Sự tăng trưởng theo cấp số nhân của AI ở Đông Nam Á đã tác động đáng kể đến khu vực này, cải thiện khả năng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, hiệu quả, phân tích dữ liệu... Theo Statista Research, thị trường AI tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ đạt 6,72 tỷ USD vào năm 2024 và tăng trưởng 28,53% trong giai đoạn từ năm 2024 - 2030.
Bất chấp tiềm năng phát triển này, một vấn đề đặt ra liệu khu vực ASEAN có phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ AI của nước ngoài hay không?
Hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) tại ASEAN đang sử dụng các công cụ AI để đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa nhằm thúc đẩy doanh số bán hành, các mô hình dự đoán trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, phát hiện gian lận và hỗ trợ người dùng thông qua chatbot.
Ngoài ra, các tổ chức, DN còn thu thập thông tin cập nhật trên các phương tiện truyền thông xã hội thông qua giám sát thời gian thực, tiến hành phân tích và tạo báo cáo, đồng thời thu hút khách hàng thông qua phần mềm quản lý quan hệ khách hàng (CRM) tự động.
Các sáng kiến AI tại Đông Nam Á
Các sáng kiến và đổi mới AI địa phương của khu vực ASEAN đã chứng minh tiềm năng vượt trội hơn so các khu vực khác trên thế giới. Cơ quan Phát triển truyền thông và thông tin Singapore (IMDA) cho biết quốc gia này đang triển khai Chương trình mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đa phương thức quốc gia (NMLP) để tăng cường nghiên cứu và đổi mới AI. Theo đó, Singapore sẽ phát triển một mô hình AI và đào tạo nó để hiểu cũng như tạo ra ngôn ngữ của con người, kết hợp các nền văn hóa và ngôn ngữ đa dạng của Đông Nam Á. Chương trình này được IDMA hợp tác với AI Singapore (AISG) và Cơ quan Khoa học, Công nghệ và Nghiên cứu (A*STAR).
TS. Ong Chen Hui, Trợ lý giám đốc điều hành của tại IDMA cho biết: “Nỗ lực quốc gia này nhấn mạnh cam kết của Singapore trong việc trở thành trung tâm AI toàn cầu... Ngôn ngữ là một yếu tố cần thiết cho sự hợp tác. Bằng cách đầu tư vào nhân tài và các mô hình LLM cho các ngôn ngữ trong khu vực, chúng tôi muốn thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngành xuyên biên giới và thúc đẩy làn sóng đổi mới AI tiếp theo ở Đông Nam Á”.
Chương trình NMLP hướng tới phát triển các nhân tài AI bằng cách cung cấp kinh phí và quyền truy cập vào điện toán cao cấp cho các nhà nghiên cứu và kỹ sư địa phương đồng thời thúc đẩy ngành công nghiệp AI phát triển các giải pháp hỗ trợ LLM để nâng cao năng suất và cơ hội kinh doanh mới. Đồng thời giải quyết khoảng trống hiện tại trong bối cảnh hầu hết các LLM đều đến từ các nước phương Tây.
AISG có một số chương trình tập trung vào nghiên cứu, bồi dưỡng các chuyên gia địa phương, đảm bảo quản trị, đạo đức và trách nhiệm giải trình, đồng thời cung cấp các nguồn lực cho đào tạo.
Trong khi đó, Trung tâm Công nghệ máy tính và điện tử quốc gia Thái Lan (Nectec) đã hợp tác với 3 nhóm AI để triển khai dự án OpenThaiGPT, một công cụ GenAI dựa trên ngôn ngữ địa phương, vào tháng 4/2023, 18 tháng sau khi công ty OpenAI của Mỹ phát hành ChatGPT. Mục đích của dự án này là cung cấp cho tất cả người dân Thái Lan, đặc biệt là các kỹ sư và nhà phát triển liên quan đến AI, một không gian hợp lý và các công cụ cần thiết để tạo ra những đổi mới và công nghệ của riêng họ trong lĩnh vực AI.
Cuối cùng, tại Indonesia, Văn phòng Giáo dục Jakarta đã tổ chức một khoá đào tạo về kỹ năng số dành cho hiệu trưởng, giáo viên nhằm thúc đẩy việc sử dụng các công cụ AI có hướng dẫn trong hoạt động học tập của học sinh.
Tác động của công nghệ AI nước ngoài đối với Đông Nam Á
Các quốc gia có nền khoa học công nghệ lâu đời như Mỹ đã phát triển nhiều công nghệ, giải pháp gây tác động lớn đến thế giới như ChatGPT của OpenAI. Các công cụ AI khác như MidJourney hay Dall-E2 đã cho thấy khu vực Đông Nam Á đang tụt hậu trong việc thiết lập những xu hướng trên thế giới.
Nvidia Corporation, một công ty hàng đầu thế giới về điện toán AI, đang phát triển các mô hình LLM tối ưu cho các ngôn ngữ khu vực Đông Nam Á như SeaLLM và SEA-LION.
Vào tháng 12/2023, Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba đã phát hành mô hình LLM khả dụng với một số ngôn ngữ Đông Nam Á. Với tên gọi SeaLLM, mô hình có khả năng xử lý thông tin bằng tiếng Việt, tiếng Indonesia, tiếng Thái, tiếng Mã Lai, tiếng Khmer, tiếng Lào, tiếng Tagalog và tiếng Miến Điện. Mô hình này có khả năng thích ứng với kết cấu văn hóa độc đáo của mỗi thị trường, phù hợp với phong tục, phong cách và khung pháp lý địa phương, được sử dụng làm trợ lý chatbot cho các DN tham gia với các thị trường Đông Nam Á.
Việc ứng dụng các mô hình AI do nước ngoài phát triển tại Đông Nam Á cũng có thể mang lại lợi ích cho hệ sinh thái AI của khu vực. Nó cung cấp các giải pháp tiết kiệm chi phí mà không yêu cầu các công ty khởi nghiệp trong nước bỏ tiền cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển tốn kém. Hơn nữa, các mô hình AI từ nước ngoài có nhiều tính năng tiên tiến. Việc triển khai được đẩy nhanh hơn vì do được xây dựng để tích hợp liền mạch.
Những lợi ích này có thể tăng tốc quá trình áp dụng và triển khai AI, góp phần vào sự tăng trưởng và phát triển của khu vực.
Rủi ro tiềm ẩn khi phụ thuộc vào công nghệ AI của nước ngoài
Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào các công nghệ từ nước ngoài cũng sẽ gây ra những rủi ro cho ASEAN. Việc triển khai các công nghệ này thường có chi phí lớn, đồng thời khiến khu vực này có nguy cơ mất an ninh kỹ thuật số và thiếu sự đổi mới sáng tạo. Mặt khác, do các công nghệ này được phát triển ở nước ngoài nên có thể dẫn tới các hành động phân biệt đối xử, đòi hỏi khu vực phải có đủ nguồn lực và thời gian để giải quyết.
Hơn nữa, nó còn dẫn đến sự phụ thuộc về kinh tế, gây hại cho cơ sở hạ tầng quan trọng và có thể không nắm bắt được các sắc thái địa phương. Tất cả các rủi ro này cần các chính phủ, DN tại Đông Nam Á cân nhắc cẩn thận.
Mặt khác, sự phát triển của AI cũng dẫn tới gia tăng dung lượng lưu trữ dữ liệu. Để giảm thiểu tác động đến môi trường, các trung tâm dữ liệu mới phải tập trung vào tính bền vững, giảm ô nhiễm, loại bỏ chất thải và tự động hóa quy định về năng lượng.
Tương lai của AI ở Đông Nam Á
Các phân tích liên quan cho thấy trong quá trình phát triển AI của thế giới hiện nay, không chỉ Đông Nam Á cần đầu tư vốn và công nghệ từ các nước mạnh về công nghệ như Mỹ và Trung Quốc, mà thế giới cũng cần Đông Nam Á. Giám đốc điều hành Satya Nadella gần đây đã đến thăm Indonesia, Thái Lan và Malaysia và công bố kế hoạch đầu tư và phát triển AI tại đây. Xu hướng này không chỉ là theo quy luật của chu kỳ kinh tế mà còn xuất phát từ lợi ích “nhân hòa” đặc thù của Đông Nam Á.
Dân số ở Đông Nam Á đông và tương đối trẻ nên dễ dàng tiếp thu và học hỏi những kiến thức, kỹ năng tiên tiến như AI. Tình hình chính trị ở Indonesia, Thái Lan và Malaysia ổn định, tạo thuận lợi cho việc triển khai AI lâu dài ở một thị trường mới nổi.
Để giảm thiểu tác động, các công nghệ mới như AI cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với từng quốc gia.
Các chính quyền khu vực cũng phải giải quyết các vấn đề liên qun tới nguy cơ mất an ninh dữ liệu, vi phạm bản quyền, chậm áp dụng và giáo dục công nghệ để đảm bảo tính đổi mới và khả năng cạnh tranh. Các quy định pháp lý cũng phải được đưa ra để tăng cường quản trị công nghệ, đạo đức và thúc đẩy tăng trưởng hệ sinh thái AI
Có thể thấy, công nghệ AI ở Đông Nam Á đang phát triển mạnh mẽ nhờ đầu tư tăng lên, với các quốc gia như Thái Lan và Singapore hiện đang ứng dụng AI trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Ngành công nghiệp này ở ASEAN cũng còn non trẻ hơn so với các ngành khác, nghĩa là có nhiều không gian hơn cho sự đổi mới và tăng trưởng.
Cuối cùng, các bên liên quan cần phải cân bằng giữa việc dựa vào các công nghệ AI của nước ngoài và các sáng kiến AI địa phương để khuyến khích sự đổi mới sáng tạo trong khu vực và giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài/..
Theo techcollectivesea, bloomberg