CĐS ngày càng trở thành một chiến lược phải có của các DN, đặc biệt sau 2 năm đại dịch COVID-19. Các công ty trong lĩnh vực FMCG - kinh doanh các mặt hàng như thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu hàng ngày khác - cũng không ngoại lệ. Ngành công nghiệp FMCG đã có những bước ngoặt CĐS lớn trong 2 năm qua. Chính vì thế, nhân sự làm việc trong ngành này cũng đối mặt với nhiều thay đổi và yêu cầu mới, nếu muốn trụ vững với nghề, đặc biệt là những kỹ năng về thương mại điện tử (TMĐT) và ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động công việc hàng ngày.
Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu tại Việt Nam hiện đang sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks, vừa phát hành báo cáo “Nhân sự ngành FMCG: Thách thức và cơ hội khi thị trường phục hồi sau COVID-19”. Theo Navigos, trong năm 2021, ngành FMCG đã trải qua những khó khăn và thử thách nhất định khi chịu tác động nặng nề từ dịch COVID-19.
Chuyển kênh bán hàng từ các kênh truyền thống sang kênh kỹ thuật số
Dịch bệnh COVID-19 kéo dài từ năm 2020 sang năm 2021 đã khiến cho ngành FMCG có sự chuyển đổi về kênh bán hàng. Trong trạng thái bình thường không có COVID, các sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu ở các kênh truyền thống như chợ và các đại lý, hoặc các kênh hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Tuy nhiên, do giãn cách xã hội vì dịch bệnh và giới hạn tiếp xúc trực tiếp, người tiêu dùng đã chuyển hướng hành vi mua sắm sang các kênh kỹ thuật số (digital), dẫn đến sự bùng nổ của các ứng dụng bán hàng trực tuyến. Giờ đây, các kênh bán hàng trực tuyến như Tiki, Shopee hay Lazada đều triển khai bán các mặt hàng tiêu dùng nhanh. Thậm chí, các ứng dụng chạy xe cũng nở rộ mảng “đi chợ hộ”.
Báo cáo Toàn cảnh TMĐT Việt Nam 2021 của Lazada cho biết trong giai đoạn 2020 - 2021, khu vực Đông Nam Á và Việt Nam chứng kiến nhiều thay đổi tích cực về thói quen mua sắm trực tuyến. Trong đó, nổi bật là sự trỗi dậy của một số hình thức bán hàng mới, giúp tăng khả năng tương tác để cải thiện trải nghiệm mua sắm của khách hàng trên nền tảng TMĐT. Năm 2021 còn ghi nhận sự thay đổi về chân dung người tiêu dùng trên TMĐT với sự mở rộng về độ tuổi và địa lý.
Do người tiêu dùng chuyển sang hành vi tiêu dùng mới trên các kênh hiện đại và kênh kỹ thuật số nên các DN phải tìm giải pháp đảm bảo hàng hoá được chuyển tới tay người tiêu dùng một cách nhanh và an toàn nhất. Chính vì vậy, các DN trong ngành FMCG đã phải “bắt tay” với các DN trong mảng TMĐT để giải quyết các vấn đề về kênh bán hàng và vận chuyển hàng hoá.
Theo một nghiên cứu của McKinsey, thực tế, người tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng cả về hành vi và sở thích. Thế hệ millennial đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như sức khỏe, nguồn gốc địa phương của sản phẩm và ủng hộ nền kinh tế chia sẻ.
Các nhà sản xuất hoặc nhà bán lẻ sẽ lấy người tiêu dùng làm trung tâm của các hoạt động số. Họ tập trung vào dữ liệu khách hàng, sử dụng phân tích nâng cao để đưa ra quyết định nhanh hơn và tốt hơn, đồng thời giành và giữ nhân tài số. Trong tổ chức nội bộ của mình, họ sử dụng các phương pháp linh hoạt để phản ứng nhanh với các yêu cầu thay đổi và bắt kịp các xu hướng từ rất sớm.
Hơn nữa, số hóa không chỉ tăng tốc thị trường mà còn đang thay đổi thị trường. Kênh giao tiếp của khách hàng ngày càng chuyển sang Internet; người dùng theo dõi các thương hiệu trên các kênh truyền thông xã hội. Để thu hút các ứng viên tiềm năng, các DN trong ngành này thường xuyên tổ chức nhiều các sự kiện để thu hút ứng viên thông qua các hội thảo trực tuyến, các chương trình quản trị viên tập sự trên các kênh mạng xã hội.
Thách thức của nhân sự ngành FMCG trong thời kỳ CĐS
Bán hàng là đội ngũ nhân sự chiếm số lượng nhiều nhất trong ngành FMCG. Theo hãng tuyển dụng Navigos, đây cũng là đội ngũ rời bỏ thị trường ngành FMCG cao nhất trong năm 2020 và 2021. Lý do chủ yếu đến từ việc đây là ngành phát triển rất nhanh và cũng thay đổi nhanh. Bên cạnh đó, thị phần của các DN dẫn đầu trong ngành FMCG có tính cạnh tranh rất cao. Do đó, đội ngũ bán hàng được yêu cầu phải rất năng động mới có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.
Nhân sự ngành FMCG gặp nhiều thách thức khi luôn phải ở trong trạng thái sẵn sàng thay đổi. Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các yêu cầu của nhà tuyển dụng trong ngành FMCG cũng có những yêu cầu mới đối với các ứng viên tiềm năng của ngành này. Người lao động luôn phải ở trong trạng thái sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thích nghi với các biến động của thị trường.
Do FMCG là ngành có nhiều cạnh tranh liên quan đến doanh số và hình thức vận chuyển (logistics) nên đây vẫn luôn là thách thức cho bất kỳ một nhân viên nào, đặc biệt là bộ phận bán hàng nếu muốn thành công trong ngành này.
Ứng viên cần có kỹ năng tốt về xây dựng mạng lưới các mối quan hệ
Do thị trường ngành FMCG có những thay đổi về tính chất công việc, từ bán hàng theo hình thức B2B (DN với DN; nhà sản xuất với người bán buôn; người bán buôn với người bán lẻ; người bán lẻ với người nhập sỉ...) và B2C (trực tiếp từ DN đến người tiêu dùng) rồi giờ đây chuyển đổi sang B2B2C (mô hình phổ biến như các trang TMĐT), đồng thời có sự chuyển hướng về khách hàng như trên, nên ngành FMCG yêu cầu ứng viên cần năng động và có kỹ năng xây dựng mạng lưới mối quan hệ tốt. Ngoài ra, các ứng viên còn cần phải có bộ kiến thức và kỹ năng mới liên quan đến TMĐT và ứng dụng công nghệ thông tin trong công việc.
Yêu cầu cao hơn về tiếng Anh và kỹ năng CNTT
Các DN đa quốc gia và các DN lớn của Việt Nam hoạt động trong ngành FMCG đều yêu cầu ứng viên có kỹ năng sử dụng tiếng Anh thành thạo để đáp ứng được với các xu hướng toàn cầu hóa trong ngành này.
Ngoài ra, DN ngành FMCG có xu hướng tuyển dụng nhân sự là bán hàng online thay vì tuyển nhân sự bán hàng tại các kênh truyền thống. Chính vì vậy, các ứng viên truyền thống cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng mới liên quan đến CĐS, CNTT để có thể đi được chặng đường trong 5 - 10 năm tới. Thời điểm hiện tại, các kênh truyền thống vẫn đang tồn tại với số lượng lớn nên các ứng viên quen làm việc với các kênh này vẫn còn cơ hội làm việc trong 1 - 2 năm nữa. Tuy nhiên sau đó, nếu họ không chuyển đổi theo các yêu cầu và kỹ năng mới thì khả năng bị đào thải có thể xảy ra.
Theo tư vấn của tập đoàn Navigos, nhân sự ngành FMCG nên trang bị thêm kiến thức và kỹ năng về các nền tảng công nghệ mới, các ứng dụng công nghệ mới mà thế giới đã áp dụng để chuẩn bị sẵn sàng cho các yêu cầu mới trong công việc.
Ngoài ra, các DN có thể đầu tư vào đào tạo, khai vấn/huấn luyện (coaching)... không chỉ về kỹ năng nghề nghiệp (skill) mà còn trong tư duy (mindset), định hướng (orientation), khả năng chịu đựng stress và thay đổi… cho các nhân sự giai đoạn mới để bắt kịp với sự thay đổi. Đặc biệt, DN nên đầu tư chuyển đổi tỷ trọng sang kênh mới nhưng vẫn kết hợp tận dụng phát triển ưu thế kênh truyền thống, nhằm tối ưu hóa nguồn lực.
Lazada cho biết năm 2021 được coi là năm bùng nổ của làn sóng CĐS khi ngày càng có nhiều DN, cá nhân lựa chọn kinh doanh trực tuyến. Để thúc đẩy tiến trình dịch chuyển này, nhiều chính sách đơn giản hóa quy trình đăng ký đã được các nền tảng TMĐT áp dụng. Đồng thời, các nền tảng TMĐT cũng thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, cung cấp nhiều công cụ tiếp thị phù hợp, hỗ trợ về dịch vụ chăm sóc khách hàng và quy trình giao hàng dành cho nhà bán hàng.
Song hành với đó, việc xây dựng một cộng đồng nhà bán hàng vững mạnh cũng được đánh giá là cách hiệu quả để giữ chân nhà bán hàng đang hoạt động và thu hút thêm nhà bán hàng mới.
Bảo Bình
Theo itcvietnam.vn