Vụ việc xuất phát từ hai hồ sơ xin cấp bằng sáng chế của Stephen Thaler năm 2018, một cho hình dạng bao bì thực phẩm và một cho một loại đèn pin. Thay vì liệt kê bản thân là nhà phát minh, Thaler lại đưa công cụ AI của mình có tên DABUS vào hồ sơ. Sau đó, ông cũng liệt kê quyền cá nhân đối với các bằng sáng chế là “chủ nhân của công cụ sáng tạo DABUS”.
Tòa án tối cao Anh phán quyết nhà phát minh phải là con người. (Ảnh: PhonlamaiPhoto)
Ban đầu, Văn phòng Tài sản sở hữu trí tuệ Anh phản hồi rằng Thaler không tuân thủ các quy định về bằng sáng chế, yêu cầu người phát minh phải là con người và quyền sở hữu xuất phát từ con người đó (trong trường hợp này là AI).
Thaler đã kháng cáo quyết định và khẳng định đáp ứng mọi yêu cầu theo quy định bằng sáng chế năm 1977 nhưng bị từ chối. Sau đó, ông tiếp tục kháng cáo lên Tòa án cấp cao và Tòa phúc thẩm của Anh nhưng cả hai đều bác bỏ khi phủ nhận AI là nhà phát minh.
Trong phán quyết tuần này, Tòa án tối cao Anh cho biết họ không quyết định về vấn đề liệu các tiến bộ kỹ thuật do các công cụ AI và máy móc tạo ra có nên được cấp bản quyền hay không, hay ý nghĩa của từ “nhà phát minh” có nên mở rộng hay không.
Tuy nhiên, dựa theo luật bản quyền hiện hành, thuật ngữ “nhà phát minh” phải là một “con người tự nhiên”.
Tòa án tối cao lưu ý, ông Thaler đã nêu rõ ông ấy không phải nhà phát minh; phát minh được mô tả trong hồ sơ là do DABUS tạo ra; quyền sở hữu bản quyền của những phát minh này xuất phát từ quyền sở hữu DABUS của Thaler.
Trong tuyên bố gửi Reuters, luật sư của Thaler cho rằng phán quyết đã cho thấy luật bản quyền của Anh hiện nay hoàn toàn không phù hợp để bảo vệ phát minh do máy móc AI tạo ra tự động.
Thaler còn kháng cáo tương tự tại các tòa án Mỹ và cũng bị bác bỏ vì bằng sáng chế phải do con người phát minh. Theo luật sư bản quyền Tim Harris từ hãng luật Osborne Clarke, nếu trong hồ sơ, Thaler lệt kê bản thân là nhà phát minh và sử dụng DABUS như một công cụ tinh vi, kết quả tố tụng có thể đã khác.