Tại Hội nghị chuyên đề "Quốc hội số và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội cho biết ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết 57-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, top 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển chính phủ điện tử. Việt Nam kỳ vọng xếp hạng top 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số. Đến năm 2045, Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; mục tiêu năm 2030 quy mô kinh tế số sẽ chiếm hơn 30% GDP và tăng lên 50% vào năm 2045.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tập trung quán triệt, thực hiện một số nội dung trọng tâm. Trong đó, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là yếu tố then chốt, tất yếu để xây dựng Quốc hội hiện đại, dân chủ, minh bạch, chuyên nghiệp, khoa học và hiệu quả. Trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành trợ thủ đắc lực giúp Quốc hội xem xét, đưa ra những quyết sách chính xác hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn, nâng cao hiệu quả giám sát và kết nối tốt hơn với cử tri và nhân dân. Quốc hội cần đi đầu trong việc đầu tư hạ tầng số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu thực hiện nhanh, có hiệu quả các nghị quyết, đề án đã ban hành đối với Quốc hội; đào tạo, trang bị kỹ năng số, giúp đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan của Quốc hội sử dụng công nghệ một cách hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ. Phát triển hạ tầng số hiện đại, đầu tư xây dựng nền tảng ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần tăng cường học hỏi kinh nghiệm và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ số hiện đại trong hoạt động nghị viện để phát triển các giải pháp với điều kiện thực tiễn của Quốc hội Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ chín (tháng 5/2025), Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xem xét thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, mở đường cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng đạt được thành tựu trong lĩnh vực này, vì sự phát triển bền vững của gia đình, xã hội, vì sự trường tồn của quốc gia và dân tộc. "Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, bản lĩnh, trí tuệ và tâm huyết, chúng ta sẽ đạt được những bước tiến quan trọng trong hành trình xây dựng Quốc hội số, đóng góp tích cực vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Minh Tú