Cần có sự chung tay, ủng hộ, “tương tác” tích cực từ chính các chủ thể để để khai thác, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư

Thái An
Các chuyên gia về công nghệ và dữ liệu cho rằng để khai thác, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư hiệu quả, phục vụ “chủ thể” là người dân, doanh nghiệp (DN) ngày một tốt hơn, cùng với sự chỉ đạo, định hướng đúng, trọng tâm của Nhà nước, Chính phủ cần có sự chung tay, ủng hộ, “tương tác” tích cực từ chính các chủ thể sẽ là điều không thể thiếu.

Dữ liệu cần phải được xác thực và định danh

TS. Hoàng Lê Minh, Trưởng khoa CNTT, Đại học Văn Lang, cho rằng muốn hình thành kho dữ liệu quốc gia hoàn thiện, hoàn chỉnh cần một quá trình liên tục, lâu dài, có kiểm soát, đánh giá, chọn lọc tinh tuý đầu “vào” cũng như đầu “ra” của các thông tin.

"Đặc biệt, khi có dữ liệu, dữ liệu phải đầy đủ, sạch, mới, chính xác và được quản lý đảm bảo an toàn, tin cậy khi chia sẻ", TS. Hoàng Lê Minh nhấn mạnh.

csdl-09082022.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: TTXVN)

Vì hiện nay, dữ liệu và công nghệ gắn liền, hỗ trợ nhau và không thể tách rời và phạm vi hướng đến thực hiện đa dạng, đa ngành, đa lĩnh vực, do đó, cần có các cơ chế quản lý thông tin dữ liệu theo hướng riêng, đặc thù để phù hợp với những thuộc tính của từng ngành, nghề, lĩnh vực.

Vì điều này, các cơ quan quản lý nhà nước, bộ, ngành, chính quyền địa phương, thành phố, trong đó bao gồm cả các DN cần xây dựng dữ liệu đảm bảo có đầy đủ các cơ chế sử dụng (kiến trúc thông tin) trước khi đưa vào khai thác, sử dụng dùng chung.

Và để hướng đến phát triển, khai thác, sử dụng hiệu quả CSDL quốc gia về dân cư hiện nay, TS. Hoàng Lê Minh cho rằng cần hướng đến đảm bảo đủ năng lực nguồn dữ liệu có yếu tố định danh và có tính pháp lý.

Muốn làm được điều này, dữ liệu phải được quản lý tập trung theo mô hình, quy mô toàn diện và có cập nhật, bổ sung mới, đánh giá hiệu quả quá trình dùng thường xuyên, đồng thời, phải đo lường được tính ứng dụng, sử dụng trong thực tế”, TS. Hoàng Lê Minh nhấn mạnh.

Hơn nữa, theo TS. Hoàng Lê Minh, việc phát triển, khai thác, sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay thực tế đang ở giai đoạn đầu của quá trình thực hiện nhiệm vụ. Do đó, rất cần thời gian để đánh giá, nghiệm thu và bổ sung những mặt hạn chế, tồn tại nếu có.

“Để thực hiện tốt nội dung này, cần có cơ chế hậu kiểm thông tin dữ liệu, sử dụng đội ngũ nhập liệu có năng lực, trình độ chuyên môn cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phân tích, sử dụng, cung cấp, chia sẻ dữ liệu…”, TS. Hoàng Lê Minh nhấn mạnh.

Ở góc độ đánh giá, phân tích khác, khi nói về hệ thống thông tin dữ liệu hiện nay, ông Lương Hoài Nam, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP công nghệ du lịch Gotadi cho rằng, các dịch vụ tích hợp thông tin dữ liệu hiện nay đang được Việt Nam triển khai, thực hiện chính là một bước tiến lớn của quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS).

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả ban đầu tích cực vẫn không tránh khỏi những hạn chế nội tại phát sinh. Chúng ta vẫn còn tình trạng lỗi kỹ thuật từ những hệ thống thông tin trong việc cung cấp dữ liệu (nhập liệu, khai báo các trường thông tin…). Do vậy, để loại bỏ hết những hạn chế này, nhà nước cần có sự định hướng, quản lý CSDL theo hướng, mô hình, yêu cầu một cách làm chung, duy nhất.

Nói rõ hơn cho quan điểm này, ông Lương Hoài Nam cho rằng, trong quá trình thực hiện việc tích hợp, cung cấp các thông tin, nếu cái gì là dữ liệu mang tính chuyên ngành thì cần có sự phân loại ngay từ đầu và phải coi đó là một dạng “tài sản” và cần các cơ quan nhà nước xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc pháp lý để trong quá trình cung cấp, chia sẻ sẽ luôn đảm bảo an toàn, quyền riêng tư và các rủi ro liên quan đến pháp lý.

Ở quan điểm khác, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc công nghệ công ty HPE Việt Nam nói thêm, để các “chủ thể” ngày càng được thụ hưởng các giá trị lợi ích của dữ liệu dùng chung thì bản thân các DN cũng cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội, nhất là nỗ lực tự hoàn thiện các dữ liệu của đơn vị mình và đảm bảo ổn định trên hệ thống thông tin của DN.

Đặc biệt, các DN viễn thông cần xây dựng, đảm bảo việc quản trị dữ liệu viễn thông theo dạng cấu trúc hoặc phi cấu trúc dựa trên bảng dữ liệu hoặc các trường dữ liệu.

Hơn nữa, các dữ liệu cần phải được xác thực và định danh đáp ứng theo yêu cầu đủ, đúng, mới và có khả năng xác thực tin cậy trên môi trường số…”, ông Nguyễn Quang Vinh nêu quan điểm.

Thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu “Đúng - đủ - sạch - sống”

Ở quan điểm khác, khi nói về vấn đề thực hiện hoàn thiện, quản lý các dữ liệu về dân cư, căn cước công dân (CCCD), định danh, xác thực điện tử (XTĐT) ông Đào Đình Nam, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết: “Đây là các dữ liệu rất quan trọng, do đó, thời gian qua, Bộ Công an đã rất nỗ lực, tích cực hoàn thiện và đảm bảo việc thu thập, cập nhật thông tin, dữ liệu đúng với chủ trương “Đúng, đủ, sạch, sống” dựa trên các căn cứ, quy định của Luật CCCD và Luật Cư trú”.

ca.jpg
Hệ thống định danh, XTĐT đã đảm bảo cấp cho hơn 58 triệu công dân có tài khoản ĐDĐT (Ảnh Giang Huy).

Cũng theo ông Đào Đình Nam, hiện nay, đối với Hệ thống định danh, XTĐT đã đảm bảo cấp cho hơn 58 triệu công dân có tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT), trong đó có hơn 40 triệu công dân đang thường xuyên sử dụng ứng dụng VNeID.

Cùng với đó, Bộ Công an cũng đã hoàn thiện xây dựng CSDL quốc gia về dân cư, CCCD, ĐDĐT và sẵn sàng chủ động để khai thác dữ liệu thông tin hiệu quả trong các lĩnh vực phục vụ đời sống xã hội.

Cụ thể, các dữ liệu dân cư giúp kết nối với các bộ, ngành phải đảm bảo đủ điều kiện an toàn, an ninh thông tin đối với các dữ liệu gốc và có thể kết nối, khai thác sử dụng hiệu quả đối với các dịch vụ công trực tuyến.

Bộ Công an cũng thực hiện việc định danh tập trung thông tin của công dân dựa trên CSDL về dân cư, CSDL sinh trắc học của CCCD và đảm bảo không có cơ quan chính thức nào ngoài Bộ Công an thực hiện việc định danh của người dân.

Do đó, việc khai thác dữ liệu về định danh, dân cư, CCCD đã và đang được làm rất tốt, kết quả tích cực và bước tiếp theo trong thời gian tới sẽ định danh cho các đối tượng là tổ chức, người nước ngoài.

Như vậy, về mặt: Xây dựng, bổ sung dữ liệu; đảm bảo hệ thống thông tin dữ liệu; các vấn đề pháp lý … đang được Bộ Công an chủ động thực hiện và đảm bảo theo đúng chủ trương, yêu cầu việc thực hiện nhiệm vụ CĐS nói chung, dữ liệu số nói riêng.

Tuy nhiên, đối với các vấn đề về pháp lý, mặc dù hiện nay chúng ta vẫn chưa có những văn bản hoàn thiện. Do đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, với tinh thần cầu tiến, dám nghĩ, dám làm, rút kinh nghiệm và thí điểm triển khai… Bộ Công an tin rằng, trong thời gian ngắn, chúng ta sẽ dần hoàn thiện trên cơ sở của thực tế, đồng thời, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của xu thế số hoá hiện nay.

“Bộ Công an luôn mong muốn các đơn vị bộ, ngành, địa phương, người dân, DN tích cực hơn nữa ủng hộ bộ Công an thực hiện nhiệm vụ này ngày một tốt hơn, tất cả hướng đến mục tiêu sớm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia số văn minh, hiện đại, phát triển bền vững”, ông Đào Đình Nam nhấn mạnh./.