TP. HCM tập trung 3 nhóm dữ liệu tăng hiệu quả hoạt động

Admin
Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) đang tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số. Để đạt mục tiêu này, một trong nhữ

 

(Ảnh: vietnam.vnanet.vn)

Từ yêu cầu thực tế đó, TP. HCM đã và đang tăng tốc số hóa dữ liệu, phục vụ công tác quản lý Nhà nước và quan trọng hơn là nhằm nâng chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).

Xây dựng Chiến lược Quản trị dữ liệu của TP. HCM

Năm 2022, TP. HCM nỗ lực thực hiện CĐS một cách toàn diện, đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, chính quyền số (CQS); thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các CSDL lớn, đặc biệt là dữ liệu về dân cư, quy hoạch, y tế, giáo dục, bảo hiểm, DN, đất đai, nhà ở… phục vụ hoạt động, vận hành công tác quản trị TP và đời sống nhân dân.

TP. HCM cũng xác định tầm nhìn, mục tiêu CĐS đến năm 2030 sẽ trở thành ĐTTM với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động bộ máy CQS, DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, số hồ sơ giải quyết dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên, tối thiếu 90% người dân và DN hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính. Thông tin của người dân, DN được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm Dữ liệu TP.

Trên thực tế, để phát triển được cả 3 trụ cột CQS, kinh tế số, xã hội số thì hạ tầng dữ liệu, bên cạnh việc là một yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế số, mở ra nền kinh tế dữ liệu, nó còn đóng vai trò quan trọng phục vụ cho việc phát triển xã hội số và đồng thời là hạ tầng thiết yếu để phát triển CQS. Nói cách khác, dữ liệu không còn chỉ được nhìn nhận như một loại tài nguyên hay nhiên liệu nữa, mà dữ liệu đã được khẳng định là hạ tầng số, là yếu tố không thể thiếu để từ đó xây dựng nên các trụ cột của quá trình CĐS.

Chia sẻ tại Hội thảo "Xây dựng tầm nhìn chiến lược dữ liệu của TP" do Sở TT&TT TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức mới đây, ông Tan Kim Leng, chuyên gia WB khẳng định ba CSDL quan trọng của một đất nước bao gồm: quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý dữ liệu quốc gia về đất đai; quản lý dữ liệu quốc gia về tổ chức. Trong đó, dữ liệu dân cư là nguồn lực quan trọng nhất, bởi con người là nhân tố tạo ra của cải và tài sản.

Nhằm phát huy tối đa vai trò của dữ liệu đáp ứng nhu cầu thực tế, Sở TT&TT TP.HCM đang phối hợp với WB xây dựng Chiến lược Quản trị dữ liệu của TP. Theo đó, chiến lược sẽ xác định tầm nhìn, các mục tiêu cụ thể, lĩnh vực ưu tiên, lộ trình, kế hoạch triển khai các dự án, hạng mục số hóa, tạo lập và khai thác dữ liệu phục vụ nhu cầu quản trị của TP.

Theo ông Tan Kim Leng phạm vi của chiến lược quản trị dữ liệu gồm cung cấp các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nhóm công tác quản trị dữ liệu của TP. HCM áp dụng phương pháp quản lý dữ liệu tổng thể; hỗ trợ xây dựng và áp dụng một khung kiến trúc dữ liệu cho toàn bộ chính quyền TP.

Bà Võ Thị Trung Trinh, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM, cho biết hiện nay, Sở TT&TT và WB đã phối hợp hoàn thành công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng dữ liệu, nhu cầu sử dụng dữ liệu của các cơ quan Nhà nước (CQNN) TP. Cụ thể, tập trung vào ba nhóm dữ liệu: không gian phục vụ quản lý, quy hoạch phát triển đô thị; liên quan đến thông tin của người dân; phát triển kinh tế, tài chính.

TP cũng chủ động lắng nghe, ghi nhận các yêu cầu, kỳ vọng về sử dụng dữ liệu phục vụ công tác quản trị của lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, các hiệp hội, DN Nhà nước. Qua đó, có thể hoàn thiện chiến lược quản trị dữ liệu, xác định đúng mức độ ưu tiên, xây dựng được lộ trình, kế hoạch triển khai các hạng mục, dự án về tạo lập và khai thác dữ liệu phù hợp, phục vụ hiệu quả cho quá trình CĐS của TP.

Trước đó, ngày 17/8, TP. HCM cũng công bố nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường (TN&MT) nhằm phục vụ các CQNN, người dân và DN. Nền tảng chia sẻ dữ liệu TN-MT với dữ liệu không gian địa lý cho gần 450 tập dữ liệu thông qua các giao tiếp mở, chuẩn quốc tế và theo quy định của Nhà nước…

TP.HCM nâng cao hiệu quả hoạt động với chiến lược quản trị dữ liệu - Ảnh 1.

Lễ công bố nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường.

Nền tảng chia sẻ dữ liệu TN&MT đã đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của Nghị định số 73/2017/NĐ-CP và Quyết định số 37/2018/QĐUBND về việc thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu TN&MT trên địa bàn. Đồng thời, đây là một trong những nền tảng số đáp ứng CĐS trong ngành TN&MT nói riêng và Chương trình CĐS của TP. HCM nói chung.

Thông qua nền tảng này, các tổ chức cá nhân có thể hiểu rõ được dữ liệu và cách thức tiếp cận để tạo ra các ứng dụng phục vụ lợi ích cộng đồng trên nhiều nền tảng thiết bị khác nhau, như: điện thoại thông minh, máy tính cá nhân và nền tảng web mà không cần phải làm lại dữ liệu từ đầu nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng giá trị dữ liệu.

Với nền tảng này, các dữ liệu TN&MT, đặc biệt là dữ liệu không gian địa lý, sẽ được các CQNN, DN và cá nhân dễ dàng tiếp cận để khai thác, sử dụng và có thể tích hợp, phát triển với các ứng dụng trên nhiều nền tảng công nghệ khác nhau nhằm tiến tới mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, DN và phát huy giá trị gia tăng của dữ liệu, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng TP ngày càng thông minh và hiện đại hơn.

Với vai trò và lợi ích của nguồn dữ liệu phong phú, việc quản trị và sử dụng hiệu quả các CSDL sẽ góp phần hoàn thành công cuộc CĐS của TP và đề án xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM.

TP.HCM nâng cao hiệu quả hoạt động với chiến lược quản trị dữ liệu - Ảnh 2.

Người dân, DN tham quan không gian sáng tạo và trải nghiệm CĐS TP. HCM. (Ảnh: hcmcpv.org.vn)

Tiếp tục đẩy mạnh công tác CĐS và xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác CĐS và xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM, mới đây, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên đã ký ban hành Chỉ thị 17-CT/TU.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội TP quán triệt, nâng cao nhận thức, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ CĐS, xây dựng CQS, tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các dữ liệu để phục vụ công tác phòng, chống dịch, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và quản trị TP theo hướng hiện đại; thực hiện CĐS mạnh mẽ trên các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế số, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế số đóng góp khoảng 25% tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TP.

Chỉ thị 17 cũng nêu rõ lãnh đạo HĐND TP chủ động, sáng tạo, có giải pháp CĐS phù hợp, hiệu quả các hoạt động của HĐND TP, đồng thời quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý cho CĐS; Phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP, các tổ chức chính trị xã hội TP xây dựng kế hoạch giám sát việc thực hiện Chương trình CĐS và Đề án xây dựng TP.HCM trở thành ĐTTM. Cùng với đó là giám sát vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng UBND TP. HCM chỉ đạo từng đơn vị, cơ quan trong toàn hệ thống đề ra chương trình hành động cụ thể, định lượng thời gian thực hiện với tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, quyết tâm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác CĐS và xây dựng TP. HCM thành ĐTTM.

Đặc biệt, tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên các lĩnh vực gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong xây dựng CQS, kinh tế số, xã hội số; Thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu, nhất là dữ liệu dân cư, quy hoạch, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, bảo hiểm, DN, đất đai, nhà ở...; Bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các CQNN, cung cấp các tiện ích, DVCTT nhanh chóng, thuận tiện, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và DN.

Ngoài ra, Chỉ thị cũng nêu rõ, Đảng ủy Công an TP chỉ đạo Công an TP triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo Đề án "Phát triển ứng dụng, dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030". Đồng thời, phối hợp với Sở TT&TT cùng các cơ quan liên quan tạo lập, tích hợp và khai thác hiệu quả các CSDL, cung cấp ngày càng nhiều tiện ích nghiệp vụ ngành công an như tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, khai báo tạm trú, tạm vắng và cung cấp các tiện ích cho người dân như định danh, xác thực người dân, dịch vụ ngân hàng, mua sắm, thanh toán, giáo dục, y tế, di chuyên nội địa, dịch vụ tiện ích cho nhóm đối tượng yếu thế.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng khác được Chỉ thị đặt ra là tăng cường chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức và Chủ tịch UBND các quận, huyện ký kết chương trình phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn TP để vận động từng hộ dân, DN và đơn vị sự nghiệp thực hiện 3 trụ cột của chương trình CĐS là xây dựng CQS, phát triển kinh tế số và xã hội số; giám sát, đánh giá và công nhận chỉ số CĐS của từng địa bàn tại TP.

Đặc biệt, Chỉ thị cũng nêu rõ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong môi trường số, trước hết là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu, ban hành các quy định, chính sách hiện hành nhằm nâng cao năng lực quản lý của các cấp chính quyền theo kịp thực tiễn quá trình CĐS. 

Cùng với đó là, có giải pháp thúc đẩy, khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân và DN thực hiện CĐS, tham gia xây dựng CQS, phát triển kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích các DN, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực thông tin, truyền thông, khoa học công nghệ tích cực đầu tư, tham gia vào quá trình CĐS, cung cấp dịch vụ số thiết yếu.../.

Phúc Huy