‘Chông gai’ của nền tảng cảng biển số Make in Viet Nam

Bùi Huyền
Theo đơn vị phát triển nền tảng cảng biển số Make in Viet Nam, một trong những ‘chông gai’ mà họ phải vượt qua chính là định kiến của các doanh nghiệp đối với sản phẩm trong nước.

Đây là chia sẻ của ông Tạ Minh Vang, Chủ tịch Công ty Dịch vụ tin học CEH tại Diễn đàn quốc gia về Doanh nghiệp công nghệ số lần thứ VI. Đơn vị vừa được trao giải Đồng hạng mục “Sản phẩm công nghệ số xuất sắc trong lĩnh vực giao thông vận tải, bưu chính và logistics”, với giải pháp xác thực không dừng tại cảng - SmartGate AI.

w dsc 1521 53599.jpg Chủ tịch HĐQT công ty CEH Tạ Minh Vang trình bày tham luận “Xây dựng nền tảng công nghệ cảng biển số thuần Việt”, tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI. Ảnh: Hoàng Hà

Đại diện CEH cho biết, một trong những chông gai trên chặng đường phát triển nền tảng cảng biển số thuần Việt là định kiến, e ngại của các doanh nghiệp vận tải đối với sản phẩm nội. Bên cạnh đó, các tính năng và tiện ích cũng đòi hỏi khắt khe về bảo mật, an toàn thông tin.

Dù có những lúc muốn bỏ cuộc, CEH đã được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đồng hành, hỗ trợ kết nối với các đơn vị, các ngành khác để phát triển tính năng đáp ứng được những yêu cầu nói trên và trở thành đối tác công nghệ của các doanh nghiệp cảng biển.

Ông Vang cho biết, trong 11 năm, CEH đã kiên trì phát triển nền tảng cảng biển số Make in Viet Nam vì nhiều lý do. Với khoảng 170 cảng container, phân bổ tại 25 địa phương và trải dài trên khoảng 3.200km bờ biển, khối lượng hàng hóa ra vào cảng cần xử lý tại Việt Nam rất lớn.

Trước khi có giải pháp nội địa, các cảng biển trong nước phải mua giải pháp nước ngoài với giá không hề rẻ nhưng vẫn còn một số hạn chế. Chẳng hạn, phụ thuộc vào công nghệ ngoại; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu khó khăn; không có đủ nhân lực thành thạo công nghệ thông tin.

Sau thời gian dài nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện, nền tảng cảng biển số thuần Việt đạt được nhiều kết quả tích cực, vượt trội so với các giải pháp nước ngoài ở ba điểm: rút ngắn thời gian và số điểm chạm để hoàn thành dịch vụ; hình thành kho dữ liệu tập trung để cải tiến quy trình, nâng cao hiệu quả nhờ kết nối với 35 đơn vị cảng biển, hơn 100 hãng tàu, gần 2.000 doanh nghiệp vận tải nội địa và 45.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu; chi phí đầu tư chỉ bằng 10 – 20%.

Quan trọng hơn, nền tảng cảng biển số góp phần vào bức tranh tổng thể cảng biển Việt Nam, là điều kiện hình thành cơ sở dữ liệu cảng Việt Nam, phục vụ công tác quản lý nhà nước.

Thông qua đó, nhà chức trách có công cụ để theo dõi, giám sát từng container từ lúc đi vào lãnh hải Việt Nam, cho đến khi vào cảng và ra khu công nghiệp, trung tâm phân phối.

“Chúng tôi chứng minh được rằng, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng làm chủ sản phẩm và phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Việt Nam và vươn ra thế giới”, ông Vang nhấn mạnh.