BLife - Hệ thống hỗ trợ giao tiếp bằng ánh mắt cho bệnh nhân Việt

Admin
PGS Lê Thanh Hà (42 tuổi) cùng cộng sự mới đây đã tiến hành thử nghiệm hệ thống BLife cho phép bệnh nhân không thể nói và cử động do mắc hội chứng ALS có thể giao tiếp với người xung quanh bằng án

BLife  là sản phẩm được nghiên cứu và phát triển bởi PGS Lê Thanh Hà (42 tuổi) và nhóm nghiên cứu trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội. Đây là hệ thống giao tiếp người-máy thông minh dựa trên tích hợp các công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), thực tại ảo (VR) và thực tại ảo tăng cường (AR).

Chia sẻ với báo chí, PGS Hà cho biết, ý tưởng về hệ thống giao tiếp điều khiển bằng mắt được nhóm theo đuổi từ năm 2019, khi anh chứng kiến người thầy nằm liệt giường cả năm trời. Mọi sinh hoạt cá nhân của thầy đều cần người hỗ trợ và trao đổi qua bảng chữ cái của trẻ nhỏ. Mỗi lần đến thăm, thầy chỉ cố gắng ra hiệu vài ba câu đơn giản. Điều này khiến anh trăn trở phải làm gì đó để giúp thầy giao tiếp dễ dàng hơn và kết quả là sự ra đời của BLife.

thiet-bi-Blife-9254-1654524343
 

 Thiết bị BLife được thiết kế có bánh xe để tiện di chuyển. Ảnh: Nhóm nghiên cứu

 
 

Thiết bị được thiết kế gồm xe đẩy và màn hình có thể quay các hướng. Màn hình máy gắn camera chuyên dụng có thể đọc chuyển động mắt và hiển thị tín hiệu trên màn hình, chuyển thành âm thanh ra loa. Thông qua bàn phím ảo, người bệnh có thể dùng mắt để chọn hình ảnh biểu tượng, tổ hợp ký tự tiếng Việt. Máy cũng hỗ trợ người dùng lướt web, tìm kiếm thông tin, tương tác mạng xã hội, xem video, viết email.

Hệ thống hiện đang được thử nghiệm trên một số bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 103. Kết quả cho thấy, người bệnh chức năng mắt khỏe, có thể nhập trung bình 40-50 ký hiệu/phút, người có chức năng mắt yếu hơn, tốc độ nhập 15-20 ký hiệu/phút.

c5ff02ed5a049a5ac315-1-6543-1654529148

Bệnh nhân ALS sử dụng thiết bị BLife. Ảnh: NVCC 

PGS Hà cho biết, cơ chế dùng mắt để điều khiển vốn là một thách thức. Lý do, mắt của con người thường được sử dụng để nhận biết môi trường thông qua ánh sáng, nay lại được sử dụng để điều khiển con trỏ màn hình, làm thay đổi chức năng tự nhiên của mắt. Do đó, nếu thiết kế không khéo sẽ khiến việc tương tác chậm, gây mệt mỏi cho người sử dụng. Chính vì vậy nhóm mất 3 tháng mới tìm ra cơ chế "gõ bằng mắt" tốt nhất, giúp người bệnh sử dụng nhanh và hiệu quả hơn.

blife PGS Le Thanh ha

BLife là sản phẩm được phát triển bởi PGS Lê Thanh Hà cùng nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội 

Trên thế giới cũng có thiết bị tương tự, giá khoảng 17.000-25.000 USD, dùng ngôn ngữ tiếng Anh nên khó sử dụng cho người Việt. Trên thị trường cũng có một số thiết bị phát hiện chuyển động mắt chuyên dụng nhưng đòi hỏi kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin rất cao. Vì vậy nhóm của PGS Hà dự định đưa sản phẩm BLife tới người bệnh có nhu cầu với mức chi phí tối thiểu, phù hợp để người Việt có thể chi trả được và dễ sử dụng.

PGS Hà cho biết thêm, nhóm nghiên cứu hiện đang tiếp tục phát triển các phương pháp nhằm khai thác tín hiệu điện não để tăng tốc độ tương tác trong giao tiếp và phát triển các kỹ thuật để người bệnh có thể điều khiển thiết bị nhà thông minh như điều hòa, đèn, quạt, tivi, ... nhờ đó giảm sự phụ thuộc vào sự hỗ trợ của những người xung quanh, bước đầu giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người bệnh, giúp dễ dàng biểu lộ mong muốn, duy trì kết nối và tiếp tục đóng góp giá trị cho xã hội.

Mai An

Theo SHTT