Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0)

Admin
Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh hướng tới việc xác định một tập các thành phần lo-gic và các chức năng của chúng để có thể giúp các đô thị xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô t

Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) được ban hành theo Quyết định số 829/QĐ-BTTTT ngày 31/05/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Khung tham chiếu làm căn cứ cho việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.

Sơ đồ tổng thể Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (Nguồn ảnh: aita.gov.vn)

 

Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh hướng tới việc xác định một tập các thành phần lo-gic và các chức năng của chúng để có thể giúp các đô thị xây dựng Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh cho riêng mình bảo đảm sự đồng bộ trong việc lập kế hoạch, lộ trình thực hiện phát triển đô thị thông minh.

Nguyên tắc chung xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam, bao gồm: Lấy người dân làm trung tâm; bảo đảm năng lực cơ sở hạ tầng thông tin tạo ra hệ sinh thái số đáp ứng nhu cầu phát triển các ứng dụng, dịch vụ đô thị thông minh. Đẩy mạnh dùng chung cơ sở hạ tầng thông tin, khuyến khích dữ liệu mở gồm những dữ liệu có thể hiểu được (được mô tả tường minh), sử dụng và khai thác được bởi tất cả các bên tham gia xây dựng đô thị thông minh. Dữ liệu mở do chính quyền địa phương sở hữu và chia sẻ cho các bên liên quan (nếu cần).

Bên cạnh đó, bảo đảm tính trung lập về công nghệ, chú trọng áp dụng công nghệ ICT phù hợp với đô thị thông minh như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… và có khả năng tương thích với nhiều nền tảng; tận dụng, tối ưu cơ sở hạ tầng ICT sẵn có; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, năng lực ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin, đặc biệt là hạ tầng thông tin trọng yếu; bảo vệ thông tin riêng tư của người dân.

Đồng thời, căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế, địa phương chủ động xây dựng và triển khai Đề án tổng thể xây dựng đô thị thông minh, có tầm nhìn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và Chính phủ, gắn liền với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của mỗi địa phương (nhu cầu quản lý, nhu cầu của người dân, các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức). Việc xây dựng đô thi thông minh phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển bền vững các giá trị văn hóa – kinh tế, xã hội, các giá trị vật chất và phi vật chất của các địa phương.

Việc xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam cũng phải đảm bảo các nguyên tắc chung khác như: ưu tiên các nhiệm vụ có tính chất tổng quát và phục vụ liên ngành bao gồm Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tại địa phương, đảm bảo an toàn thông tin, hạ tầng băng rộng…; sử dụng lại trước khi mua hoặc xây dựng; dữ liệu sẽ được quản lý để bảo đảm tính chính xác, chất lượng của dữ liệu nhằm hỗ trợ ra các quyết định nghiệp vụ đúng đắn; bảo đảm dữ liệu được quản lý, chia sẻ; dữ liệu truy cập được; thí điểm các dịch vụ và ứng dụng mới; sử dụng tiêu chuẩn mở và mã nguồn mở.

Về phạm vi áp dụng, Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh là căn cứ để xây dựng, triển khai: đề án đô thị thông minh, các dự án đầu tư phát triển đô thị thông minh, các kế hoạch thuê dịch vụ đô thị thông minh và kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh của địa phương.

Một số lĩnh vực, dịch vụ ưu tiên phát triển trong đô thị thông minh giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2020 như: Quản lý đô thị thông minh; cấp thoát nước thông minh; thu gom và xử lý rác thải thông minh; lưới điện thông minh, chiếu sáng thông minh; giao thông thông minh; giáo dục thông minh; y tế thông minh;...
Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0): Tại đây

Phúc Huy

Theo SHTT