Kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số

Thái An
Ngày 25/10, Cục Báo chí, Bộ TT&TT phối hợp với Google tổ chức khóa đào tạo chuyên sâu về kinh tế báo chí trong bối cảnh chuyển đổi số (CĐS). Đây là năm thứ hai chương trình được triển khai.

Phát biểu khai mạc khoá đào tạo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đánh giá chỉ trong hai năm qua, nhận thức về CĐS báo chí đã có bước phát triển vượt bậc. Năm nay cũng là năm Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành “Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với những nội dung, nhiệm vụ cụ thể.

Trên cơ sở đó, Bộ TT&TT có kế hoạch hành động chiến lược cụ thể trong việc tập huấn, nâng cao kiến thức về kỹ năng số và tập huấn bộ tiêu chí đánh giá CĐS báo chí cho các cơ quan báo chí. Khóa đào tạo này của Google không nằm ngoài mục đích đó, đi vào những vấn đề cụ thể, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của cơ quan báo chí.

c1

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc khóa đào tạo

Thứ trưởng cũng nhận định, so với những năm trước, các cơ quan báo chí đã nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề khi làm báo chí trên không gian số. Các cơ quan báo chí không chỉ có những cơ hội mà có cả những thách thức, không phải chỉ làm thế nào để kiếm được quảng cáo bằng cách làm nội dung văn minh, tử tế, có phương pháp mà còn làm sao để nắn quảng cáo trên không gian số đi vào nội dung lành mạnh, sàng lọc tiến tới loại bỏ quảng cáo những sản phẩm, dịch vụ vi phạm pháp luật, lệch chuẩn, phản cảm, không để lẫn lộn vào nội dung báo chí.

Đây không chỉ là thách thức của cơ quan báo chí nói riêng mà cả những nền tảng xuyên biên giới như Google. "Chúng ta đều đối mặt vấn đề là làm trong sạch hệ sinh thái và để cho những người chính đáng tiếp cận được sản phẩm, thương hiệu tôn trọng pháp luật, được gặp độc giả, tìm đến nội dung tử tế, lành mạnh trên không gian mạng. Trong đó, hệ sinh thái báo chí mở rộng không chỉ có những trang web mà cả ứng dụng, fanpage, kênh trên nền tảng mạng xã hội cần có sự quan tâm đúng hướng, để chúng ta hưởng lợi trong mô hình kinh doanh. Điều đó cần trách nhiệm của cả hai bên", Thứ trưởng khẳng định.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cũng cho rằng, bên cạnh sự chỉ đạo của cơ quan chức năng, sự chung tay của nền tảng cũng là yếu tố quan trọng hàng đầu để cùng làm tốt công tác quản lý nội dung, "để dòng thông tin trên báo chí trở thành dòng chảy chính trên không gian mạng".

Được biết, đây là năm thứ hai Bộ TT&TT phối hợp với Google tổ chức chương trình đào tạo chuyên sâu cho các cơ quan báo chí về kỹ năng cụ thể liên quan đến CĐS báo chí và cách làm nội dung trong bối cảnh không gian số. Trước đó, vào năm 2022, Cục Báo chí và Google thực hiện tổ chức 11 khóa đào tạo về kinh tế báo chí với 4 chủ đề chính, gồm: Phát triển độc giả; Phát triển và khai thác dữ liệu; Doanh thu từ quảng cáo và Doanh thu từ độc giả. Hơn 600 đại diện đến từ 182 cơ quan báo chí trên toàn quốc đã tham dự.

Theo ông Fazal Ashfaq, Giám đốc hợp tác ngành tin tức Nam Á và Đông Nam Á tại Google, chương trình đào tạo đầu tiên năm 2022 đã cung cấp cho các cơ quan báo chí Việt Nam một cách tiếp cận hệ thống về quá trình CĐS. Trong đó, nhấn mạnh việc đặt độc giả làm trung tâm và xây dựng văn hóa dựa trên dữ liệu làm nền tảng cho hoạt động của các cơ quan báo chí.

Ngoài ra, chương trình còn giới thiệu xu hướng công nghệ truyền thông trên toàn cầu cũng như công cụ và ứng dụng hỗ trợ tăng lượng độc giả, duy trì sự tương tác của độc giả. Điều này giúp nâng cao trải nghiệm của người đọc và thúc đẩy doanh thu quảng cáo.

Các chủ đề được đưa vào chương trình đào tạo bao gồm: Thấu hiểu và phát triển độc giả, Giải pháp dữ liệu, xây dựng nền tảng dữ liệu bền vững và xây dựng chiến lược phát triển doanh thu quảng cáo toàn diện.

Theo ông Fazal Ashfaq, những hiểu biết được chia sẻ trong chương trình đào tạo có thể là hướng đi cho các mô hình tiềm năng trong tương lai, giúp nhiều cơ quan báo chí ở Việt Nam thành công hơn nữa trong quá trình CĐS.

Dựa trên phản hồi từ người tham dự năm ngoái, khóa học năm 2023 được Google thiết kế với trọng tâm là hỗ trợ các cơ quan truyền thông xây dựng nền tảng kỹ thuật cho hoạt động kinh doanh kỹ thuật số.

Đại diện Google nhận định, một nền tảng kỹ thuật vững chắc là điều cần thiết để các tổ chức tin tức chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình và tạo ra nguồn thu hiệu quả, bền vững trong dài hạn.

c2

Trong khuôn khổ khóa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và lãnh đạo cơ quan báo chí đã chia sẻ nhiều nội dung nóng liên quan tới chuyển đổi số báo chí. Ảnh: Bình Minh

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Quản lý Hợp tác chiến lược ngành Tin tức và Xuất bản, Đông Nam Á, tin tức đóng vai trò cốt lõi trong sứ mệnh của Google. Sự phát triển bền vững của ngành báo chí sẽ gắn chặt với sự phát triển bền vững của Google.

Có hai cách tiếp cận: Mang lại giá trị qua các sản phẩm và nền tảng của Google, như đầu tư vào tương lai thông qua sáng kiến Google News Initiative; Mang lại giá trị điều hướng lưu lượng truy cập đến trang web của cơ quan báo chí, hỗ trợ sản phẩm nền tảng để phát triển doanh thu số.

Trên thực tế, dựa trên dữ liệu nội bộ và nghiên cứu, mỗi tháng Google gửi 24 tỷ lượt truy cập đến các trang tin tức trên toàn thế giới. YouTube cũng là một nền tảng để phân phối tin tức... Google cũng thúc đẩy loại hình báo chí mới là báo nói như Assistant, Google Podcast.

Về hỗ trợ phát triển doanh thu số, Google News Initiative... thúc đẩy sự phát triển và đa dạng hóa của báo chí số... Trong 5 năm qua, Google đã làm việc với 32 quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương về sáng kiến này.

Theo Ban tổ chức khoá học, trọng tâm của chương trình đào tạo là hỗ trợ các tòa soạn thông qua đổi mới công nghệ là bộ công cụ giúp nhà báo khai thác công nghệ máy học và AI của Google để làm việc sáng tạo, an toàn hơn; Lấy độc giả làm trung tâm, dùng dữ liệu làm nền tảng để đưa ra quyết định phát triển doanh thu từ quảng cáo.