Phát huy vai trò của người đứng đầu để KHCN và ĐMST thực sự trở thành động lực phát triển của địa phương

Thái An
Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để KHCN và ĐMST thực sự trở thành động lực, tạo ra những giải pháp đột phá thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh và bền vững thì vai trò của người đứng đầu địa phương đó rất quan trọng.

Đó là phát biểu được nhấn mạnh tại buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang và Lễ ký kết Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Hậu Giang với Đại học Quốc gia TPHCM ngày 28/7.

d4480139670eb450ed1f-16905341524351120364521

Ký kết Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Hậu Giang và Đại học Quốc gia TPHCM nhằm đẩy mạnh hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo - Ảnh: VGP/HG

Theo nội dung phát biểu của Vụ Phát triển khoa học công nghệ (KHCN) địa phương (Bộ KH&CN), tại Lễ ký kết, tỉnh Hậu Giang đã và đang áp dụng cơ chế đặt hàng thực hiện nhiệm vụ KHCN, nên nhiệm vụ được triển khai mới đều có địa chỉ ứng dụng, các kết quả sau nghiên cứu được đưa vào ứng dụng thực tế, đáp ứng được yêu cầu phát triển của các ngành, địa phương và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Công tác quản lý về sở hữu trí tuệ được thực hiện tốt, kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Các tổ chức, cá nhân đến để được hướng dẫn đăng ký sở hữu công nghiệp ngày càng tăng lên; số đơn đăng ký được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn và cấp văn bằng bảo hộ cũng tăng theo từng năm. Điều này cho thấy sự quan tâm, chú trọng của các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Bên cạnh những mặt tích cực, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, hoạt động KHCN của tỉnh còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc như: Thiếu cán bộ nghiên cứu KHCN có trình độ chuyên môn cao, nhất là các chuyên gia KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) đầu ngành; nguồn sự nghiệp KHCN còn ít, chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động; việc xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước còn lúng túng, nhất là lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KHCN; việc thương mại hóa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ KHCN chưa nhiều…

Cùng với đó, các tổ chức hoạt động KHCN của tỉnh Hậu Giang cũng còn thiếu, trình độ hạn chế, chưa đủ sức triển khai các đề tài, dự án, quy mô lớn tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như ứng dụng các tiến bộ khoa học tiên tiến, hiện đại.

Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt cho rằng, để KHCN và ĐMST thực sự trở thành động lực, tạo ra những giải pháp đột phá thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh và bền vững thì vai trò của người đứng đầu địa phương đó rất quan trọng.

Bên cạnh đó, các địa phương cùng cần tăng cường đầu tư, nâng cao tiềm lực cho KHCN và ĐMST, trong đó chú trọng đến phát triển và thu hút nguồn nhân lực KHCN, triển khai các nhiệm vụ KHCN thiết thực, phục vụ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong chính địa phương mình.