Viện Nghiên cứu Phát triển Lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) phối hợp với Viện Malik, Thụy Sỹ, tổ chức Hội thảo: "Vượt bão: Từ chiến lược đến hành động", nhằm tìm ra cách thức định vị, thực thi chiến lược nhanh và hiệu quả nhất trong cơn bão khủng hoảng.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hải cho biết, “siêu bão” thiếu thanh khoản đang hoành hành và đe dọa sự tồn tại của nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Do vậy, việc tìm ra cách thức định vị và thực thi chiến lược nhanh và hiệu quả nhất để vượt qua các thách thức do “siêu bão” gây ra và phát triển bền vững đang được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp rất quan tâm.
Đặc biệt trong bối cảnh, sự tiến bộ công nghệ, nhất là công nghệ kết nối đang tạo ra các áp lực thay thế trực tiếp đối với các mô hình kinh doanh hiện tại, kể cả những mô hình đã và đang đem lại thành công vượt bậc.
"Hội thảo lần này được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ bức tranh khủng hoảng của Thế giới và Việt Nam cũng như tìm ra cách thức định vị và thực thi chiến lược nhanh và hiệu quả nhất trong bối cảnh môi trường kinh doanh biến động không ngừng và khó đoán định", PGS. TS Hoàng Văn Hải nhấn mạnh.
Tại Hội thảo “Vượt bão: Từ chiến lực đến hành động” do Viện Nghiên cứu Phát triển lãnh đạo Chiến lược (SLEADER) phối hợp với Viện Malik, Thụy Sỹ tổ chức mới đây, TS Dương Thu, Viện trưởng SLEADER cho rằng: Trong bối cảnh môi trường kinh doanh biến động không ngừng và khó đoán định, doanh nghiệp muốn tồn tại qua mọi thách thức và “bão tố” thì vấn đề của khách hàng cần phải được ưu tiên giải quyết - là yếu tố trung tâm của bản đồ chiến lược kiểu mới.
“Chiến lược đòi hỏi hành động hướng vào khách hàng và tìm ra các giải pháp tốt hơn các giải pháp đang tồn tại. Chiến lược phải được cập nhật liên tục, hàng năm, khác với trước đây là chỉ xây dựng và làm theo lộ trình đặt ra từ 5 - 10 năm. Nhanh phải là ưu tiên số 1”, TS Dương Thu khẳng định.
Chia sẻ trực tuyến từ xa, Giáo sư Fredmund Malik - Chủ tịch Viện Malik, Thụy Sỹ cho rằng: Chiến lược nghĩa là phải hành động đúng dù không biết sắp tới điều gì sẽ xảy ra!
Điều đó đã được chứng minh khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2000 và năm 2008 thực sự đã diễn ra như những gì Giáo sư Fredmund Malik dự đoán từ năm 1997. Việc dự đoán trước cũng như chuẩn bị sẵn sàng cho sự sụp đổ của hệ thống tài chính từng được cho là tốt nhất thế giới, điều chưa từng có tiền lệ, do vậy, GS. Fredmund Malik đã tư vấn, giúp cho các doanh nghiệp như: Tập đoàn Volkswagen, Tập đoàn tài chính bảo hiểm Allianz, Tập đoàn Daimler, Tập đoàn BMW… tăng trưởng ngay cả trong nghịch cảnh.
Giáo sư Fredmund Malik là người đã phát kiến ra một công nghệ cho phép đồng tâm hợp trí (Syntegration®) của nhiều người cùng lúc để đưa ra các giải pháp sáng tạo, khả thi một cách nhanh nhất, vượt lên mọi phương pháp thông thường nhờ tính hiệu quả. Công nghệ này đã được mang tên ông và đăng ký sở hữu trí tuệ ở châu Âu và trên toàn thế giới.
Trao đổi với GS. Malik, một số doanh nghiệp đã cho biết về những khó khăn mà họ thường gặp trong quá trình thực thi chiến lược. Điển hình là sự mâu thuẫn giữa những mục tiêu đặt ra, sự thiếu hụt nguồn lực hay sự phản kháng từ văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, bằng cách đổi mới tư duy cùng những phương pháp tiếp cận phù hợp, các rào cản đó hoàn toàn có thể vượt qua.
Chia sẻ về kinh nghiệm và thực tiễn “vượt bão” bằng các chiến lược “kiểu mới”, đó là ứng dụng Đồng hợp Malik, ông Văn Tiến Thanh - Tổng Giám đốc Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC) cho biết: “PVCFC là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành Dầu khí ứng dụng Đồng hợp Malik để tìm bộ giải pháp đồng bộ nhằm thích ứng với môi trường VUCA với nhiều biến động trong thế kỷ 21. PVCFC đã lựa chọn công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới này để điều chỉnh và hoàn thiện Chiến lược phát triển đến 2035, tầm nhìn 2045 trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn, ảnh hưởng mạnh của xung đột địa chính trị, của biến đổi khí hậu, các chính sách giảm phát thải và sự dịch chuyển mạnh về năng lượng và công nghệ”.
Từ một người từng đương đầu với nhiều khó khăn bão tố trong kinh doanh, nay ông Trần Văn Lê đã trở thành CEO hàng đầu trong lĩnh vực quạt công nghiệp. Ông Trần Văn Lê rất tâm đắc với cách tiếp cận chiến lược của Giáo sư Malik, bởi những thành công của Công ty TNHH Sản xuất Cơ điện và Thương mại Phương Linh ngày nay là xuất phát từ các quy tắc chiến lược cũng như các công cụ kiểm soát đã được diễn giải cụ thể trong ấn phẩm: “Chiến lược – Định hướng trong một thế giới mới phức hợp”, đã được TS. Dương Thu dịch ra tiếng Việt và xuất bản năm 2023. Phương Linh đã có hành động đúng tại những ngã rẽ của thị trường, mặc dù chưa biết phía trước có gì xảy ra. Chính vì vậy, cách đây hơn 10 năm, Ông đã đầu tư máy móc và công nghệ châu Âu một cách đồng bộ để sản xuất quạt công nghiệp chất lượng cao, có giá thành cạnh tranh so với sản phẩm nhập ngoại.
Xuyên suốt Hội thảo, các khách mời trình bày ý kiến để đưa ra cách thức định vị, thực thi chiến lược nhanh và hiệu quả nhất để phát triển kinh tế nước nhà sau đại dịch COVID-19.
Đặc biệt, hội thảo lần này cũng là cơ hội dành cho các doanh nhân, lãnh đạo trao đổi, thảo luận về những cách làm hoàn toàn mới, chưa hề có tiền lệ để định vị và thực thi chiến lược trong thời kỳ biến động hiện nay.