Munster dự kiến ​​doanh số bán iPhone sẽ vượt qua ước tính của chuyên gia Phố Wall trong các quý tới.

Nhưng các công cụ AI hiện nay chắc chắn chỉ nằm trong danh mục "add-on" (có thêm thì tốt) — chứ không phải "must have" (bắt buộc phải có) khi thuyết phục người mua chi ra hơn 1.000 USD cho một thiết bị mới.

Tất nhiên, theo truyền thống của Apple, ngay cả một chiếc iPhone 16 nhàm chán cũng có thể mang lại doanh số khá, vì nhiều khách hàng đang sử dụng điện thoại cũ sẽ có tâm lý “dù gì cũng phải nâng cấp”. Rõ ràng, lòng trung thành với thương hiệu là một trong những điểm mạnh nhất của Apple, điều này phản ánh phần nào lý do tại sao công ty dành thời gian tích hợp AI một cách chậm rãi và minh bạch.

Các nhà lãnh đạo Apple không hề nhắc đến cụm từ “trí tuệ nhân tạo” xuyên suốt sự kiện ra mắt iPhone 16. Các nhà lãnh đạo Apple không hề nhắc đến cụm từ “trí tuệ nhân tạo” xuyên suốt sự kiện ra mắt iPhone 16.

CỤM TỪ KHÔNG ĐƯỢC ĐỀ CẬP: TRÍ TUỆ NHÂN TẠO

Đối với sự kiện hoành tráng nhằm ra mắt chiếc iPhone đầu tiên được trang bị AI của Apple, có một thiếu sót đáng chú ý trong phần trình bày kéo dài hai giờ đồng hồ: các nhà lãnh đạo không hề nhắc tới cụm từ "trí tuệ nhân tạo".

Thay vào đó, CEO Tim Cook và một số Giám đốc khác chỉ nhắc đến các tính năng “thông minh” của dòng điện thoại mới.

Phân tích rõ hơn, Apple Intelligence là bộ công cụ độc quyền của Apple. Nhưng gã khổng lồ công nghệ ý thức được rằng người dùng vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào công nghệ AI.

Trong khi nhiều nhà phát triển tại Thung lũng Silicon và cả các nhà đầu tư Phố Wall đều dồn hết tâm huyết vào tương lai nơi AI song hành trong mọi hoạt động đời thường của con người, thì những khách hàng cá nhân cần thêm ví dụ mang tính thuyết phục hơn. Và ngay cả một số chuyên gia cũng ngày càng mất kiên nhẫn vì công nghệ tiêu tốn nhiều chi phí nhưng chưa cho thấy lợi nhuận khả quan.

NGƯỜI DÙNG CHƯA HOÀN TOÀN TIN TƯỞNG AI

Mới đây, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tiếp thị & Quản lý Khách sạn cho thấy việc mô tả sản phẩm là “được hỗ trợ bởi AI” có xu hướng làm giảm ý định mua sản phẩm đó của khách hàng.

Lý do rất đơn giản, đa số chatbot và trình tạo hình ảnh AI hiện nay đều mang tới cho người dùng cảm giác hoài nghi về những kết quả trả lời gượng gạo, thường là không chính xác. Công chúng dần quy chụp những nội dung trông có vẻ không chân thực là do chatbot AI tạo ra. Chẳng hạn, khi lắng nghe một chính trị gia phát biểu vận động tranh cử có đôi phần vụng về, người dân thường nói đùa rằng có vẻ như ông ấy đã sử dụng ChatGPT để viết bài phát biểu.

Apple là công ty luôn chú trọng đến hình ảnh thương hiệu, hãng hiểu rõ rằng không nên rơi vào cái bẫy “AI”, ngay cả khi toàn bộ thông tin về iPhone mới đều xoay quanh trí tuệ nhân tạo.