Xây dựng đại học số cần giải quyết 3 vấn đề

Admin
Chuyển đổi số (CĐS) đang trở thành một xu thế tất yếu trên phạm vi toàn thế giới và là giải pháp quan trọng để đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Bối cảnh đó đã và đang đặt ra những

Thí điểm ĐHS để đáp ứng nhu cầu nhân lực công nghệ số

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) được xác định là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu. Giáo dục đại học (ĐH) - với tư cách là môi trường trực tiếp đào tạo nên nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội cũng được coi là một trong những trọng tâm để chuyển đổi. Đây chính là những cơ sở pháp lý quan trọng cho việc CĐS trong giáo dục nói chung và phát triển ĐHS của các trường ĐH của Việt Nam nói riêng.

Mới đây, tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Quốc gia về CĐS, một trong những nội dung chính được tập trung thảo luận, đó là phát triển mô hình ĐHS, nhằm thúc đẩy tỷ lệ nhân lực số ở Việt Nam. Với mô hình này, dữ liệu được kết nối, liên thông từ sinh viên, giảng viên đến các bộ phận quản lý, đào tạo trong trường, đem lại nhiều tiện ích cho các thành viên nơi đây.

Hiện Bộ GD&ĐT cùng Bộ TT&TT đang xây dựng Đề án thí điểm triển khai 5 trường tham gia mô hình giáo dục ĐHS, đáp ứng nhu cầu tăng cao về nguồn nhân lực công nghệ số.

ĐHS là khái niệm, mô hình mới song không còn là chủ đề xa vời nữa mà nó đang thực sự là xu thế tất yếu hiện hữu trong thực tế với sự tác động mạnh mẽ và hằng ngày của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Mô hình ĐHS đang dần hình thành ở Việt Nam. Mô hình này sẽ vượt qua nhiều giới hạn vật lý mà một ngôi trường truyền thống gặp phải, dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí thấp hơn, với chất lượng tương đương.

Chia sẻ về vấn đề này, tại hội thảo "CĐS trong trường ĐH" do Câu lạc bộ (CLB) nhà khoa học Trường Quốc tế phối hợp Học viện Viettel và CLB nhà khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây, TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel, cho biết CĐS là phần tất yếu trong quá trình phát triển của giáo dục ĐH. CĐS mang lại cơ hội áp dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi nhanh chóng về mô hình, cách thức tổ chức và phương pháp dạy - học.

Còn theo GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, chuyên gia Trường Quốc tế, môi trường số là môi trường ta đang sống được nối với không gian mạng, ở đó các thực thể được số hóa tạo thành các phiên bản số (dữ liệu) và có thể kết nối được với nhau. Ba cấp độ của CĐS, đầu tiên là số hóa, tiếp đó đến mô hình hoạt động và chuyển đổi. Ba yếu tố quyết định của CĐS đó là con người, thể thức và công nghệ.

Chuyên gia Trường Quốc tế cho rằng, để đảm bảo, thúc đẩy nhanh quá trình này, chúng ta cần tập trung phát triển các nền tảng số bao gồm: Đảm bảo môi trường số, các hệ thống công cụ (ứng dụng web, ứng dụng thiết bị di động, giao tiếp giữa các dịch vụ,…); phát triển các ứng dụng phần mềm, kết nối con người, đồng thời nên áp dụng phương pháp luận theo mô hình ST2-3-5.

Xây dựng ĐHS theo phương pháp luận ST2-3-5

Theo GS.TSKH. Hồ Tú Bảo, trên thực tế, nhiều tổ chức, DN muốn CĐS nhưng không biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào. Vì vậy, nhóm nghiên cứu của ông đã đưa ra phương pháp luận ST2-3-5, dựa vào đó mọi tổ chức có thể xây dựng thành một hệ thực - số ST (đích đến).

Xây dựng đại học số cần giải quyết 3 vấn đề - Ảnh 1.

Tổng quan về phương pháp luận ST2-3-5

Theo đó, để xây dựng cách sống, cách làm việc trên môi trường số, các tổ chức cần dựa trên một mô hình gồm 8 thành phần với 2 nguyên lý (thay đổi với tư duy hệ thống, thay đổi với dữ liệu và kết nối), 3 nguyên tắc (tổng thể và toàn diện, đồng bộ và đột phá, chính chủ là lãnh đạo) và 5 vấn đề (nhận thức và năng lực số, hành lang pháp lý và định chế, hạ tầng số, lộ trình chuyển đổi, quản trị thực thi).

Áp dụng phương pháp luận ST2-3-5 vào CĐS ĐH, GS.TSKH. Hồ Tú Bảo đã đưa ra mô hình hệ sinh thái số giáo dục gồm 8 thành phần cụ thể gồm: nội dung GD&ĐT; phương pháp dạy và học; quan trị và quản lý số; giáo viên và học viên số; thể chế và hành lang pháp lý; hạ tầng, nền tảng, học liệu số; dữ liệu và kết nối; hệ thống an toàn an ninh.

Xây dựng đại học số cần giải quyết 3 vấn đề - Ảnh 2.

Hệ sinh thái số giáo dục

So với mô hình giáo dục truyền thống, mô hình này có những sự khác biệt lớn. ĐHS không chỉ là giảng dạy thông qua các ứng dụng hội nghị truyền hình mà là sự tổng hòa, kết hợp giữa hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, học liệu số, ứng dụng dịch vụ, giảng viên số, sinh viên số.

Để xây dựng ĐHS, cái đầu tiên cần thay đổi là nội dung GD&ĐT, sau đó là thay đổi về quy trình vận hành tức là thay đổi phương pháp dạy và học và cuối cùng là con người (giáo viên và học viên).

Theo đó, phương pháp dạy và học trên môi trường thực số sẽ bao gồm học tập kết hợp (hài hòa việc dạy và học ở lớp với các công nghệ số và học liệu số gồm cả dạy và học online), học theo đề tài (project based learning), học đảo ngược (flipped learning), học tập thích nghi (adaptive learning - phân tích dữ liệu người học và điều chỉnh tức thời tài liệu học tập và đánh giá, dùng phân tích dữ liệu và AI để hỗ trợ việc dạy và học) và cá nhân hóa việc học tập.

Ngoài ra, vai trò của người dạy và học trên môi trường thực - số cũng thay đổi. Trong đó, người học đóng vai trò trung tâm, học tập chủ động, tự định hướng, tăng khả năng tự học, học mọi lúc, mọi nơi. Việc học gắn với vấn đề, kỹ năng, theo mô đun, tình huống và tham gia vào sáng tạo, tìm tri thức. Còn người dạy theo phương pháp mới và đóng vai trò của "huấn luyện viên". Điều này sẽ dẫn tới thay đổi văn hóa GD&ĐT.

Theo ông Hồ Tú Bảo, cốt lõi của việc CĐS nói chung và CĐS ĐH nói riêng không phải là việc dùng công nghệ thông tin (CNTT), nâng cấp CNTT, mà chính là thay đổi cách sống, cách làm việc khi dùng CNTT và nơi nào CĐS thì chính nơi đó phải xây dựng chiến lược, lộ trình thực hiện. Đặc biệt, quá trình triển khai CĐS cần phải làm tốt trên 03 nhân tố: con người (nhận thức và năng lực số); thể chế (môi trường pháp lý và định chế), công nghệ (hạ tầng số).

Thảo luận về việc CĐS có giai đoạn kết thúc hay không, GS.TSKH. Hồ Tú Bảo chia sẻ CĐS là cơ hội lớn cho các nước đang phát triển và là cơ hội vô giá để Việt Nam phát triển. Thậm chí có thể xem đây là cơ hội cuối cùng, vì những thay đổi lớn về công nghệ phải nhiều chục năm mới xảy ra một lần. Chúng ta đã lỡ 3 cuộc CMCN trước đây. Cuộc CMCN lần thứ 4 có đặc điểm là những quốc gia không có truyền thống công nghiệp cũng có thể làm CĐS, mà đây chính là việc quyết tâm thay đổi chính mình với những cơ hội trên môi trường số. Và xây dựng ĐHS số sẽ giúp chúng ta giải quyết bài toán tăng nhân sự mà vẫn đảm bảo chất lượng./.

Nguồn: https://ictvietnam.vn/