Bắc Giang xây dựng ĐTTM, nâng cao cuộc sống của người dân

Admin
Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), tỉnh Bắc Giang xác định một trong các mục tiêu là nhằm cung cấp các dịch vụ công (DVC) chất lượng và kịp thời để nâng cao cuộc sống của người dân, tạo môi trư

Phát triển hệ thống du lịch thông minh Bắc Giang

Theo Đề án phát triển ĐTTM tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của Bắc Giang khi xây dựng ĐTTM là nhằm ứng dụng rộng rãi CNTT và các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, tạo bước đột phá trong thay đổi phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp.

Xây dựng ĐTTM cũng nhằm cung cấp các DVC, dịch vụ công ích chất lượng và kịp thời phục vụ người dân và doanh nghiệp (DN) để nâng cao cuộc sống của người dân, tạo môi trường minh bạch, thuận lợi để thu hút mạnh mẽ các dự án đầu tư và phát triển các thành phần kinh tế thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bắc Giang xây dựng ĐTTM, nâng cao cuộc sống của người dân - Ảnh 1.

Bắc Giang sẽ phát triển hệ thống du lịch thông minh, cung cấp dịch vụ, thông tin quảng bá du lịch trên môi trường mạng.

Đặc biệt, Đề án đặt mục tiêu trong giai đoạn từ năm 2023 - 2025 sẽ phát triển hệ thống du lịch thông minh nhằm giúp nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý và điều hành trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh. Hệ thống du lịch thông minh cũng sẽ nâng cao công tác quản lý ngành du lịch, tạo lập được môi trường cung cấp dịch vụ, thông tin quảng bá du lịch Bắc Giang trên môi trường mạng, có tương tác tích cực để đẩy mạnh quảng bá du lịch qua mạng thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Kết hợp du lịch với giới thiệu sản phẩm vùng miền của Bắc Giang.

Hệ thống du lịch thông minh tỉnh Bắc Giang sẽ tạo lập môi trường cung cấp dịch vụ, thông tin quảng bá du lịch của tỉnh trên môi trường mạng, có tương tác tích cực để đẩy mạnh quảng bá du lịch qua mạng thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Hệ thống nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, quản lý và điều hành trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh sẽ xây dựng hệ thống thông tin quản lý du lịch phục vụ công tác quản lý cơ sở lưu trú và homestay, đơn vị lữ hành, điểm du lịch, sản phẩm du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, chương trình quảng bá xúc tiến du lịch; Xây dựng Cổng thông tin điện tử du lịch tỉnh có các chức năng cơ bản như cung cấp cho du khách về các điểm du lịch hấp dẫn, thông tin về các món ăn đặc sản, về các dịch vụ, khách sạn, tour du lịch, dịch vụ hỗ trợ, cung cấp thông tin dạng 360 độ, hỗ trợ du khách theo ngữ cảnh (chatbot). Du khách có thể nhận xét, phản hồi các thông tin dịch vụ qua cổng thông tin, mua sắm sản phẩm du lịch trên cổng, trong khi DN có thể bán hàng trên cổng.

Ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thông tin và du lịch tỉnh cho biết, Cổng du lịch thông minh đã được vận hành nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, quảng bá, liên kết, phát triển du lịch của tỉnh. Cổng du lịch thông minh tích hợp nhiều tính năng ưu việt, trong đó giới thiệu về các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, ẩm thực nổi tiếng, địa điểm mua sắm, lưu trú, lịch trình các tour…

Du khách cũng có thể quét mã QR bằng điện thoại thông minh để tra cứu, nắm bắt các thông tin, hoạt động liên quan đến du lịch. Trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức các đợt khảo sát các khu, điểm du lịch ở hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương để kết nối tour, tuyến với Bắc Giang; xây dựng, khai thác tour du lịch "Hành trình khám phá di sản văn hóa Bắc Giang".

Tỉnh Bắc Giang đã tập trung thực hiện các giải pháp kích cầu du lịch và tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2022. Trước đó, Bắc Giang đã hoàn thiện Đề án "Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang ứng phó linh hoạt, thích ứng trạng thái bình thường mới đối với đại dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050"; Đề cương nhiệm vụ triển khai xây dựng phần mềm Hệ thông tin quản lý du lịch thông minh tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

Chuyển đổi IPv6, phục vụ chính quyền số, ĐTTM

Theo định hướng đến 2030, Bắc Giang sẽ triển khai mở rộng các dịch vụ thông minh trên các lĩnh vực khác làm thay đổi cơ bản, toàn diện phương thức lãnh đạo chỉ đạo của các cơ quan đơn vị, hỗ trợ tích cực công tác chuyển đổi số, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của chính quyền, cung cấp càng nhiều các dịch vụ thông minh trên nền tảng hạ tầng dữ liệu ĐTTM. Người dân được hưởng những lợi ích của ĐTTM, bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống, từ đó phát huy sáng tạo, tích cực tham gia vào phát triển kinh tế xã hội.

Bắc Giang xây dựng ĐTTM, nâng cao cuộc sống của người dân - Ảnh 2.

Bắc Giang xác định một trong các mục tiêu xây dựng ĐTTM là nhằm cung cấp các dịch vụ công chất lượng và kịp thời để nâng cao cuộc sống của người dân.

Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Kế hoạch số 319/KH-UBND ngày 27/5/2022 về chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ công nghệ thông tin tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 – 2025. Lãnh đạo tỉnh khẳng định việc chuyển đổi sang IPv6 nhằm sẵn sàng về công nghệ, đảm bảo tài nguyên cho quy hoạch hiện đại hóa hạ tầng, mạng lưới, dịch vụ công nghệ thông tin và kết nối Internet của các cơ quan nhà nước; đảm bảo phù hợp với sự phát triển bền vững của mạng Internet và xu thế chuyển đổi công nghệ IPv6 chung của thế giới đang dần thay thế địa chỉ IPv4 đã cạn kiệt. Đặc biệt, việc chuyển đổi IPv6 cũng sẽ giúp đáp ứng các dịch vụ mới của chính quyền số, ĐTTM, các dịch vụ 4G/5G.

Giao thức Internet phiên bản 4 (IPv4) không được thiết kế cho kỷ nguyên Internet of Things (IoT), do bị giới hạn ở khối lượng địa chỉ. Vì thế, giao thức mạng IPv6 đã được nghiên cứu và cho ra đời nhằm thay thế IPv4, phục vụ tiếp nối các hoạt động mạng, dịch vụ Internet. Các chuyên gia nhận thấy triển khai IoT sẽ không thể tách rời IPv6. Với việc cung cấp số lượng địa chỉ gần như không giới hạn và các tính năng mới, đồng thời cho phép cấu hình thiết bị dễ dàng hơn, cải thiện bảo mật, IPv6 trở thành giải pháp tối ưu cho kết nối mạng IoT, triển khai ĐTTM.

Công tác chuyển đổi sang IPv6 tại Bắc Giang được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi IPv6 của tỉnh và quy hoạch, phân hoạch khối địa chỉ được cấp và thực hiện duy trì khối địa IPv6 và số hiệu mạng ASN cho hệ thống thông tin của tỉnh.

Giai đoạn 2, tỉnh sẽ thực hiện kết nối thử nghiệm, định tuyến qua IPv4/IPv6, nâng cấp phần mềm, ứng dụng hỗ trợ IPv4/IPv6 và thử nghiệm chạy ứng dụng, dịch vụ với IPv6.

Giai đoạn 3 sẽ tiến hành chuyển đổi IPv6 cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, cho kết nối WAN tới các cơ quan, đơn vị và cho toàn bộ hệ thống CNTT nội bộ và các dịch vụ có kết nối Internet còn lại. Theo Kế hoạch, giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được thực hiện trong năm 2022, giai đoạn 3 thực hiện từ năm 2023 đến 2025.

Tại Việt Nam, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ nhiệm vụ chuyển đổi toàn bộ mạng Internet Việt Nam sang ứng dụng địa chỉ IPv6. Bộ TT&TT đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đề nghị chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ  CNTT của các bộ, ngành trong phát triển chính phủ số.

Bộ TT&TT nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022 sẽ bao gồm việc ban hành và triển khai Kế hoạch chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mạng, dịch vụ CNTT của bộ, ngành bám sát Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021-2025 (Chương trình IPv6 for Gov) và đồng bộ với kế hoạch phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số./.