Đẩy mạnh CĐS, Hải Phòng hướng tới TPTM hiện đại, văn minh và bền vững

Admin
Với nhiều giải pháp tổng thể, đặc biệt là chú trọng chuyển đổi số (CĐS), Hải Phòng đã cho thấy những nỗ lực không ngừng trong việc phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh (TPTM) ph

Đẩy mạnh triển khai vận hành thử nghiệm trung tâm IOC

Ngày 25/11/2021, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hải Phòng đã ra mắt mô hình thử nghiệm Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh TP. Hải Phòng (IOC Hải Phòng).

Việc ra mắt trung tâm IOC là một trong những nhiệm vụ cụ thể hóa chương trình CĐS TP, xây dựng thành công chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng TP. Hải Phòng trở thành đô thị thông minh trong tương lai.

Chức năng của trung tâm IOC là thu thập số liệu từ các hệ thống thành phần (giám sát an ninh, giám sát trật tự đô thị, giám sát vi phạm giao thông, tích hợp các hệ thống y tế, giáo dục, quản lý tàu thuyền, luồng vào cảng, phản ánh hiện trường…) để tổng hợp thông tin, trực quan hóa số liệu, thống kê dữ liệu tổng hợp và kết xuất dữ liệu theo yêu cầu từ các đơn vị chuyên ngành, từ đó giúp quản lý tốt hơn các nguồn lực, tài nguyên...

Trong khi đó, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường thuộc IOC là hệ thống tiếp nhận và xử lý, trả lời những phản ánh của người dân thông qua ứng dụng di động "Hải Phòng Smart". Hệ thống này nhằm tăng cường sự tương tác giữa người dân và cơ quan nhà nước (CQNN), nâng cao hoạt động giám sát của người dân/doanh nghiệp (DN), cung cấp thông tin nhanh nhất đến các CQNN có chức năng để tiếp nhận, xử lý, kịp thời trả lời, giải đáp các phản ánh, kiến nghị của nhân dân trên môi trường số; nâng cao chất lượng, gia tăng sự hài lòng của người dân, phát huy trách nhiệm của CQNN trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân.

Để triển khai đưa hệ thống vào hoạt động hiệu quả, Sở TT&TT cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn vận hành hệ thống thông tin phản ánh hiện trường và cấp tài khoản quản trị cho cán bộ chuyên trách CNTT tại các sở, ngành của TP và UBND các quận, huyện.

Thời gian qua, nhờ công tác phối hợp, triển khai tích cực, sâu rộng, hệ thống đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người dân ở các nơi trên địa bàn TP gửi về. Các nội dung phản ánh phong phú, đa dạng, liên quan mật thiết đến các vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thể hiện rõ trách nhiệm của công dân đối với các vấn đề xã hội hiện nay.

Những nội dung phản ánh cũng đã được các đơn vị sở, ngành, UBND các quận, huyện phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra thực trạng và kịp thời xử lý và có phản hồi lại trên hệ thống một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Trong quá trình xử lý, các vấn đề phức tạp cũng được các đơn vị quan tâm, ra văn bản phối hợp tìm cách giải quyết nhanh nhất với mục tiêu nâng cao hiệu quả công việc, rút ngắn thời gian xử lý, phân định được trách nhiệm của đơn vị, cá nhân xử lý, đem lại kết quả bước đầu làm hài lòng người dân.

Thông qua quá trình thử nghiệm, lãnh đạo các đơn vị đã lắng nghe được trực tiếp ý kiến của người dân, DN, giám sát được công việc và quá trình xử lý, đôn đốc, nhắc nhở các bộ phận trong quá trình xử lý, hạn chế tình trạng quá hạn xử lý phản ánh, hỗ trợ cho công việc điều hành tốt hơn.

Đặc biệt, với mong muốn cải tiến chất lượng, gia tăng sự hài lòng của người dân, phát huy trách nhiệm của CQNN trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị của người dân, Sở TT&TT TP cũng đã có văn bản đề nghị các sở, ban, ngành, các quận, huyện triển khai hướng dẫn cán bộ công chức, viên chức cài đặt và tuyên truyền cho người dân cài đặt ứng dụng "Hải Phòng Smart" trên điện thoại thông minh để gửi kiến nghị, phản ánh đến các CQNN qua hệ thống thông tin phản ánh hiện trường.

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công cuộc CĐS, hướng tới mục tiêu xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số của TP. Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 29/7/2022, Sở TT&TT Hải Phòng đã tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn tổ công tác Đề án 06 và công nghệ số cộng đồng sử dụng phần mềm thông tin phản ánh hiện trường.

Thông qua hội nghị tập huấn các thành viên tham dự đã kịp thời nắm bắt được các nội dung, thực hành trên thiết bị di động, từ đó thông tin tuyên truyền và hướng dẫn cho người dân trên địa bàn cách cài đặt và sử dụng phần mềm, thúc đẩy phát triển xã hội số trên địa bàn TP.

Trung tâm IOC Hải Phòng được triển khai với kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho hoạt động chỉ đạo điều hành của lãnh đạo TP, các cấp, ngành, cung cấp dịch vụ đa dạng phục vụ đời sống của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của TP.

Trong quá trình thử nghiệm IOC Hải Phòng đã được Cục Tin học hóa (nay là Cục CĐS quốc gia) và Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT đánh giá, góp ý điều chỉnh.

Bản đồ số "Hải Phòng City Tour" - thúc đẩy quá trình CĐS trong lĩnh vực du lịch

Nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch mới, thúc đẩy quá trình CĐS trong lĩnh vực du lịch, ngày 06/9, Sở Du lịch TP. Hải Phòng đã tổ chức hội nghị giới thiệu bản đồ số "Hải Phòng City Tour", sàn giao dịch du lịch Hải Phòng trực tuyến và phát động chiến dịch quảng bá #HelloHaiPhong.

Đẩy mạnh CĐS, Hải Phòng hướng tới TPTM hiện đại, văn minh và bền vững - Ảnh 1.

Du khách có thể truy cập Bản đồ số "Hải Phòng City Tour" để tra cứu, tìm kiếm thông tin, chỉ đường tới các quán ăn, điểm check-in, khách sạn…

Theo đó, bản đồ số "Hải Phòng City Tour" được xây dựng theo xu hướng trẻ trung, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả gắn với ứng dụng CNTT. Giao diện hiển thị, nội dung và hình ảnh phù hợp với xu hướng, thị hiếu khách du lịch; là kênh hỗ trợ thông minh, tiện lợi dành cho du khách. Du khách có thể dễ dàng sử dụng bản đồ số trên mọi thiết bị như: máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng và các loại điện thoại di động.

Bản đồ số sử dụng nền tảng bản đồ của Google, cung cấp các gợi ý cho du khách về điểm đến. Du khách có thể truy cập bản đồ số để tra cứu, tìm kiếm thông tin, chỉ đường tới các quán ăn, điểm check-in, khách sạn…; đánh giá trực tiếp về chất lượng dịch vụ và mức độ hài lòng sau khi trải nghiệm thực tế; tự lập lịch trình tour cho mình và có thể chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp, người thân…

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hải Phòng cũng phối hợp với Traveloka ra mắt sàn giao dịch du lịch trực tuyến với mục đích đồng hành cùng các DN du lịch trên địa bàn TP trong việc số hóa hoạt động kinh doanh, hỗ trợ DN khôi phục sau đại dịch COVID-19. Đồng thời, giới thiệu thêm địa chỉ chia sẻ thông tin du lịch, đặt dịch vụ du lịch trực tuyến uy tín, tiện lợi với nhiều lợi ích gia tăng cho du khách khi trải nghiệm du lịch tại Hải Phòng. Người dùng có thể truy cập sàn giao dịch thông qua link dẫn từ website dulichhaiphong.gov.vn hoặc trực tiếp trên nền tảng ứng dụng.

Đặc biệt, ngoài việc ra mắt sàn giao dịch du lịch trực tuyến, trong tháng 9/2022, ngành Du lịch Hải Phòng cũng đã phối hợp với Tiktok Việt Nam và Công ty CP Truyền thông và Giải trí Vitamin Việt Nam phát động Chiến dịch "HelloHaiPhong" trên nền tảng mạng xã hội TikTok, nhằm khuyến khích người dùng sáng tạo nội dung ngắn về cảnh sắc, văn hoá, ẩm thực,... của TP. Hải Phòng, qua đó góp phần quảng bá rộng rãi các điểm đến và sức hấp dẫn của du lịch Hải Phòng. Đồng thời, Sở Du lịch Hải Phòng cũng đã cho ra mắt kênh chính thức "Haiphongtourismofficial" trên nền tảng TikTok.

Việc đưa CĐS vào quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch mới đã thúc đẩy quá trình CĐS trong lĩnh vực du lịch để hỗ trợ, phục hồi và phát triển du lịch TP cảng, hướng tới phát triển du lịch thông minh, và mô hình TPTM hiện đại, văn minh và bền vững./.

Phúc Huy (theo https://ictvietnam.vn)