Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, với trí tuệ nhân tạo, sản xuất thông minh… Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bên cạnh thị trường truyền thống, hoạt động kinh doanh diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường TMĐT. Điều đó cũng kéo theo vấn nạn làm giả, làm nhái sản phẩm, thương hiệu càng trở nên phổ biến. Môi trường kinh doanh này đang phải đối mặt với thách thức lớn về vấn đề bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Vì vậy việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử là việc làm quan trọng đối với sự thành công của các doanh nghiệp.
Theo tìm hiểu của PV Sở hữu Trí tuệ và Sáng tạo, Nhãn hiệu bao cao su OLO của Việt Nam cũng bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ rất nhiều ở các gian hàng thường của sàn TMĐT Shopee . Vì vậy chủ sở hữu nhãn hiệu cũng đã có những chia sẻ cụ thể về những thách thức đang phải đối mặt trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Khó phát hiện, khó xác định, khó xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Theo đó, cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong việc xử lý triệt để các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Bởi vì hiện nay do chưa thể xác định được danh tính các cá nhân kinh doanh trên sàn thương mại điện tử dựa trên dữ liệu về chứng minh thư và căn cước công dân chưa gắn chip nên chưa đủ căn cứ pháp lý để xử lý triệt để các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài ra, chúng ta còn gặp khó khăn trong phát hiện các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Do thương mại điện tử mới phát triển mạnh mẽ trong 5 năm trở lại đây nên còn rất nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu chưa kịp chuyển đổi, chưa nhận thức đủ về những rủi ro bị xâm phạm nhãn hiệu trên không gian mạng nên đã không để ý, giám sát chặt chẽ các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Việc phát hiện các hành vi xâm phạm nhãn hiệu hiện nay vẫn chủ yếu do chủ sở hữu nhãn hiệu phát hiện ra.
Cùng với đó, do bản chất hành vi xâm phạm nhãn hiệu là hành vi phức tạp và chỉ được hoàn toàn xác định bởi kết luận giám định nhãn hiệu của Viện khoa học sở hữu trí tuệ nên các chủ sở hữu nhãn hiệu và sàn thương mại điện tử khá lúng túng trong việc xác định các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Các sàn thương mại điện tử buông lỏng quản lý đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu
Đối với việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì trách nhiệm của các sàn TMĐT cũng rất quan trọng. Tuy nhiên các sàn TMĐT hiện đang buông lỏng quản lý đối với các hành vi xâm phạm nhãn hiệu.
Cụ thể, hai sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam là Shopee và Lazada đều có 2 mô hình kinh doanh thành công nhất C2C, B2C. Trong đó mô hình kinh doanh C2C- Consumer to Consumer, là kênh trung gian giúp cá nhân và cá nhân có thể mua bán trao đổi hàng hóa với nhau. Còn mô hình kinh doanh B2C – Business to Consumer là kênh trung gian kết nối giữa doanh nghiệp với người mua hàng. Các gian hàng trên Shopee và Lazada tựu chung được phân loại theo dựa theo mô hình C2C được gọi chung là “shop thường” còn mô hình B2C được gọi chung là “Shop Mall”.
Tuy nhiên, các sàn TMĐT này đang không kiểm duyệt chặt chẽ các sản phẩm không sử dụng nhãn hiệu, đăng ký dưới dạng “No brand” .
Để thu hút lượng lớn người dùng tham gia mua sắm trên sàn thương mại điện tử dựa trên động lực cơ bản trong hành vi mua sắm trong thị trường tự do là hỗ trợ tạo ra “các lỗ hổng kinh tế” giúp người mua có thể mua được với giá rẻ hơn so với các hình thức mua sắm khác nên đối với các các gian hàng dạng “shop thường” thì quan điểm của shopee và lazada hiện tại là cho phép các cá nhân đăng bán các sản phẩm dạng “ No brand” – không cần đăng ký sở hữu trí tuệ vẫn có thể giao dịch mua bán bình thường. Đây chính là kẽ hở đã nuôi dưỡng các hành vi xâm phạm nhãn hiệu. Đó chính là biểu hiện buông lỏng quản lý đầu tiên và “nhẹ nhất” vì có nhiều sản phẩm trên thị trường đúng là không cần nhãn hiệu vẫn mua bán bình thường.
Ngoài ra việc buông lỏng quản lý còn thể hiện ở việc các sàn TMĐT đã không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ về chế tài xử phạt hành chính và không chuyển sự việc vi phạm về nhãn hiệu về cho các cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ dẫn đến tình trạng các đối tượng xâm phạm không sợ và vẫn tiếp tục nhiều hành vi liều lĩnh như làm giả giấy tờ về nhãn hiệu, hóa đơn, hợp đồng ủy quyền… Các đối tượng này cũng hiểu rõ vấn đề là nếu vi phạm chỉ bị khóa gian hàng. Trong khi đó họ có thể dễ dàng mở các gian hàng khác bởi việc mở gian hàng mới quá dễ dàng, chỉ cần chứng minh thư hoặc căn cước công dân để đăng ký mà không cần thêm về đăng ký kinh doanh.
Không chỉ vậy, các sàn TMĐT còn yếu kém trong khâu kiểm duyệt sản phẩm, tạo kẽ hở để tất cả các gian hàng kể cả gian hàng chính hãng cố tình xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ.
Dưới đây là các lỗ hổng mà các đối tượng xâm phạm nhãn hiệu sử dụng:
Chỉ xác nhận thông tin một chiều từ phía từ nhà bán cung cấp mà không kiểm duyệt lại với chủ sở hữu nhãn hiệu để xác thực độ chính xác của các thông tin nhà bán cung cấp
Các nhà bán lợi dụng kẽ hở buông lỏng quản lý này để làm giả giấy tờ về hóa đơn VAT, hợp đồng ủy quyền phân phối, các giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm để đủ điều kiện đăng tải sản phẩm, và đủ điều kiện lên “shop mall”.
Không kiểm soát chặt chẽ việc đăng tải sản phẩm đối với các gian hàng shop thường
Các sàn thương mại điện tử vin vào lý do chỉ là công ty về dịch vụ và thương mại nên không đủ thẩm quyền xác định các hành vi về xâm phạm nhãn hiệu nên chỉ xử lý khi có kết luận giám định nhãn hiệu của Viện khoa học sở hữu trí tuệ. Nên đã buông lỏng quản lý đối với vấn đề đăng tải sản phẩm của shop thường dẫn đến việc rất phổ biến về hành vi xâm phạm nhãn hiệu ở các shop thường. Các shop thường ngang nhiên đăng đầy đủ tên của các sản phẩm xâm phạm hoặc biến tấu đi một chút.
Không kiểm soát chặt chẽ việc đăng tải phân loại sản phẩm đối với các shop mall
Các gian hàng shop mall mặc dù là hình thức kinh doanh “uy tín” nhưng vì mục tiêu lợi nhuận, vẫn sẵn sàng dám đánh đổi, dám vi phạm vì cơ chế xử lý vi phạm của sàn thương mại điện tử quá nhẹ không đủ sức răn đe và chỉ xử lý khi có khiếu nại của chủ sở hữu nhãn hiệu. Các shopee mall lợi dụng hình ảnh “uy tín” xâm phạm nhãn hiệu bằng cách đăng lên các sản phẩm vi phạm trong mục phân loại sản phẩm theo màu sắc, kích cỡ…để chèn vào các sản phẩm vi phạm. Các thủ đoạn rất tinh vi, có shop thì viết rõ tên thương hiệu bị xâm phạm ra, còn có shop thì chỉ để mô tả sản phẩm vi phạm trong hình ảnh nhãn hiệu bị vi phạm và thay đổi tên cho sản phẩm.
Không kiểm soát chặt chẽ hình ảnh mô tả sản phẩm và hàng hóa tặng kèm theo sản phẩm chính
Lợi dụng hàng hóa tặng kèm sản phẩm chính, các đối tượng vi phạm đã nghĩ ra cách bán các sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu dưới hình thức tặng kèm như mua 1 tặng 1, mua 1 tặng 3…
Không xử lý triệt để, dứt điểm các hành vi xâm phạm nhãn hiệu
Khi các gian hàng xâm phạm nhãn hiệu, sàn thương mại điện tử chỉ yêu cầu các gian hàng vi phạm thay đổi bao bì sản phẩm và tiêu đề mô tả còn lịch sử mua bán vi phạm lại vẫn giữ nguyên cả đánh giá và các chỉ số hàng đã bán mà không xóa bỏ toàn bộ sản phẩm vi phạm đó đi. Đó là lý do làm cho các đối tượng xâm phạm sở hữu trí tuệ ngày càng 'liều lĩnh' xâm phạm nhãn hiệu bất chấp đây là hành vi sai trái với pháp luật. Đây có thể coi là hành vi “tiếp tay” và “che dấu giúp” cho các chủ thể xâm phạm nhãn hiệu của các sàn thương mại điện tử.
Kiến nghị giải pháp xử lý tình trạng xâm phạm nhãn hiệu trên các sàn TMĐT
Chủ sở hữu nhãn hiệu OLO cũng đưa ra những kiến nghị nhằm mang tới những giải pháp giúp xử lý triệt để tình trạng này:
Yêu cầu các sàn thương mại điện tử bắt buộc phải chuyển hồ sơ các sự vụ đã xác định là có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu cho cơ quan bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Đối với các hành vi đã xác định được hành vi xâm phạm nhãn hiệu trên sàn TMĐT yêu cầu các sàn thương mại điện tử phải chuyển hồ sơ của các sự vụ về xâm phạm nhãn hiệu cho cơ quan thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để việc xử lý vi phạm được triệt để, đúng mức, mang tính răn đe, tránh các chủ thể tiếp tục vi phạm về xâm phạm nhãn hiệu ở các lần tiếp theo.
Điều chỉnh xây dựng khung pháp lý mang tính thực thi mạnh mẽ hỗ trợ cho quá trình định danh và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức xâm phạm nhãn hiệu là tài sản mềm quốc gia
Tất cả các đất nước hùng cường và độc lập đều phải được xây dựng dựa trên nền tảng sản xuất hàng hóa và thương mại mạnh mẽ. Đối với những hàng hóa thiết yếu được sản xuất từ nguồn nguyên liệu thiết yếu đầu vào cho nền công nghiệp hiện đại lại còn mang tính lợi thế cạnh tranh quốc gia như các chế phẩm về cao su tự nhiên cần được coi là tài sản quốc gia phải bảo vệ nghiêm ngặt. Tất cả các thương hiệu Việt xuất phát từ ngành hàng đó phải được bảo vệ sở hữu trí tuệ ở mức độ cao nhất vì đó là sức mạnh của dân tộc khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Chúng ta mới trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt, vừa mới bước chân vào nền kinh tế thị trường còn nhiều bỡ ngỡ trong vấn đề cạnh tranh thương hiệu nên chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng bộ luật hoàn chỉnh, có tác dụng thực thi mạnh mẽ để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các tài sản mềm của quốc gia.
Với những vấn đề được đưa ra ở trên, PV sẽ tiếp tục tìm hiểu để giúp giảm thiểu các vi phạm tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ trên sàn TMĐT. PV cũng sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng cũng như các công ty TMĐT để tìm ra hướng xử lý triệt để nhất tình trạng này.