Chuyển đổi số nông nghiệp: Cơ hội mới cho nông dân

Admin
Sáng 2/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ 6 với chủ đề: “Nông dân với chuyển đổi

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò "trụ đỡ của nền kinh tế", thông qua việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, tạo sinh kế, việc làm và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn, góp phần quan trọng ổn định chính trị - xã hội và phát triển đất nước.

Những năm qua, ngành nông nghiệp và nhiều địa phương đã quan tâm, chủ động ứng dụng các giải pháp số trong sản xuất nông nghiệp và quản trị nông thôn. Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, ngày càng nhiều đơn vị đã tiếp cận và sử dụng công nghệ số trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… Một số doanh nghiệp lớn đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, hàng năm, Việt Nam cũng xuất khẩu tới 42 - 43 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ; trong đó có 10 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên như lúa gạo, tôm, cá tra, cao su, hồ tiêu, hạt điều, cà phê, sắn, đồ gỗ…

"Đây thực sự là một số liệu, dữ liệu khổng lồ, đòi hỏi cần sớm được "số hóa" hay chuyển đổi số từ các dữ liệu đơn lẻ, từ cách hình thức ghi chép, thống kê khác nhau thành một kho dữ liệu để phục vụ cho chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng cho biết: Xác định vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số và tham gia vào nền kinh tế số, Hội Nông dân Việt Nam sẽ đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của nông dân và xã hội về chuyển đổi số, xây dựng và kết nối các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên cổng thông tin và fanpage của các cấp hội nông dân Việt Nam trong cả nước. Phối hợp xây dựng ứng dụng trên di động (App Store, Google Play) về hỗ trợ chuyển đổi số cho nông dân.

Đồng thời nâng cao kiến thức về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp cho nông dân. Xây dựng và chuyển giao các mô hình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số; phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị được cấp phép (Viettel Pay, VNPT Pay, Momo...) triển khai các loại hình tài chính số hỗ trợ nông dân như thanh toán không dùng tiền mặt, mobile money.

Theo khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, khi hỏi 130 nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam, 42% trong số họ cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp.

Trong cuộc điều tra, khảo sát được thực hiện ở 3 nước trong ASEAN, Việt Nam là nước có tỷ lệ nông dân quan tâm đến chuyển đổi số cao nhất. Đây là cơ hội rất lớn cho các đối tác trong chuỗi sản xuất lương thực, thực phẩm tiếp tục hợp tác để đẩy mạnh các hoạt động thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới, triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn để nông dân hiểu và sử dụng các công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Vân Trang

Theo Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo