SIM rác, SIM kích hoạt sẵn vẫn ngang nhiên được mua bán công khai

Bùi Huyền
SIM rác vẫn còn tồn tại, tuy nhiên, số lượng SIM rác trên thị trường đã giảm mạnh trước những chỉ đạo mạnh mẽ và quyết liệt của Bộ TT&TT.

Dù liên tục được cơ quan chức năng rà soát, xử lý, tình trạng mua bán SIM rác, SIM kích hoạt sẵn vẫn diễn ra công khai và ngày càng phức tạp, gây nhiều hệ lụy cho xã hội. Thực trạng này đã được nhiều địa phương ghi nhận và chia sẻ.

Hà Nội hiện có khoảng 10,5 triệu thuê bao di động, với tổng số 2.292 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông. Chia sẻ về thực trạng quản lý trên địa bàn, ông Trần Xuân Phúc, Chánh thanh tra Sở TT&TT Hà Nội, cho hay tình trạng kinh doanh, mua bán SIM rác (đã đăng ký thông tin, kích hoạt trước dịch vụ) và cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng tinh vi hơn.

Trong khoảng thời gian từ tháng 9-10 vừa qua, Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra về thuê bao di động. “Qua kiểm tra, chúng tôi phát hiện một số nhà mạng, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có thông tin hồ sơ của khách hàng không đúng. Tình trạng này vẫn còn phổ biến”, Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội nói.

Theo ông Phúc, không chỉ vẫn còn trên thị trường, cá biệt còn có một số hội nhóm trên mạng xã hội trao đổi, mua bán số lượng lớn SIM rác để phục vụ việc phát tán tin nhắn rác.

Hiện tượng này khá phổ biến. Trên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội có rất nhiều các hội nhóm buôn bán công khai với số lượng SIM lớn”, ông Phúc nói.

W-dai-ly-sim-rac-1-2.jpg Một điểm bán SIM kích hoạt sẵn từng được VietNamNet ghi nhận tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Đạt

Để giải quyết vấn đề này, theo Chánh Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội, cần tăng cường quản lý thông tin thuê bao di động, xử lý các SIM rác còn tồn trên kênh phân phối của các doanh nghiệp viễn thông. Bên cạnh đó, các nhà mạng cần tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin đối với SIM có dấu hiệu thông tin không chính xác.

Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Hà Nội mà còn diễn ra tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Tại Nghệ An, bà Nguyễn Nữ Lan Oanh, Chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh này, cho biết qua kiểm tra thực tế, tại địa phương vẫn còn thuê bao đăng ký không trùng khớp thông tin, thuê bao không chính chủ, nhất là với các mạng ảo (MVNO).

Theo bà Oanh, việc còn tồn tại SIM rác là một trong những lý do dẫn đến tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo. Trước thực tế vẫn còn một lượng lớn SIM nằm trên các kênh phân phối, đại lý, Chánh Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Nghệ An cho rằng, rất có thể từ đây sẽ có SIM rác tuồn ra ngoài thị trường, do vậy, rất cần thiết có chế tài xử lý.

W-sim-rac-t10-2023-2-1.jpg Dù đã giảm mạnh so với trước kia, trên thực tế thị trường vẫn còn tồn tại SIM rác. Ảnh: Trọng Đạt

Tại Bắc Giang, tình trạng SIM rác cũng diễn ra với chiều hướng tương tự như ở các tỉnh thành khác.

Trong tháng 10/2024, Sở TT&TT Bắc Giang đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05, Công an tỉnh Bắc Giang) triển khai kiểm tra đột xuất một điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn. Đoàn kiểm tra đã phát hiện và xử lý 1.700 SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn.

“Nhiều khi chúng tôi phối hợp với công an cho người đi mua SIM, nhưng toàn kích hoạt từ ở đâu mang đến. Mặc dù có thể truy ra được nhưng rất mất thời gian”, Chánh thanh tra Sở TT&TT Bắc Giang Lê Hồng Việt chia sẻ.

Theo Chánh thanh tra Sở TT&TT Bắc Giang, qua rà soát, đơn vị này nhận thấy việc mua bán SIM rác còn diễn ra công khai trên môi trường mạng. Thậm chí, có trang web tên miền ".com.vn" rao bán SIM rác giá rẻ, dịch vụ quảng cáo, tin nhắn. Tình trạng này cũng diễn ra phức tạp trên các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada. Trước thực trạng trên, Thanh tra Sở TT&TT đề xuất cần có biện pháp rà soát xử lý việc bán SIM rác trên mạng.

Dù tình trạng SIM rác vẫn còn tồn tại, tuy nhiên, số lượng SIM rác trên thị trường đã giảm mạnh trong vòng 5 năm qua, trước những chỉ đạo rất mạnh mẽ và quyết liệt của Bộ TT&TT. 

Trên thực tế, từ ngày 15/4/2024 nhà mạng đã cắt toàn bộ SIM có thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu dân cư. Bộ TT&TT cũng đã chỉ đạo rất mạnh mẽ các nhà mạng giải quyết vấn đề này với hàng chục triệu SIM rác đã bị xử lý.

Nếu phát hiện SIM rác, SIM không chính chủ, Bộ TT&TT sẽ yêu cầu nhà mạng ngừng kinh doanh phát triển thuê bao mới. Đây là một hình thức xử lý rất nặng đối với các nhà mạng, thể hiện quyết tâm cao của Bộ TT&TT trong vấn đề xử lý SIM rác, SIM kích hoạt sẵn.