Thủ tướng: Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người

Bùi Huyền
Nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ rõ: Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người.

Chuyển đổi số được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng

Chiều ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu tại trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu của các bộ, ngành, địa phương. (Ảnh: Phạm Hải)

Theo Chinhphu.vn, hội nghị còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Tổ phó Tổ công tác Đề án 06; các thành viên Ủy ban quốc gia và Tổ công tác triển khai Đề án 06, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng đại diện một số doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, đồng thời là công việc mới, khó, nhạy cảm. “Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị chiều ngày 12/7. (Ảnh: Phạm Hải)

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, nhiệm vụ chuyển đổi số đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách.

Người đứng đầu Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số cũng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình, kết quả đạt được trên tinh thần khách quan, trung thực, có minh chứng bằng số liệu cụ thể, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn.

Đồng thời, phát hiện đúng các nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, cũng như trong dài hạn.

“Trong 6 tháng cuối năm, phải làm tốt hơn 6 tháng đầu năm và năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, Thủ tướng yêu cầu.

Đưa chuyển đổi số Việt Nam bước vào giai đoạn “tăng tốc”

Báo cáo của Bộ TT&TT chỉ rõ, nửa đầu năm nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đồng chí lãnh đạo tham quan triển lãm mô hình, sản phẩm ứng dụng triển khai Đề án 06 diễn ra ngay trước hội nghị. (Ảnh: Phạm Hải)

 Một trong những kết quả nổi bật 6 tháng đầu năm nay là việc Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được ban hành. Có hiệu lực thi hành từ tháng 7/2024, với 6 chính sách mới đáng chú ý, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi không chỉ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho chuyển đổi số, mà còn cung cấp thêm công cụ quản lý và mở ra phương thức quản lý mới trong hoạt động chuyển đổi số. Từ đó, góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số Việt Nam bước vào giai đoạn “tăng tốc” có tính quyết định đến kết quả chuyển đổi số cả giai đoạn 2021-2025.

Năm 2023 đã được xác định là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trong đó tập trung vào số hóa, làm giàu và kết nối dữ liệu; tăng cường bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Một kết quả nổi bật khác được Bộ TT&TT, với vai trò là cơ quan thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận trong nửa đầu năm nay là việc tổ chức tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu về dân cư và cán bộ, công chức, viên chức trên quy mô quốc gia.

Đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về Dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư.

Việc khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang lại nhiều lợi ích, như giúp tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; hạn chế việc di chuyển; hạn chế việc phải kiểm tra xác minh mà sử dụng dữ liệu của các bộ, ngành để xác thực, xác minh thông tin trên giấy tờ tùy thân; tinh gọn cán bộ, công chức bộ phận tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”... Theo ước tính, việc này đã giúp tiết kiệm cho xã hội hàng nghìn tỷ đồng.

Về tạo lập, kết nối, chia sẻ dữ liệu về cán bộ, công chức, viên chức trên quy mô quốc gia, đến cuối tháng 6/2023, đã có 96 bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối và đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức được triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với tiến độ “thần tốc”, so với thời gian để các cơ sở dữ liệu quốc gia trước đó đạt mức độ bao phủ tương tự.

“Đây là kết quả thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự “quyết tâm”, quyết liệt của Bộ Nội vụ; kết hợp sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành, địa phương; năng lực triển khai hệ thống lớn của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam”, Bộ TT&TT đánh giá.

Bộ TT&TT cũng chỉ ra các kết quả nổi bật khác trong chuyển đổi số thời gian qua như bố trí nguồn kinh phí chi cho chuyển đổi số, tăng tốc chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhỏ và vừa… Cùng với đó, đã xuất hiện nhiều điểm sáng, mô hình hay như việc xây dựng nhận thức số, đào tạo nhân lực số tại Đà Nẵng; xây dựng hạ tầng số tại Quảng Ninh; thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến với chiến dịch 92 ngày đêm tại Bình Phước; triển khai "trợ lý ảo" trong ngành tòa án…

Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được, các việc chưa tốt và bài học kinh nghiệm trên các vấn đề của 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số cũng như những tồn tại, hạn chế của công tác chuyển đổi số thời gian qua, Bộ TT&TT đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung tròng nửa cuối năm 2023.

“Năm 2023 là năm bản lề, đánh dấu nửa chặng đường thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025. Có được một năm 2023 thành công sẽ quyết định kết quả của cả giai đoạn 2021-2025”, báo cáo của Bộ TT&TT nêu rõ.