Đề cập đến chủ đề này, tác giả Shubham Agarwal đã có bài viết trên Bussiness Insider với tiêu đề How to stop the mindless scrolling? (Tạm dịch: Làm thế nào để dừng sử dụng điện thoại một cách vô thức?).
Theo đó, các nhà nghiên cứu nhìn nhận việc nhìn vào điện thoại của chúng ta giống như sử dụng một máy đánh bạc, chúng gây nghiện và "thao túng tâm lý" người dùng. Maria Bridge - Giám đốc điều hành tại Trung tâm Công nghệ Nhân đạo - cho biết: "Nó khai thác các lỗ hổng tâm lý của chúng ta. Giống như những người nghiện ma túy, chúng ta bị thu hút bởi những phần thưởng khác nhau của điện thoại."
"Nghiện" điện thoại di động có nghiêm trọng như các cảnh báo không?
Bài viết cho biết, theo nghiên cứu của một giáo sư Đại học San Diego, việc nghiện sử dụng điện thoại di động có thể dẫn đến trầm cảm, chu kỳ giấc ngủ kém và nguy cơ tự tử cao hơn.
Ngoài ra, việc chúng ta nghiện các thiết bị điện tử không phải là ngẫu nhiên. Các công ty công nghệ đã thiết kế các ứng dụng và thiết bị của họ để bạn dùng nó lâu nhất có thể. Chìa khóa để kích hoạt hành vi gây nghiện này là loại bỏ tiếp xúc giữa người dùng và điện thoại. Mark Zuckerberg đã có câu nói nổi tiếng vào năm 2011 rằng anh ấy muốn mang đến "những trải nghiệm ko tiếp xúc một cách ngẫu nhiên". Cuối cùng sau hơn một thập kỷ , điện thoại thông minh đã đạt được điều đó. Chỉ cần nhấn vào biểu tượng quen thuộc của mạng xã hội hoặc một ứng dụng nào đó là chúng ta sẽ có thể rơi vào trạng thái "không dứt ra được".
Tiến sĩ Anna Lembke, bác sĩ tâm thần, giáo sư tại Đại học Stanford, đồng thời là tác giả của cuốn sách "Dopamine Nation", đã cho biết việc khám phá vai trò của điện thoại thông minh như là "kim tiêm dưới da thời hiện đại cho thế hệ có dây", rằng chúng ta đang "bị bắt làm con tin bởi những liều thuốc kỹ thuật số này".
Tiến sĩ giải thích, điện thoại đang khiến não của chúng ta giải phóng dopamine (một hóa chất hữu cơ có chức năng vừa là hoóc môn vừa là chất dẫn truyền thần kinh) suốt ngày đêm, nên não thích nghi bằng cách giảm sự truyền dẫn dopamine của chính nó đến các dây thần kinh cho chúng ta những tín hiệu như niềm vui và sự hài lòng. Điều này có nghĩa là chúng ta bắt đầu phụ thuộc vào điện thoại để duy trì mức dopamine cơ bản trong tâm trí. Nó khiến chúng ta không thể ngừng sử dụng điện thoại để ngăn không cho bản thân rơi vào trạng thái thiếu hụt.
Những tác động của sự biến đổi dopamine này trong toàn xã hội là rất đáng kể. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng thanh thiếu niên dành 7 giờ trở lên mỗi ngày trên màn hình điện thoại có khả năng cao mắc chứng trầm cảm hoặc lo lắng cao gấp đôi so với những người chỉ sử dụng chúng một giờ mỗi ngày. Tương tự như vậy, những người trưởng thành dành 6 giờ trở lên trước màn hình có nguy cơ trầm cảm cao hơn.
Đáng nói là, mặc dù hầu hết chúng ta hiểu được những tác hại xấu của việc sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài nhưng lại không thể bỏ nó. Cho dù đó là một thông báo email khẩn cấp hay chỉ là nhu cầu cập nhật các thông tin trên mạng xã hội, chúng ta luôn tìm thấy lý do để rút điện thoại ra dùng.
Liều thuốc kỹ thuật số
Trong vài năm qua, khi các nhà nghiên cứu cảnh báo về những tác động tiêu cực của việc lạm dụng điện thoại thông minh, chính những công ty đã tạo tiền đề cho sự phụ thuộc của chúng ta - Apple, Google, Facebook, TikTok... - đã cố gắng đảm nhận vai trò của các nhà trị liệu cai nghiện điện thoại. Họ đã phát minh ra các công cụ để theo dõi và giới hạn thời gian sử dụng thiết bị, giúp cha mẹ kiểm soát việc sử dụng điện thoại thông minh của con cái họ dễ dàng hơn và đặt ra ranh giới về những người có thể liên hệ với bạn trong giờ nghỉ của bạn.
Tuy nhiên, các phần mềm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe của các công ty công nghệ không bao giờ là cố định và khi chúng xuất hiện (ví dụ như cảnh báo của Instagram rằng bạn đã xem hết các bài viết trên bảng tin) luôn dễ dàng bị phớt lờ và người dùng tiếp tục lướt qua. Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thứ như giới hạn ứng dụng chỉ đo thời gian sử dụng thiết bị mà sẽ không thay đổi được thói quen sử dụng.
Sandy Gould - giảng viên về khoa học máy tính tại Đại học Cardiff - đã nghiên cứu các cách để hạn chế xu hướng nghiện điện thoại. Theo bà, chúng ta không ý thức được hành động của mình, không nghĩ nhiều về những hậu quả tiêu cực khi suốt ngày "ôm" điện thoại. Vì thế, hãy thay đổi cách tiếp cận vấn đề với câu hỏi: "Vì sao tôi cần/ phải mở ứng dụng này?".
Nhiều nhà nghiên cứu khác cũng đồng tình với quan điểm này. Theo họ, việc đánh giá lại các thói quen hiện tại có thể cải thiện thói quen sử dụng mạng xã hội tốt hơn, phù hợp hơn với sức khỏe hơn.
Những "gờ giảm tốc" trên không gian mạng
Nhiều công ty đang cố gắng giới thiệu "gờ giảm tốc" để làm chậm tốc độ chúng tôi hoạt động trực tuyến. Chẳng hạn, khi Twitter bổ sung thêm một bước để chuyển tiếp các tweet có liên kết, công ty cho biết thêm 40% người dùng đã đọc chúng trước khi chia sẻ. Tương tự như vậy, các cơ chế đơn giản như cơ chế mà Twitter triển khai đã được phát hiện là có hiệu quả trong việc ngăn chặn "làn sóng" thông tin sai lệch trên mạng.
Nhưng thông thường, các công ty công nghệ có rất ít động lực để thực hiện những thay đổi này — đặc biệt là không đến mức khiến mọi người ngừng sử dụng ứng dụng của họ hoàn toàn. Bridge tin rằng việc điều chỉnh nền kinh tế chú ý trị giá hàng nghìn tỷ đô la đang "đánh cắp tâm trí của chúng ta, đặt lợi nhuận lên trên con người."
Và có một số lo ngại rằng công nghệ bổ sung chỉ có thể hạn chế một phần cơn nghiện của chúng ta. Mặc dù một ứng dụng có thể giúp ta thoát khỏi thói quen sử dụng trong vô thức, nhưng nó không hoàn toàn khiến người dùng rời khỏi điện thoại.
Tóm lại, mọi người sẽ cần phải "thoát ly" khỏi điện thoại hoàn toàn thay vì sử dụng các mánh khóe. Đó là cách tuy khó khăn nhưng sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn và lấy lại khoảng thời gian đã mất vì các thiết bị công nghệ
Tại một thời điểm nào đó, chúng ta cần tách khỏi những chiếc điện thoại, máy tính bảng... để cho bộ não được nghỉ ngơi và phục hồi. Vấn đề không chỉ là những gì chúng ta đang làm trên điện thoại, mà còn là khoảng thời gian mà ta dành để nhìn ngắm, cầm nắm, vuốt ve chúng (như thể đó là các thực thể sống và ta là người chăm sóc)...