Tọa đàm là hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 - 10/10/2022) và Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10/2022).
Phát biểu khai mạc tọa đàm, PGS, TS Phạm Minh Tuấn, Giám đốc-Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nhấn mạnh, trong bối cảnh mới hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của xuất bản phẩm điện tử cũng như cách thức bạn đọc thay đổi cách tiếp cận đối với các xuất bản phẩm thông qua mua hàng trực tuyến đã đặt ra cho ngành xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam cả những thời cơ lẫn thách thức mới, và thực hiện chuyển đổi số chính là một yêu cầu tất yếu. Những hạn chế, thách thức, khó khăn chung của ngành trong hoạt động chuyển đổi số chính là những vấn đề đặt ra để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng trao đổi, thảo luận, từ đó đưa ra các giải pháp đổi mới, ứng dụng chuyển đổi số…
Tại tọa đàm, các diễn giả đã cùng chia sẻ, trao đổi nhiều nội dung về xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy chuyển đổi số và Chương trình chuyển đổi số quốc gia; tình hình chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực xuất bản cùng những kết quả đã đạt được thời gian qua; giới thiệu kinh nghiệm về việc xuất bản và phát hành sách điện tử; giới thiệu những thành quả bước đầu của quá trình thực hiện chuyển đổi số ở một số đơn vị xuất bản, phát hành sách điện tử; xu hướng xuất bản điện tử trên thế giới và Việt Nam…
Có thể thấy, hiện nay, trên mọi bình diện, chuyển đổi số đã và đang là xu thế chủ đạo và chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản là xu thế chung của thế giới. Không nằm ngoài xu thế đó, ở Việt Nam trong ba năm trở lại đây, xuất bản phẩm điện tử đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ. Tính đến tháng 5/2022, đã có 16 nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử; từ năm 2019 đến năm 2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản được từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử, trong đó riêng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản được gần 1.200 đầu sách, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản được trên 1.000 đầu sách.
Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại được xuất bản, có sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử với các doanh nghiệp công nghệ, sự tăng trưởng ấn tượng của một số doanh nghiệp khởi nghiệp như Công ty TNHH WeWe với ứng dụng nghe sách nói Voiz FM, Công ty Cổ phần Fonos với nền tảng sách điện tử Fonos, Công ty cổ Phần Đầu tư Và Phát triển giải pháp công nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách trên Internet... cùng nhiều doanh nghiệp khác đã và đang tạo dựng diện mạo mới cho ngành xuất bản trên không gian số.
Tuy nhiên bên cạnh những bước tiến khả quan, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản In và Phát hành cũng chỉ ra những điểm hạn chế như: số lượng ấn bản bình quân còn thấp; cơ cấu sách còn chưa hợp lý; ít sách có giá trị cao, có sức lan tỏa, nhất là sách về lĩnh vực khoa học chính trị, khoa học công nghệ. Mặt khác, việc thay đổi từ phương thức xuất bản truyền thống sang xuất bản điện tử của các đơn vị còn chậm. Hình thức xuất bản điện tử chủ yếu mới chỉ dừng ở số hóa sách đã xuất bản. Những hình thức mới như sách audio, sách thực tế ảo, sách tương tác giữa bạn đọc, tác giả và nhà xuất bản hầu như chưa có nhiều.
Văn hóa đọc đã có bước phát triển nhưng vẫn cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa, cần phải tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông, quảng bá sách nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách của mỗi cá nhân, trong gia đình và cộng đồng.
Tại tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nêu Kế hoạch Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 là phải phát triển lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá dựa trên công nghệ số. Do đó các nhà xuất bản, doanh nghiệp in và phát hành xuất bản phẩm cần có sự liên kết chặt chẽ, tạo thành dây chuyền để đưa ngành phát triển toàn diện. Đây là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành cũng như đối với từng đơn vị, doanh nghiệp và cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
4 nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch chuyển đổi số bao gồm: thống nhất nhận thức trong cán bộ, nhân viên, người lao động ngành về các nội dung chuyển đổi; rà sát, sửa đổi và hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật; thực hiện chuyển đổi toàn bộ quy trình quản lý và cuối cùng là tập trung xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo quá trình vận hành được ổn định, phát triển trên đa dạng nền tảng. Những nhiệm vụ này sẽ được tiến hành trong giai đoạn 5 năm, nhấn mạnh vào các giải pháp: Sửa đổi luật xuất bản, hợp tác với công ty công nghệ đầu tư phát triển, phát triển nguồn nhân và vật lực…
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ đạo mỗi đơn vị trong ngành cần tìm tòi những phương thức, hình thức xuất bản theo kịp sự phát triển của công nghệ. Điều quan trọng trước hết là đầu tư hạ tầng, nhân lực kỹ thuật để ứng dụng công nghệ thông tin, đưa xuất bản điện tử thành mũi nhọn phát triển.
Theo Minh Tú/ SHTT