Thái Nguyên: Chú trọng thúc đẩy ứng dụng KHCN, ĐMST và CĐS trong phát triển ngành chè

Thái An
Hội Nông dân tỉnh Thái Nguyên mới đây đã có kế hoạch phát triển ngành chè giai đoạn 2025 - 2030, trong đó nêu các giải pháp toàn diện và chỉ tiêu cụ thể để nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu của sản phẩm chè địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 03/02/2025 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về phát triển ngành chè giai đoạn 2025 - 2030, Hội Nông dân tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết trong các cấp Hội và hội viên nông dân. Kế hoạch đề ra các giải pháp toàn diện và chỉ tiêu cụ thể để nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hội viên Hội Nông dân và thu nhập cho người trồng chè trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, kế hoạch đưa ra các chỉ tiêu cụ thế bao gồm: Tổ chức tập huấn cho ít nhất 80% hội viên nông dân về kỹ thuật sản xuất chè an toàn, hữu cơ và chế biến sâu; tổ chức ít nhất 2 cuộc/năm hỗ trợ nâng cao nhận thức cho hội viên nông dân về nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên và hướng dẫn cài đặt, sử dụng các nền tảng số “Nông dân Việt Nam” và “Nông nghiệp số”; xây dựng 1 - 2 mô hình “thâm canh gắn với chế biến và tiêu thụ chè”; tổ chức 1 cuộc cho các hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài tỉnh; xây dựng 5 mô hình điểm sản xuất, chế biến chè bằng nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ nông dân nhằm nâng cao quy mô và chất lượng sản phẩm chè; vận động, hỗ trợ thành lập 30 mô hình kinh tế tập thể…

che-thai-nguyen2

Để hiện thực hóa những chỉ tiêu này, Hội Nông dân tỉnh xác định bốn giải pháp trọng tâm thực hiện kế hoạch. Trong đó sẽ tập trung tuyên truyền và phổ biến sâu rộng Nghị quyết số 11-NQ/TU trong các cấp hội và hội viên nông dân; vận động hội viên tập trung đầu tư vào khoa học công nghệ; mở rộng quy mô sản xuất tập thể và thúc đẩy thương mại quảng bá sản phẩm; nâng cao vai trò giám sát và phản biện trong quá trình triển khai.

Ngoài ra, kế hoạch còn đặc biệt chú trọng vào việc thúc đẩy ứng dụng khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong quản lý sản xuất và tiêu thụ chè, đồng thời phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc vận động hội viên phát triển ngành chè theo hướng bền vững, hiện đại…

Với những giải pháp đồng bộ và chỉ tiêu cụ thể, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU của Hội Nông dân tỉnh sẽ góp phần tạo điều kiện cho hội viên nông dân, đặc biệt là các hộ sản xuất kinh doanh chè nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm chè, từ đó giúp ngành chè Thái Nguyên bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.

PV