Hậu Giang: CĐS thực hiện khát vọng phát triển kinh tế vùng

Admin

Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang ký kết hợp tác CĐS với 7 đơn vị CNTT

Trong khuôn khổ Hội thảo xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, Hội thảo Xúc tiến đầu tư và kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công CNTT do Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức vào chiều ngày 15/7, Sở TT&TT tỉnh Hậu Giang đã ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác CĐS tại Hậu Giang với 7 doanh nghiệp (DN) CNTT trong và ngoài tỉnh: Tổng Công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn VNPT, Công ty Base.vn, Công ty RYNAN Technologies Vietnam, Công ty CP MISA, Công ty Next Vision và Trung tâm CNTT Đại học Cần Thơ.

Hậu Giang: CĐS thực hiện khát vọng phát triển kinh tế vùng - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long và lãnh đạo UBND tỉnh Hậu Giang chứng kiến các ký kết hợp tác giữa Sở TT&TT Hậu Giang và các DN CNTT

Theo các thoả thuận hợp tác, các bên sẽ tăng cường hợp tác nhằm hỗ trợ CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số tại địa phương; hợp tác, huy động sự tham gia của các bên nhằm đẩy mạnh CĐS trong các cơ quan, tổ chức, DN và cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2022 - 2025 thông qua việc truyền thông, hỗ trợ, tư vấn, triển khai để các cơ quan, tổ chức và người dân được trải nghiệm, sử dụng các sản phẩm, giải pháp...

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh: "CĐS bao bao gồm: xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Để thực hiện CĐS, cần làm tốt bài toán cung - cầu sản phẩm, dịch vụ về CĐS. Hội thảo Xúc tiến đầu tư và kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT lần này nhằm kết nối chính quyền và DN, kết nối giữa các hiệp hội với các DN trong các lĩnh vực kinh tế. Thời gian qua, phía DN CNTT đã cung cấp nhiều sản phẩm công nghệ cao, chất lượng tốt, nhưng vấn đề đặt ra là nhu cầu sử dụng chưa có. Do đó, hội thảo góp phần giải quyết tốt bài toán về cung - cầu sản phẩm, dịch vụ CNTT".

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, hội thảo còn giúp tìm lời giải, cách làm hay về CĐS. Hậu Giang đang tập trung phát triển nông nghiệp, việc tổ chức hội thảo tại tỉnh cũng góp phần giúp địa phương tìm lời giải, giải quyết bài toán cung - cầu về sản phẩm, dịch vụ CNTT trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đây, để nông sản Hậu Giang không chỉ phục vụ DN, mà còn vươn tầm ra thế giới.

Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày các giải pháp CĐS cụ thể trong lĩnh vực nông nghiệp và quản trị tổ chức, DN. Theo Sở TT&TT Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang hiện có 2.796 DN đang hoạt động trong đó có 97% DN nhỏ và vừa. 100% DN đã CĐS với những nghiệp vụ có liên quan như: thuế, hải quan. Đa phần các DN hiện nay chỉ chú trọng các yếu tố như: sản phẩm, thị trường, tài chính, chiến lược kinh doanh, chưa quan tâm đến việc đẩy mạnh công nghệ. Trong khi CĐS đối với DN có tầm quan trọng rất lớn góp phần giúp DN dễ dàng tiếp cận thị trường, giảm chi phí vận hành, thuận tiện hơn trong điều hành…

Thúc đẩy CĐS phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang

Trước đó, từ ngày 07/7 - 09/7/2022 vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã tổ chức Tuần lễ thúc đẩy CĐS phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang năm 2022.

Tuần lễ gồm các hoạt động nổi bật như: Khu trải nghiệm và trưng bày của 27 gian hàng giới thiệu, trình diễn các giải pháp, ý tưởng, sản phẩm công nghệ đổi mới sáng tạo đến từ các tổ chức, DN, hãng, tập đoàn công nghệ là Hội viên và đối tác của Hội Tin học TP Hồ Chí Minh. Phiên khai mạc và các phiên hội thảo chuyên đề về CĐS trong các lĩnh vực trọng tâm như: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch, đô thị… hướng đến mục tiêu xây dựng và phát triển chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số.

Hậu Giang: CĐS thực hiện khát vọng phát triển kinh tế vùng - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan khu trưng bày những sản phẩm ứng dụng CNTT

Trong khi đó, chương trình Giao lưu sinh viên tỉnh Hậu Giang cập nhật các xu hướng nghề nghiệp, cơ hội việc làm, cung cấp các kiến thức và kỹ năng nền tảng về khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong sinh viên. Còn chương trình tham quan DN tiêu biểu tỉnh Hậu Giang gồm: Kết nối, tư vấn chuyên sâu các giải pháp chuyển đổi số hiệu quả trong công tác vận hành và quản lý DN.

Chuỗi chương trình cộng đồng và nhiều hoạt động bên lề khác tại Tuần lễ thúc đẩy CĐS, như: Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng các công ty, DN trao tặng 30 bộ máy tính cho trường tiểu học; 1 phòng học trải nghiệm sáng tạo - Stem Robotics cho trường THPT; 20 suất học bổng (mỗi suất 1 triệu đồng), 20 balo và dụng cụ học tập, 20 chiếc xe đạp, 5.000 quyển tập, 1.500 khẩu trang vải, 5 chiếc máy tính bảng Lenovo Tab M8 cho học sinh hiếu học, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; 100 máy tính bảng kèm SIM 4G cùng gói data sử dụng 1 năm cho 100 tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh; tặng 600 hộp sữa bột XO cho Bệnh viện Sản Nhi tỉnh và Bệnh viện Đa khoa tỉnh; tặng 1 cây cầu nông thôn trên địa bàn huyện Vị Thủy. Tổng giá trị hỗ trợ các hoạt động cộng đồng lần này là 3,5 tỷ đồng.

Hậu Giang: CĐS thực hiện khát vọng phát triển kinh tế vùng - Ảnh 3.

Ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang trao tặng máy tính bảng kèm SIM 4G cùng gói data sử dụng 1 năm cho Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về những kết quả của Tuần lễ thúc đẩy CĐS phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang, cho biết Tuần lễ đã diễn ra hết sức thành công, thể hiện ở nhiều khía cạnh: hơn 500 đại biểu từ 40 sở, ngành, tại 20 tỉnh, thành phố tham dự các phiên hội thảo của Tuần lễ.

Mỗi phiên hội thảo của Tuần lễ đều thu hút trên 150 đại biểu tham dự, chứng tỏ các nội dung của hội thảo thực sự đúng và trúng kỳ vọng của người nghe; phần thảo luận (talkshow) tại các phiên hội thảo đã trao đổi nhiều nội dung thực tế, là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình CĐS các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, nhà hàng, khách sạn và những điều băn khoăn, lo lắng, mục tiêu của các em sinh viên trong quá trình học tập. Tại các gian hàng triển lãm, nhiều đại biểu đã tham quan và quan tâm rất lớn đến các sản phẩm, dịch vụ CĐS. Các hoạt động cộng đồng (trao tặng phòng học STEAM, học bổng, xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiết bị thông minh và SIM 4G cho tổ công nghệ số cộng đồng…) hết sức sôi nổi, thiết thực.

Trong những thành công kể trên, Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang Lã Hoàng Trung cho biết điểm thành công nhất là nhận thức của các sở, ban ngành, địa phương, tổ chức, DN và người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nhiều kết quả CĐS được minh họa, làm rõ, các giải pháp CĐS được trình bày, trao đổi, thảo luận cụ thể, chi tiết giúp các cơ quan, tổ chức, DN, người dân hiểu rõ và tin tưởng hơn về khả năng mà CĐS có thể mang lại, đồng thời, có những ý tưởng về cách thức, lộ trình thực hiện CĐS cho mình.

Thông qua việc tổ chức thành công Tuần lễ thúc đẩy CĐS phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang cũng khẳng định tiềm năng, khát vọng sử dụng công nghệ số, thực hiện CĐS toàn dân - toàn diện để phát triển kinh tế số, xã hội số, qua đó thu hút các DN công nghệ số đến với Hậu Giang, góp phần cho sự thành công chung của Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022 diễn ra vào ngày 16/7/2022.

Ông Lã Hoàng Trung cũng cho biết thêm thông qua Tuần lễ và Hội thảo Xúc tiến đầu tư và kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công CNTT, Sở TT&TT Hậu Giang sẽ tiếp tục kết nối Hiệp hội DN tỉnh và các huyện/thị xã/thành phố với các DN đã trình bày các giải pháp để triển khai cụ thể, có thể là thí điểm, tại Hậu Giang trong thời gian tới.

Liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long để CĐS

Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định nhiệm vụ: "Tăng cường và đổi mới liên kết vùng, hoàn thiện thể chế, chính sách điều phối phát triển vùng hiệu quả, thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với TP. Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ".

Theo đó, để thúc đẩy liên kết vùng cần đẩy mạnh CĐS. Giám đốc Sở TT&TT Hậu Giang Lã Hoàng Trung chia sẻ: "CĐS là chuyển đổi các ngành, lĩnh vực, đưa các cơ quan, tổ chức, DN, người dân lên môi trường số. Vì vậy, liên kết vùng trong CĐS cần bám sát liên kết của các ngành, lĩnh vực trong vùng".

Theo đó, một số nội dung liên kết vùng về CĐS, ứng dụng công nghệ số cần được nghiên cứu để triển khai, bao gồm: (1) Liên kết xây dựng, sử dụng hạ tầng số (các địa phương có thể sử dụng chung hạ tầng đám mây (cloud), hạ tầng trung tâm dữ liệu thay vì đầu tư riêng rẽ; (2) Liên kết xây dựng ứng dụng, triển khai các nền tảng số (các địa phương có thể chia sẻ để sử dụng chung các ứng dụng, giải pháp CĐS đã thành công trong các lĩnh vực tại một hoặc một số địa phương trong vùng; chia sẻ nền tảng, kinh nghiệm triển khai nền tảng đã thành công tại địa phương mình để nhân rộng tại các địa phương trong vùng…); (3) Liên kết, chia sẻ kinh nghiệm triển khai CĐS nói chung (xây dựng chính sách CĐS; đào tạo nhân lực công nghệ số; triển khai các dự án CĐS…) để đảm bảo sự hợp tác, liên kết vùng là thực chất, hiệu quả, không chồng chéo./.

Theo: https://ictvietnam.vn/