Theo chia sẻ của ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam - một chuyên gia “kỳ cựu” trong lĩnh vực M&A, thị trường M&A đang chững lại về số lượng cũng như quy mô thương vụ.
Thị trường M&A: tạm chững nhưng vẫn ẩn chứa cơ hội
Cụ thể, nếu như năm 2021, thị trường M&A chứng kiến 700 thương vụ, thì 10 tháng năm 2022 chỉ đạt khoảng 350 thương vụ. Giá trị trung bình của các thương vụ cũng giảm mạnh, từ 31 triệu USD/thương vụ xuống còn 15 triệu USD/thương vụ. Tại Việt Nam, theo thông tin dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Thừa nhận thị trường M&A thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm 2022 trầm lắng hơn so với năm 2021 và những năm trước đó, ông Nguyễn Công Ái chỉ ra nguyên nhân tác động là những diễn biến của kinh tế toàn cầu. Cụ thể, trong bối cảnh tài chính - kinh tế thế giới khó khăn như hiện nay, việc vay tiền cho các hoạt động M&A không hề dễ dàng như trước. Nhiều quốc gia trên thế giới đang đi từ một nền kinh tế phát triển sang nền kinh tế suy thoái.
Bất ổn kinh tế toàn cầu cộng với những diễn biến của thị trường năng lượng, xung đột Nga - Ukraine đã tác động đến thị trường M&A thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Đó là một trong những lý do khiến thị trường M&A năm 2022 giảm so với năm 2021 cả về số lượng và giá trị thương vụ. Tuy nhiên, ông Nguyễn Công Ái nhấn mạnh, kinh tế toàn cầu khó khăn không đồng nghĩa với việc tất cả các nền kinh tế thành phần cũng gặp khó khăn.
Mỹ và châu Âu rơi vào suy thoái, nhưng ngoài ra vẫn có điểm sáng. Ví dụ, các nước Vùng Vịnh đang tận hưởng thu nhập cao từ giá dầu, họ đang có rất nhiều tiền và sẵn sàng đầu tư khi nhìn thấy cơ hội tốt.
Ở Việt Nam, nền kinh tế cũng có nhiều biến động, đối mặt với những rủi ro, thách thức. Thị trường chứng khoán đang gặp sóng gió với các vấn đề pháp lý, khiến nhà đầu tư ngần ngại xuống tiền, nên thị trường M&A sẽ có những khoảng trầm lắng trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh khoảng lặng đó vẫn “loé” lên những tia sáng. Bởi kinh tế Việt Nam trong năm 2022 được nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế trong nước và thế giới dự báo lạc quan, với mức tăng trưởng từ 7,5 - 8%; năm 2023 dù được dự báo giảm đi, nhưng vẫn giữ ở mức 6,5%.
Cơ hội cho start-up công nghệ blockchain
Kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, môi trường kinh doanh luôn được cải thiện chính là nền tảng cho các nhà đầu tư tìm kiếm những cơ hội tốt tại thị trường M&A Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có môi trường đầu tư hấp dẫn, các start-up đang “nở rộ” trên nhiều lĩnh vực. Đây chính là cơ hội cho những nhà đầu tư nhiều tiền, sẵn tiền có cơ hội thu nạp những dự án tốt với giá hấp dẫn.
Theo đó, ngoài các lĩnh vực như bán lẻ, tài chính - ngân hàng, bất động sản, thì các start-up công nghệ blockchain tại Việt Nam cũng đang thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư M&A.
Thời gian gần đây, Việt Nam nổi lên như một trong những quốc gia có nhiều start-up công nghệ gây được sự chú ý của giới đầu tư trên thế giới. Đây cũng là lý do, Agora Group quyết định chọn Việt Nam là điểm đến cho Hội nghị Blockchain toàn cầu lần thứ 10, diễn ra vào tháng 7/2022. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được lựa chọn để tổ chức sự kiện này ngoài Dubai.
Start-up công nghệ blockchain FOTA cùng với Matados 3, SocialFi là 3 dự án đại diện blockchain Việt Nam đã góp mặt vào 18 dự án trên toàn thế giới xuất hiện tại Hội nghị Blockchain toàn cầu với sự tham gia của 100 quỹ đầu tư.
Thống kê của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho thấy, trong top 200 công ty, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dựa trên công nghệ blockchain, có 7 doanh nghiệp do người Việt thành lập. Việt Nam cũng là một trong 5 quốc gia đi đầu về blockchain, hiện có khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo người Việt Nam trong lĩnh vực blockchain có vốn hóa trên 100 triệu USD.
Các chuyên gia về thị trường vốn đánh giá, sức hút từ các start-up blockchain Việt Nam vài năm gần đây rất lớn. Có thể dẫn chứng các trường hợp game blockchain của start-up Việt vừa mới ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt trên thị trường vốn quốc tế, như FOTA. Start-up này đã gọi vốn tổng cộng 10,3 triệu USD trong quý II/2022.
Trong bối cảnh thị trường tài chính phi tập trung đang đi xuống, việc FOTA gọi vốn được 10,3 triệu USD từ các nhà đầu tư khắp thế giới là một điều không đơn giản, cho thấy sức hút của các start-up blockchain của Việt Nam.
Chia sẻ về những thành công đó, ông Trịnh Ngọc Đức, Chủ tịch D.lion Holdings cho rằng, nếu chúng ta chỉ biết làm dự án chạy theo xu hướng, thì sẽ không đủ thuyết phục nhà đầu tư trên thế giới.
“Một số dự án trên thị trường gọi vốn vài triệu USD rất nhanh, nhân giá trị vốn hóa hàng trăm triệu USD chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng chỉ sau 1 - 2 tháng, dự án đó “chết”. Trong khi đó, các dự án của chúng tôi đã xây dựng kỹ trước hàng năm để có thể đi đường dài 3 - 5 năm. Đó là lý do, các nhà đầu tư thiên thần sẵn sàng bỏ tiền ra để đầu tư vào những dự án như FOTA”, ông Trịnh Ngọc Đức nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, blockchain là một trong những công nghệ phát triển nhanh nhất trong số các công ty khởi nghiệp toàn cầu. Cơ hội đầu tư vào các start-up công nghệ blockchain rất cao, đặc biệt tăng mạnh trong 2 năm qua và dự báo vẫn là điểm sáng của thị trường M&A trong những năm tới. Được kỳ vọng và đang có rất nhiều cơ hội, nhưng để có thể thu hút được dòng vốn từ các quỹ đầu tư lớn trên thế giới, bên cạnh việc tập trung vào chất lượng sản phẩm, các start-up cần quan tâm tới yếu tố con người nhằm tăng sức mạnh cho các dự án, tạo sức hấp dẫn với nhà đầu tư.