Lừa đảo trực tuyến gia tăng đe dọa đến sự tin cậy của không gian số

Bùi Huyền
Xu hướng gia tăng lừa đảo trực tuyến thời gian gần đây được nhận định không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân, tổ chức, mà còn đe dọa đến sự tin cậy và an toàn của không gian trực tuyến.

Lừa đảo trực tuyến gia tăng mạnh về số vụ và mức độ tinh vi

Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Trần Minh Quảng, Giám đốc Trung tâm phân tích và chia sẻ nguy cơ an ninh mạng, Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security) nhận định: Những năm gần đây, không gian mạng Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể các hình thức tấn công lừa đảo. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, đang ngày càng trở nên phức tạp hơn do sự phát triển của CNTT và mức độ phụ thuộc của người dùng vào mạng Internet.

Gần đây, đã có sự tăng nhanh về số lượng cũng như mức độ tinh vi, phức tạp của các vụ tấn công lừa đảo trực tuyến. (Ảnh minh họa: Thái Khang).

Phân tích của Viettel Cyber Security chỉ ra rằng, một trong những xu hướng đáng chú ý là sự gia tăng của các cuộc tấn công lừa đảo qua email và tin nhắn, được gọi là "Phishing".

Các tin nhắn giả mạo được thiết kế để mô phỏng các tổ chức, ngân hàng hoặc dịch vụ trực tuyến phổ biến nhằm lừa đảo người nhận tiết lộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu.

Các kỹ thuật Phishing ngày càng tinh vi hơn và có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho cá nhân và doanh nghiệp.

Cùng với đó, tấn công ransomware cũng đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại. Ransomware là một loại mã độc mà khi bị lây nhiễm, nó mã hóa các tệp tin trên máy tính và yêu cầu một khoản tiền chuộc để giải mã.

Các cuộc tấn công ransomware đã và đang gây ra tổn thất tài chính đáng kể cho các công ty và tổ chức, cũng như gây rối và gây phiền hà cho người dùng cá nhân.

Ngoài ra, các cuộc tấn công lừa đảo khác như lừa đảo qua điện thoại, lừa đảo qua tin nhắn văn bản, và lừa đảo qua các trang web giả mạo cũng đang gia tăng.

“Những kẻ tấn công ngày càng thông minh và sử dụng các kỹ thuật tiên tiến để lừa đảo và chiếm đoạt thông tin cá nhân, tài sản và danh tính của người dùng. Điều này đòi hỏi chúng ta cần tăng cường nhận thức về an ninh mạng và thực hiện các biện pháp bảo vệ cá nhân và tổ chức mạnh mẽ hơn”, chuyên gia Viettel Cyber Security nhận định.

Đồng quan điểm, ông Khổng Huy Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), nhấn mạnh, lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng là vấn đề lớn, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân và doanh nghiệp, mà còn đe dọa đến sự tin cậy và an toàn của không gian trực tuyến.

Vấn đề này còn có thể ảnh hưởng đến bước tiến của Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và xã hội số.

Ông Khổng Huy Hùng cũng cho biết thêm, gần đây, đã có sự tăng nhanh về số lượng cũng như mức độ tinh vi, phức tạp của các vụ tấn công lừa đảo trực tuyến. Thậm chí, các nhóm tội phạm mạng còn sử dụng các công cụ về trí tuệ nhân tạo, học máy để tối ưu các kịch bản lừa đảo nhằm tăng khả năng thành công; tăng cao hiệu suất trong việc phát tán, thực thi lừa đảo.

Bên cạnh đó, các phương thức lừa đảo truyền thống ngày càng được vận dụng một cách chỉn chu hơn nhằm tấn công có định hướng vào người dùng.

Nhận thức rõ những hệ lụy từ sự gia tăng mạnh mẽ các vụ lừa đảo trực tuyến trên không gian mạng, thời gian qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin đã chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo vệ người dân, doanh nghiệp trên môi trường số.

Cùng với việc thường xuyên rà soát, đánh giá và có cảnh báo tới các tổ chức, cá nhân về những nguy cơ tấn công mạng, trong đó có tấn công lừa đảo, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật để bảo vệ người dân trên mạng.

Đơn cử như, trong nửa đầu năm nay, Cục đã chỉ đạo, điều phối ngăn chặn 1.530 trang web/blog vi phạm pháp luật, trong đó có 559 trang lừa đảo trực tuyến. Qua đó, bảo vệ hơn 2,7 triệu người dân không truy cập vào các website lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

Hay với hệ sinh thái tín nhiệm mạng được cho ra mắt từ giữa năm 2021, hiện đã có 3.400 tổ chức và trên 3.800 website được gắn nhãn tín nhiệm, hỗ trợ người dùng nhận biết các tổ chức, website đáng tin cậy, từ đó phần nào hạn chế việc họ bị mắc bẫy của đối tượng lừa đảo trực tuyến.

Đang có cách hiểu chưa đúng về trách nhiệm bảo vệ người dân trên mạng

Một hoạt động nổi bật thời gian gần đây của lĩnh vực an toàn thông tin mạng là chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” được Bộ TT&TT phát động từ trung tuần tháng 6/2023, với mục tiêu nâng cao nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến tới mọi người dân, bảo vệ người dân trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng.

Chiến dịch đang được triển khai trên toàn quốc, thông qua các clip tình huống lừa đảo trực tuyến phổ biến, các hướng dẫn nhận diện 24 hình thức lừa đảo, đồng thời cung cấp bộ Cẩm nang kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.

Liên tục trong các năm gần đây, Cục An toàn thông tin thường xuyên có cảnh báo người dân về các hình thức lừa đảo phổ biến trên không gian mạng. (Ảnh: Hà Hiền).

Với mục tiêu đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trực tuyến, Bộ TT&TT đã xác định một nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực an toàn thông tin mạng trong tháng 8/2023 cũng như các tháng cuối năm nay là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động rà soát, phát hiện các hành vi lừa đảo trên không gian mạng.

Bên cạnh vai trò nòng cốt của các cơ quan chuyên trách 3 bộ: TT&TT, Công an, Quốc phòng, việc đảm bảo an toàn cho các cơ quan, tổ chức và người dân trên không gian mạng còn là trách nhiệm chung của tất cả các cơ quan, đơn vị, với quan điểm “thực sao ảo vậy” - cơ quan quản lý lĩnh vực nào trong đời thực thì cũng có trách nhiệm quản lý nội dung đó trên không gian mạng.

Tuy vậy, với việc bảo vệ người dân trên mạng nói chung và vấn nạn lừa đảo trực tuyến nói riêng, hiện vẫn có tâm lý, cách hiểu chưa đúng, coi đây chỉ là trách nhiệm của Bộ TT&TT.

Vì thế, thời gian tới, bên cạnh việc tích cực tuyên truyền để có thêm nhiều người dân sớm biết cách phòng chống các hình thức lừa đảo, các cơ quan truyền thông cũng cần làm tốt công tác truyền thông chính sách, để xã hội hiểu đúng về việc cần thiết phải có sự tham gia của các ngành, lĩnh vực vào việc đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng.