Tại Việt Nam, hàng giả đang trở thành vấn nạn của xã hội, ảnh hưởng tới uy tín, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng tinh vi, khó lường cả về quy mô tính chất và địa bàn. Các mặt hàng giả ngày càng đa dạng, từ đồ ăn, thức uống, đến hàng hóa chất lượng cao như đồ điện tử, thậm chí tem chống hàng giả cũng bị làm giả.
Đặc biệt đáng quan tâm là vấn nạn sản xuất, buôn bán xuất bản phẩm giả sách giáo khoa, sách tham khảo... Không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến các nhà xuất bản, vấn nạn này còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, bởi, xuất bản phẩm giáo dục giả có sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin sẽ dẫn đến sai lệch về nội dung, kiến thức tiếp nhận của học sinh. Bên cạnh đó, xuất bản phẩm giáo dục giả có chất lượng giấy in thấp, in bị mờ không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất của học sinh, nhất là về thị lực. Nếu sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả, học sinh sẽ không thể truy cập và sử dụng online được các giá trị, tư liệu, tiện ích bổ sung, hỗ trợ cho học sinh.
Vì vậy mới đây, tại Hà Nội, Tổng cục Quản lý thị trường đã mở cửa phòng trưng bày với chủ đề: "Tuần lễ nhận diện sách giáo dục và đồ chơi an toàn cho trẻ em".
Sự kiện là một trong những hoạt động ý nghĩa nhằm giúp khách tham quan, người tiêu dùng trang bị những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện đúng sách và đồ chơi an toàn cho trẻ em nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, qua đó góp phần lan tỏa văn hóa đọc, lựa chọn những sản phẩm an toàn cho trẻ em nói riêng cũng như giới trẻ nói chung.
Tại sự kiện, ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hệ quả của in lậu sách ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho tác giả, cho các nhà xuất bản, đối tác liên kết, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế khi tham gia Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Do đó, việc loại trừ các hành vi in, phát hành xuất bản phẩm lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước, của chính quyền các địa phương, của các nhà xuất bản mà cần có sự góp sức và chung tay của toàn xã hội.
Trước vấn nạn này, bà Vũ Thị Minh Ngọc - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp - Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Quản lý thị trường) cũng cho biết, công tác chống hàng giả sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của lực lượng trong giai đoạn hiện nay và thời gian sắp tới.
Song song với kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường cũng phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Hải quan, Biên phòng, Công an... tiến hành kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Bà Vũ Thị Minh Ngọc cũng cho hay: "Hiện nay, chúng tôi đang trình Chính phủ Đề án nâng cao năng lực của cơ quan quản lý thị trường trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính. Nếu được phê duyệt, Đề án sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lực lượng Quản lý thị trường trong thực thi nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gian lận thương mại”.
Đặc biệt, bà Vũ Thị Minh Ngọc nhấn mạnh: Để công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà sản xuất và nhà tiêu dùng. Trong đó, Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra xử lý; nhà sản xuất phối hợp tốt với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm và chủ động tuyên truyền cho người tiêu dùng cách nhận diện phân biệt hàng thật - hàng vi phạm; còn người tiêu dùng thì phải tỉnh táo trong việc lựa chọn, mua và sử dụng những sản phẩm chính hãng, chất lượng cao, nói không với hàng giả, hàng kém chất lượng.