Việt Nam chú trọng bảo hộ nhãn hiệu nhiều hơn tài sản trí tuệ khác

Thái An
So sánh với hai loại tài sản trí tuệ khác là sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, các chủ thể Việt Nam thường dành sự quan tâm nhiều hơn cho bảo hộ nhãn hiệu.

Cục Sở hữu trí tuệ vừa cho biết giai đoạn 2013 – 2022, tổng số đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ nhãn hiệu của người nộp đơn tại Việt Nam cao hơn lần lượt 4,28 % và 8,23 lần so với người nộp đơn nước ngoài.

Ông Mai Văn Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn - Cục Sở hữu trí tuệ - nhận định: “Các chủ thể Việt Nam chủ yếu đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu, số lượng sáng chế chỉ bằng 1/8 so với chủ thể nước ngoài.

Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mặc dù khá sôi động nhưng chưa có nhiều sản phẩm chứa hàm lượng trí tuệ cao, hoạt động nghiên cứu ứng dụng va nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng tạo ra công nghệ, đổi mới sáng tạo còn hạn chế”.

bc2ec8240a2dd7738e3c

Chủ thể Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến tài sản nhãn hiệu.

Trong giai đoạn 2013 – 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,11%/năm. Các chủ thể nước ngoài có tổng đơn đăng ký sáng chế là 55.774 đơn, cao hơn gấp 8 lần so với chủ thể Việt Nam (7.012 đơn). Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm số đơn đăng ký sáng chế của chủ thể Việt Nam đang tăng lên nhanh hơn so với đơn của chủ thể nước ngoài.

Sở hữu trí tuệ nói chung và bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ nói riêng trở thành công cụ quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kính tế, văn hoá, xã hội quốc gia và từng địa phương. Số lượng đăng ký bảo hộ sáng chế giai đoạn 2017 – 2022 từ chủ thể doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học tăng nhanh so với giai đoạn 2013 – 2016. Qua đó có thể thấy năng lực hấp thu công nghệ sáng chế của các doanh nghiệp Việt Nam tăng đáng kể, công tác nghiên cứu đã gắn kết nhiều hơn với hoạt động sản xuất kinh doanh.

4ac530cff2c62f9876d7

Chủ thể Việt Nam quan tâm nhiều hơn đến tài sản nhãn hiệu thể hiện qua bảng thống kê đơn đăng ký nhãn hiệu quốc gia đã nộp và chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấp từ năm 2013 - 2022.

Tại Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2023, ông Mai Văn Dũng cho hay: “Các tổ chức, cá nhân trong nước bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đối tượng sở hữu trí tuệ này. Đồng thời, số lượng đơn đăng ký giải pháp hữu ích trong 1 thập kỷ vừa qua của chủ thể Việt Nam lớn gấp 22,27 lần so với chủ thể nước ngoài”.

Theo ông Mai Văn Dũng, tốc độ tăng trưởng đơn đăng ký giải pháp hữu ích của chủ thể Việt Nam là 8,82 %/năm, cao hơn so với tốc độ tăng của chủ thể nước ngoài (4,74%).

7262de490140dc1e8551

Đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã nộp từ 2013 đến 2022.

Bên cạnh đó, số lượng đối tượng sở hữu trí tuệ chuyển giao (trong đó có sáng chế) quyền sử dụng và quyền sở hữu tài sản trí tuệ chiếm tỷ lệ khiêm tốn so với đơn được nộp và các văn bằng bảo hộ được cấp. Chứng tỏ hoạt động quản lý, khai thác tài sản trí tuệ nói chung, sáng chế nói riêng chưa hiệu quả.

“Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là: Năng lực hấp thu công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, kết quả nghiên cứu được tạo ra chưa gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm còn yếu”, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn – Cục Sở hữu trí tuệ nhấn mạnh.