Để làm được điều này, thành phố sẽ tập trung phát triển một số ngành sẵn có lợi thế, tiềm năng gồm: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh, Thiết kế, Ẩm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí. Đồng thời quan tâm phát triển các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Điện ảnh, Truyền hình và Phát thanh, Xuất bản, Thời trang…
Thành phố Hà Nội cũng lên kế hoạch về việc đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, có sức cạnh tranh khu vực và thế giới, sánh vai thủ đô các nước phát triển cao trong khu vực.
Phấn đấu doanh thu từ các ngành CNVH tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố. Duy trì phát triển ổn định, bền vững các ngành: Du lịch văn hóa, Thủ công mỹ nghệ, Nghệ thuật biểu diễn, Thiết kế, Ẩm thực, Phần mềm và trò chơi giải trí. Đẩy mạnh phát triển các ngành: Quảng cáo, Kiến trúc, Điện ảnh. Tiếp tục phát triển các ngành: Nhiếp ảnh và Triển lãm, Thời trang, Truyền hình và Phát thanh, Xuất bản...
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng định hướng tới năm 2045, xâu dựng ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác; là tiền đề để xây dựng Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa và bền vững; trở thành thành phố kết nối toàn cầu, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại và Sáng tạo, ngang tầm các thủ đô và thành phố hàng đầu trong khu vực. Hình thành một số công trình văn hóa mới mang tính biểu tượng có tầm cỡ khu vực và thế giới. Phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.
Với những mục tiêu được đặt ra như trên, UBND Thành phố Hà Nội giao các cơ quan, ban ngành trên địa bàn cần tổ chức quán triệt, tuyên truyền thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về Công nghiệp văn hóa.
Bên cạnh đó là chú trọng, tập trung vào việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra cho kế hoạch Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, trong các nội dung thực hiện nhằm hiện thực hóa kế hoạch Phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, UBND Thành phố cũng đặc biệt chú trọng việc tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo để đẩy mạnh việc hoàn thành mục tiêu trong kế hoạch đề ra.
Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan, chủ động hợp tác, tiếp thu khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, khai thác, phát huy giá trị văn hóa trong các lĩnh vực: Nghệ thuật biểu diễn, Thiết kế, Ẩm thực, Quảng cáo, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Thời trang...
Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao cũng chịu trách nhiệm triển khai hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản tư liệu, tên đường phố Hà Nội, thông tin về Mạng lưới thành phố Sáng tạo Hà Nội để quản lý, kết nối, chia sẻ, quảng bá thông tin với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng trong và ngoài nước.
Phối hợp triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo giới thiệu các công trình văn hóa, sản phẩm làng nghề của Thành phố trên mạng Internet và các nền tảng truyền thông số.
Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý, quản trị tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực, nâng cao chất lượng trong chuỗi sản xuất sản phẩm, dịch vụ các ngành CNVH.
Xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Hà Nội”; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sở Du lịch chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý và phát triển du lịch nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thương hiệu, vị thế của du lịch Thủ đô.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan triển khai áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, thiết bị tiên tiến, hiện đại để phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ chất lượng cao, thiết kế mẫu mã sáng tạo, đặc trưng, sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan. Khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới tiên tiến vào sản xuất, sử dụng phương thức truyền thống kết hợp áp dụng cơ giới hóa một số công đoạn sản xuất thủ công không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ;
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các trung tâm xử lý rác thải, nước thải, làm sạch hệ thống thoát nước…
Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan có nhiệm vụ thúc đẩy đổi mới công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong lĩnh vực Xuất bản, Phát thanh và Truyền hình.
UBND các quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại nhằm góp phần nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm, dịch vụ ngành CNVH có thế mạnh ở địa phương phù hợp thị trường trong nước và quốc tế. Cùng bới đó, các đơn vị này cũng có trách nhiệm phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao triển khai số hóa, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu tại địa phương.
Các Hiệp hội, doanh nghiệp, đơn vị tham gia hoạt động trong lĩnh vực CNVH cần chủ động sử dụng các kết quả nghiên cứu khoa học, các ý tưởng và thiết kế sản phẩm sáng tạo của các tổ chức, cá nhân qua các cuộc thi; ứng dụng công nghệ cao, đổi mới sáng tạo vào các hoạt động phát triển ngành CNVH có lợi thế, sức cạnh tranh và thị trường yêu thích.
Thái An
Theo SHTT