Theo đó, Trung tâm IOC được xây dựng nhằm giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất; cung cấp số liệu toàn diện về các hoạt động trên địa bàn tỉnh; cho phép người dân tiếp cận nguồn dữ liệu để phục vụ phát triển các dịch vụ, ứng dụng thông minh, từ đó kết nối chặt chẽ thông tin và tương tác giữa cơ quan Nhà nước, chính quyền và người dân, doanh nghiệp.
Trung tâm IOC tỉnh Bình Định là nền tảng quan trọng trong tầm nhìn phát triển nói chung và kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh Bình Định đến năm 2025. Trung tâm được xây dựng đáp ứng các quy định của công văn số 4176 về việc hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 22/11/2019.
Cụ thể, được triển khai trong vòng 06 tháng, Trung tâm IOC tỉnh Bình Định đã hoàn thành theo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông với 5 dịch vụ cơ bản và 3 dịch vụ mở rộng: (1) Dịch vụ phản ánh hiện trường; (2) Dịch vụ giám sát, điều hành giao thông; (3) Dịch vụ an ninh trật tự đô thị; (4) Dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; (5) Dịch vụ giám sát an toàn thông tin; (6) Dashboard tổng hợp giám sát, điều hành; (7) Hệ thống giám sát dịch vụ công; (8) Hệ thống thông tin kinh tế xã hội. Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh cũng đã tích hợp các hệ thống thông tin đã được các đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai như hệ thống thông tin giám sát tàu cá, Cổng thông tin COVID-19 tỉnh Bình Định, hệ thống theo dõi các trạm BTS trên địa bàn tỉnh…Trong 15 ngày qua, tỉnh đã thử nghiệm các dịch vụ với các ứng dụng và dịch vụ tiện ích, ghi nhận phản hồi tích cực của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, đồng thời cho thấy nếu không triển khai các công cụ theo dõi, giám sát, phân tích dựa trên các nền tảng công nghệ mới thì công tác quản lý, điều hành gặp nhiều khó khăn và cần huy động nhiều nguồn lực.
Trung tâm ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ 4.0 như công nghệ IOT (kết nối vạn vật) trong việc kết nối các sensor, camera giám sát, hệ thống quản lý dữ liệu video và phân tích hình ảnh cho phép hiển thị video dưới dạng lưới thông qua việc tích hợp tất cả các camera của tỉnh. Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) trong việc phân tích từ ngữ, phân tích dữ liệu lớn phục vụ giám sát bảo mật, an toàn thông tin, giám sát thông tin báo chí, thông tin truyền thông trên không gian mạng và hỗ trợ tra cứu, trả lời tự động, phục vụ người dân. Hệ thống phân tích dữ liệu lớn, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại như Big data, BI, trong việc tích hợp, phân tích, cung cấp các báo cáo, thống kê phục vụ lãnh đạo tỉnh ra các quyết định để phát triển kinh tế xã hội.
Triển khai và vận hành theo nguyên tắc Hạ tầng dùng chung và cơ sở dữ liệu tập trung, tất cả các hoạt động đầu tư hệ thống cảm biến phục vụ cho các dịch vụ đô thị thông minh của các ngành đều kết nối, truyền dữ liệu về trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh, từ đó sử dụng công nghệ để chia sẻ, phân quyền cho các ngành, là cơ sở quan trọng để hình thành kho dữ liệu lớn dùng chung.
Đặc biệt, dự án này thể hiện sự hợp tác hiệu quả giữa Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân. Tỉnh Bình Định đã huy động mọi nguồn lực, kinh phí cho việc xây dựng đô thị thông minh từ cả nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn xã hội hóa. Tổng chi phí bước đầu thí điểm từ nguồn ngân sách của Tỉnh là 15 tỷ đồng dùng để mua sắm các trang thiết bị phần cứng. Nguồn vốn xã hội hóa lên tới hàng chục tỉ đồng do FPT đầu tư bao gồm chi phí xây dựng các hệ thống phần mềm, chi phí thuê các hệ thống phần cứng tại nền tảng đám mây (cloud) của FPT, chi phí đường truyền và chi phí nhân sự hỗ trợ vận hành hệ thống trong giai đoạn thí điểm.
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: "Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bình Định đã hoàn thành đưa vào vận hành với 08 dịch vụ cơ bản. Tuy mới vận hành thử nghiệm nhưng Trung tâm IOC bước đầu phát huy tính năng, hiệu quả, giúp cho lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, đơn vị, địa phương để kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc được diễn ra minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển bền vững, hướng đến xây dựng một chính quyền điện tử và đô thị thông minh phục vụ người dân ngày càng tốt hơn. Thông qua ứng dụng Bình Định SmartCity, người dân có thể phản ánh các thông tin, ý kiến về cho chính quyền một cách nhanh nhất và các cơ quan chức năng có trách nhiệm trả lời các ý kiến của người dân sớm nhất. Đây là bước đi cực kỳ quan trọng trong việc đẩy nhanh chuyển đổi số của chính quyền và các mặt của đời sống xã hội, phục vụ lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh".
Với vai trò tiên phong trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, trong thời gian qua, Tập đoàn FPT đã đồng hành cùng Chính phủ và nhiều tỉnh/thành phố xây dựng và đưa vào vận hành thành công các IOC. Đại diện đơn vị tư vấn triển khai, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT khẳng định: "FPT có chung mục tiêu và khao khát đưa tỉnh Bình Định trở thành trung tâm kinh tế và trung tâm AI dẫn đầu khu vực Duyên hải miền Trung. Chúng tôi đã và đang đồng hành, đầu tư nghiêm túc, lâu dài cùng với tỉnh Bình Định thông qua các dự án lớn về giáo dục, chính phủ điện tử, đô thị thông minh".
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh Bình Định là mô hình thể hiện sự tiên tiến, bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn yêu cầu đổi mới quảnlý, sáng tạo trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân…Trung tâm IOC sẽ tạo ra kênh thông tin kết nối chặt chẽ giữa các cơ quan Nhà nước, giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp và tổ chức nhằm phục vụ, lắng nghe phản hồi của người dân để xử lý, điều chỉnh kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân, xã hội.
Theo vtv.vn