Từ thiện online, công khai minh bạch với ứng dụng 'Thiện nguyện'

Admin
Với các tính năng như tự động sao kê và hỗ trợ quản lý dòng tiền ra vào tài khoản, "Thiện nguyện" - ứng dụng mạng xã hội làm từ thiện đầu tiên tại Việt Nam từ ngân hàng MB Bank đang giúp

Trước ảnh hưởng kéo dài của đại dịch kèm theo hậu quả của các trận thiên tai, bão lũ trong thời gian qua, đã có rất nhiều hoạt động từ thiện được phát động trong toàn dân với sự kêu gọi từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, việc hàng loạt các nghệ sĩ và một vài tổ chức thiện nguyện bị đặt ra nghi vấn "ăn chặn" tiền kêu gọi từ thiện khiến các mạnh thường quân ở cả trong và ngoài nước nhận thức được việc cần thiết về tính minh bạch trong hoạt động này.

Nắm bắt được tinh thần này, vào đầu tháng 10 vừa qua, ngân hàng MBBank đã cho ra mắt  Giải pháp công nghệ tích hợp Thiện nguyện gồm 3 cấu phần: Tài khoản ngân hàng thiện nguyện, ứng dụng Thiện Nguyện và website https://thiennguyen.app.

Thông qua giải pháp này, MBBank tạo ra một môi trường từ thiện online trong đó, những người gây quỹ và những người ủng hộ có thể kết nối trực tiếp, kết nối thường xuyên, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả các chiến dịch giúp đỡ cộng đồng. 

Với giải pháp mới từ ngân hàng MBBank, người gây quỹ có thể dễ dàng mở “Tài khoản thiện nguyện” - Tài khoản thanh toán VND do Ngân hàng TMCP Quân Đội phát hành miễn phí dành riêng cho cá nhân, câu lạc bộ gây quỹ vì mục đích thiện nguyện.

Tài khoản này được khách hàng tùy chọn gồm 4 số dễ nhớ, mở dễ dàng trên nền tảng trực tuyến; đặc biệt, được tích hợp tính năng tự động công khai, minh bạch số dư tài khoản và toàn bộ giao dịch theo thời gian thực tế.

Khi sử dụng ứng dụng hoặc website Thiện nguyện, khách hàng là người ủng hộ có thể chủ động theo dõi mọi nguồn thu chi theo ngày, dưới dạng biểu đồ giao dịch của tài khoản gây quỹ.

Đồng thời cá nhân, câu lạc bộ gây quỹ trên Thiện nguyện cũng dễ dàng kêu gọi ủng hộ, cung cấp thông tin mà không cần sử dụng tài khoản ngân hàng cá nhân. Tất cả đều được thực hiện một cách tự động, minh bạch và nhanh chóng nhờ số hóa tối đa.

Điều này góp phần thúc đẩy các công tác thiện nguyện minh bạch, tạo dựng niềm tin, sự ủng hộ của xã hội đối với các hoạt động từ thiện kêu gọi và phân phối các khoản quyên góp từ cộng đồng.

Chia sẻ về ứng dụng Thiện Nguyện, đại diện Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) cho biết: “MBBank tin tưởng rằng ứng dụng này sẽ trở thành nền tảng đáng tin cậy của mọi chiến dịch thiện nguyện trong thời gian tới, nhằm kịp thời chia sẻ và giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trên cả nước trong và sau dịch Covid-19”.

 

Trước nhiều lùm xùm liên quan tới cá nhân kêu gọi từ thiện, ngày 27/10/2021, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định 93/2021/NĐ-CP về việc vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện, hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự số, hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Theo nội dung từ Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, các quy định mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 11/12.

Nghị định 93/2021/NĐ-CP nêu rõ các quy định về việc cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước.

Theo đó, các quy định mà các cá nhân khi tiến hành vận động, kêu gọi từ thiện cần chấp hành bao gồm:

Cá nhân phải mở tài khoản riêng để tiếp nhận tiền đóng góp theo từng cuộc vận động

Về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện, Nghị định nêu rõ: Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Phối hợp với UBND nơi tiếp nhận hỗ trợ để phân phối nguồn đóng góp tự nguyện

Căn cứ nguồn đóng góp tự nguyện của từng cuộc vận động, tiếp nhận, cá nhân có trách nhiệm thông báo với Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã theo phân cấp; trường hợp cần thiết, liên hệ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể) để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết tại khoản 1 Điều 17 và quy định tại Nghị định này, kể cả đối với những khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có).

Chậm nhất trong 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân nơi tiếp nhận hỗ trợ chủ trì, phối hợp với Ban Vận động cùng cấp (nếu có) hướng dẫn cá nhân về phạm vi, đối tượng, mức hỗ trợ, thời gian thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện và tạo điều kiện, đảm bảo an toàn cho hoạt động hỗ trợ; cử lực lượng phối hợp tham gia phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khi cần thiết hoặc theo đề nghị của cá nhân.

Khuyến khích cá nhân chi từ nguồn đóng góp tự nguyện theo các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định này (hỗ trợ cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; chi phí mai táng cho gia đình có người chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân, hộ gia đình bị khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng; hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân;...), trừ trường hợp thực hiện theo cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp.

Cá nhân vận động có trách nhiệm thống nhất với tổ chức, cá nhân đóng góp để có phương án phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện còn dư hoặc chuyển cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp để thực hiện các chính sách an sinh xã hội bảo đảm phù hợp với mục tiêu đã cam kết với tổ chức, cá nhân đóng góp. Việc tiếp tục phân phối, sử dụng để khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước được thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Công khai kết quả tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trên phương tiện truyền thông

Nghị định cũng quy định cụ thể về quản lý tài chính, công khai nguồn đóng góp tự nguyện. Cụ thể, chi phí cho hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân đứng ra vận động tự chi trả. Trường hợp được các tổ chức, cá nhân đóng góp đồng ý thì cá nhân được chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, nhưng phải tổng hợp và công khai khoản chi phí này.

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố không tổng hợp vào ngân sách nhà nước. Trường hợp hỗ trợ sửa chữa, xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, mua sắm trang thiết bị, các tổ chức, cơ quan, đơn vị tiếp nhận, phân phối, sử dụng thực hiện quản lý tài chính theo quy định; trường hợp hỗ trợ tài sản cụ thể là công trình hạ tầng thiết yếu, trang thiết bị từ nguồn đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để hỗ trợ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thì thực hiện tiếp nhận, xác định giá trị và quản lý tài sản theo quy định.

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm mở sổ ghi chép đầy đủ thông tin về kết quả tiếp nhận, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện theo đối tượng, địa bàn được hỗ trợ, bao gồm những khoản tiếp nhận có điều kiện, địa chỉ cụ thể (nếu có), thực hiện công khai theo các nội dung quy định trên các phương tiện truyền thông và gửi kết quả bằng văn bản tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú để niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan trong 30 ngày. Thời điểm công khai thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định này.

Cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố có trách nhiệm cung cấp thông tin theo yêu cầu của các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Nội dung nghị định cũng yêu cầu cá nhân kêu gọi từ thiện phải công khai văn bản về việc tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện ngay sau khi ban hành, đồng thời, các thông tin liên quan tới thời gian, địa điểm, cách thức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện cũng cần được công khai trước từ 01 đến 03 ngày bắt đầu tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, cá nhân vận động từ thiện cũng có trách nhiệm công khai tổng số tiền, hiện vật đã vận động, tiếp nhận chậm nhất sau 15 ngày kể từ khi kết thúc thời gian tiếp nhận; công khai tổng số tiền, hiện vật đã phân phối, sử dụng chậm nhất sau 30 ngày kể từ khi kết thúc thời gian phân phối, sử dụng.

Các đối tượng hỗ trợ, chính sách hỗ trợ và mức hỗ trợ cũng cần phải được công khai rõ ràng ngay từ khi bắt đầu thực hiện hỗ trợ, phân phối tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.

 

Thái An

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo