Cụ thể, theo URL Genius, Youtube, thuộc sở hữu của Google, thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng để phục vụ cho những mục đích riêng như theo dõi lịch sử tìm kiếm hay thậm chí là vị trí, từ đó có thể hiển thị quảng cáo mà người dùng có thể quan tâm nhất.
Trong khi đó, TikTok, thuộc sở hữu của hãng công nghệ Trung Quốc ByteDance, lại có xu hướng cho phép các trình theo dõi của bên thứ ba thu thập dữ liệu người dùng, từ sự tương tác với các bài đăng, cho đến thời gian đăng bài, vị trí thực hay thậm chí là cả thông tin cá nhân của họ. Do đó thật khó để có thể biết được là dữ liệu của người dùng sẽ được sử dụng như thế nào. Thậm chí, nghiên cứu cũng cảnh báo rằng hoạt động của người dùng trên các trang web khác ngay cả sau khi đã tắt ứng dụng cũng có thể bị theo dõi.
Để tiến hành nghiên cứu, URL Genius đã sử dụng tính năng Ghi hoạt động ứng dụng từ iOS của Apple để đếm số miền khác nhau theo dõi hoạt động của người dùng trên 10 ứng dụng truyền thông xã hội khác nhau gồm YouTube, TikTok, Twitter, Telegram, LinkedIn, Instagram, Facebook, Snapchat, Messenger và Whatsapp, trong một lần truy cập, thậm chí trước khi bạn đăng nhập vào tài khoản của mình.
YouTube và TikTok đứng đầu danh sách với 14 địa chỉ liên hệ mạng/ứng dụng, cao hơn đáng kể so với con số trung bình của nghiên cứu là sáu địa chỉ liên hệ mạng/ứng dụng.
10/14 trong số các trình theo dõi của YouTube là địa chỉ liên hệ mạng của bên thứ nhất, có nghĩa là nền tảng đang theo dõi hoạt động của người dùng cho các mục đích riêng của nó. Bốn địa chỉ liên hệ còn lại đến từ các miền của bên thứ ba, có nghĩa là nền tảng xã hội cho phép một số ít các bên bí ẩn bên ngoài thu thập thông tin và theo dõi hoạt động của người dùng.
Đối với TikTok, kết quả thậm chí còn lên tới 13/14 địa chỉ liên hệ mạng đến các bên thứ ba.
Theo nghiên cứu, việc theo dõi của bên thứ ba vẫn xảy ra ngay cả khi người dùng không chọn cho phép theo dõi trong cài đặt của từng ứng dụng.
Vào tháng 10, Wired đã phát hành một hướng dẫn về cách TikTok theo dõi dữ liệu người dùng, bao gồm vị trí của bạn, lịch sử tìm kiếm, địa chỉ IP, các video bạn xem và thời lượng bạn xem chúng. Theo hướng dẫn đó, TikTok có thể “suy ra” các đặc điểm cá nhân từ độ tuổi đến giới tính của bạn dựa trên các thông tin khác mà nó thu thập.
TikTok từng hứng chịu nhiều chỉ trích về cách thu thập và sử dụng dữ liệu, đặc biệt là từ những người dùng trẻ tuổi và lời tuyên bố đã chuyển một số dữ liệu người dùng cá nhân sang máy chủ Trung Quốc. Đáng chú ý, chính sách quyền riêng tư của TikTok cho phép ứng dụng có thể gửi dữ liệu người dùng về công ty mẹ ở Trung Quốc, dù hãng tuyên bố áp dụng các biện pháp bảo mật để “bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của người dùng”.
Vào năm 2020, Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump, đã xem xét cấm TikTok ở Mỹ vì lo ngại về chính sách bảo mật dữ liệu của ứng dụng, trước khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden loại bỏ những mối đe dọa đó và ra lệnh xem xét các mối đe dọa bảo mật tiềm ẩn do các ứng dụng nước ngoài sở hữu.
Linh An